Xét xử vụ 'Khuất tất vụ đấu giá Khu dân cư Hoà Lân'
Ngày 5/3, TAND quận 7, TP.HCM đem vụ án đấu giá đầy dấu hiệu sai phạm tại Dự án Khu dân cư Hoà Lân (Bình Dương) ra xét xử sơ thẩm.
Trước đó Báo NNVN có bài: "Khuất tất vụ đấu giá dự án khu dân cư Hoà Lân" phản ánh Dự án khu dân cư Hòa Lân, TX Thuận An (Bình Dương) có diện tích 490.765 m2 trị giá hơn ngàn tỷ của Công ty TNHH SX- TM Thiên Phú thế chấp vay của một ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn TP HCM, nhưng do không có khả năng trả nợ nên được giao cho Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn đấu giá trả nợ. Đáng nói, Cty đấu giá có dấu hiệu "làm xiếc" để qua mặt ngân hàng, cũng như các đơn vị tham gia đấu giá gây thiệt hại lớn cho DN có tài sản, cũng như việc thu hồi vốn cho ngân hàng…
Thương vụ đấu giá ngàn tỷ Dự án KDC Hoà Lân đầy khuất tất đã được Thủ tướng yêu cầu báo cáo trong tháng 3/2019
Cụ thể, Cty Thiên Phú vay 305 tỷ đồng và 18,634 lượng vàng với tổng số tiền đã quy đổi là hơn 1,1 ngàn tỷ đồng. Ngày 17/6/2015, ngân hàng trên đã ký hợp đồng 10/2915/ĐGNSG với Cty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Cty Đấu giá Nam Sài Gòn) đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án Hòa Lân với giá khởi điểm 1.467,7 tỷ đồng.
Không hiểu có "uẩn khúc" gì, trải qua tới 12 phiên đấu giá kéo dài từ ngày 9/7/2015 đến 25/5/2017, việc đấu giá mới thành công nhưng chứa đầy khuất tất do rất nhiều lần thông báo đấu giá có nhiều Cty tham gia nhưng Cty đấu giá Nam Sài Gòn lại có công văn thông báo cho phía ngân hàng biết không có khách hàng nào tham gia.
Cứ như thế, qua 11 phiên, sau mỗi phiên không có khách hàng tham gia, giá trị tài sản của Dự án KDC Hoà Lân lần lượt được điều chỉnh giảm xuống từ 2% lần 2; 5% lần 3; 10% lần 4; 10% lần 5; 10% lần 7; 3% lần 8 và 1% lần 9 khiến tài sản định giá để bán từ 1.467,7 ngàn tỷ chỉ còn 1.070 ngàn tỷ và tới phiên thông báo lần thứ 10 chỉ còn 963 tỷ đồng và lần thứ 11 chỉ còn có 900 tỷ đồng!
Phải đến ngày 3/1/2016, phía ngân hàng có thông báo cho Cty Đấu giá Nam Sài Gòn có khách hàng muốn mua tài sản với giá 963 tỷ đồng nên đề nghị điều chỉnh lại mức đấu giá lần thứ 11 ngày 29/12/2016 lên 963 tỷ đồng. Tại lần này có Cty Thuận Lợi (TP Thủ Dầu Một) tham gia đấu giá nhưng Cty Thiên Phú và phía ngân hàng thống nhất kéo dài thêm thời gian đấu giá tới 28/2/2017.
Phải đến phiên thông báo đấu giá lần thứ 12, ngày 28/4/2017 Cty Đấu giá Nam Sài Gòn thông báo có 3 khách hàng đăng ký đấu giá và đã nộp 96,3 tỷ (đặt trước 10% giá trị tài sản đấu giá) gồm: Thủ Đức House, Cty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM (gọi tắt là Cty Kim Oanh, trước đây có tên là Cty TNHH Xây dựng A Đông Hải) và Cty CP Đầu tư Thái Bình.
Tuy nhiên 3 công ty này duy nhất có Thủ Đức House đáp ứng tốt nhất của ngân hàng là cam kết trả tiền ngay theo đúng quy định sau khi đấu giá (nếu trúng). Hai công ty còn lại dù đã đóng tiền đặt trước 10% nhưng hồ sơ không thể hiện việc trả ngay hay trả dần cho phía ngân hàng biết.
Ngày 25/5/2017, Cty đấu giá Nam Sài Gòn tổ chức đấu giá và rất ngạc nhiên là sau 14 vòng trả giá Cty Kim Oanh trúng đấu giá 1.353 tỷ đồng. Theo quy định của phía ngân hàng, đơn vị trúng đấu giá phải thanh toán một lần ngay số tiền trúng đấu giá nhưng mãi đến tháng 11/2018 Cty này mới thanh toán được 847,8 tỷ đồng (chưa bằng số tiền đấu giá khởi điểm) và còn nợ 478 tỷ đồng cùng lãi chậm trả 8% tính từ ngày 5/9/2017.
Đáng chú ý, thanh tra Bộ Tư pháp phát hiện ngày 25/5/2017 Cty đấu giá Nam Sài Gòn, cả ngân hàng và Cty Kim Oanh có ký biên bản nội dung: "… Khách hàng mua được tài sản bán đấu giá phải thanh toán trong vòng 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành. Nếu quá thời gian 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành người mua được tài sản bán đấu giá không thanh toán đủ số tiền mua tài sản theo quy định thì xem như vi phạm nghĩa vụ thanh toán và từ chối mua tài sản và đồng ý huỷ kết quả đấu giá vô điều kiện và chấp thuận để bên có tài sản bán đấu giá lấy lại tài sản bán đấu giá để bán lại cho người khác".
Công văn của ngân hàng gửi Thủ Đức House (đơn vị tham gia đấu giá) thông báo việc chậm trả tiền của đơn vị trúng thầu là Cty Kim Oanh |
Sau khi Báo NNVN và công luận lên tiếng, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bình Dương) đã vào cuộc điều tra vụ việc. Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc xác minh, làm rõ. Hiện nay, Dự án KDC Hòa Lân bị nghiêm cấm giao dịch dưới mọi hình thức.
Trong một diễn biến khác, Cty Thiên Phú đang chuẩn bị khởi kiện yêu cầu Toà tuyên bố hợp đồng thế chấp tài sản giữa Cty và phía ngân hàng là vô hiệu do vi phạm pháp luật đồng thời yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản, trả lại tài sản cho Cty Thiên Phú.
Bởi lẽ, trong hơn 49 ha đất mà Cty Thiên Phú đem thế chấp cho ngân hàng có tới hơn 246.853 m2 đất đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng thì Cty Thiên Phú không được thế chấp quyền sử dụng phần đất này mà chỉ được thế chấp tài sản trên đất. Do đó, Cty Thiên Phú thế chấp quyền sử dụng đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất lại đem đi thế chấp Dự án Khu dân cư Hòa Lân cho ngân hàng là không đúng.
Trong một diễn biến khác, theo tài liệu của Báo NNVN ngày 15/3/2019 TAND Quận 7 đã tuyên: "Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm chuyển dịch quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với các tài sản là quyền sử dụng đất thuộc Dự án KDC Hoà Lân (diện tích 49,0765ha) tại xã Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương".
Ngoài ra, liên quan đến thương vụ đấu giá ngàn tỷ, dư luận hết sức ngạc nhiên là Cty đấu giá Nam Sài Gòn sau khi đấu giá thành công đã mất tích. Dư luận cho rằng: Phải chăng Cty Đấu giá Nam Sài Gòn thành lập ra chỉ đấu giá đúng một "thương vụ ngàn tỷ đầy khuất tất" xong giải thể?
Liên quan đến "Thương vụ đấu giá ngàn tỷ khuất tất" này, ngày 15/03/2019 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2059/VPCP-V1 gửi Bộ Tư pháp truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tư pháp báo cáo kết quả thanh tra việc đấu giá tài sản thế chấp tại ngân hàng đối với Dự án Khu dân cư Hoà Lân của Cty Thiên Phú; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2019.
Cty Đấu giá Nam Sài Gòn sau thương vụ đấu giá ngàn tỷ nay đã trả mặt bằng, có dấu hiệu… mất tích
Nông nghiệp Việt Nam