MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xin cơ chế cho vùng Đông Nam bộ không phải là "xin tiền cho người giàu"

Vùng Đông Nam bộ cần cơ chế vượt trội để giữ vững vai trò đầu tàu.

Vùng Đông Nam bộ cần cơ chế vượt trội để giữ vững vai trò đầu tàu.

Kết quả thực hiện Nghị quyết 53 đã giúp vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Đông Nam bộ giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ; là trung tâm tài chính, logistics, đầu mối giao lưu quốc tế lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên vùng này đang gặp nhiều thách thức, mà nghiêm trọng nhất là việc phát triển dưới mức tiềm năng và chưa phát huy tốt vai trò trung tâm KT – XH của cả nước. Do đó, hiện vùng này rất cần có một cơ chế mới để tạo nên động lực mới, phát triển mạnh mẽ hơn nữa và giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Quy hoạch vùng và từng địa phương đang tạo nên “lực kéo”

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện nay Vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như tốc độ tăng trưởng chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của các nước, vai trò đầu mối xuất nhập khẩu giảm, hiệu quả sử dụng vốn của vùng luôn thấp nhất và đều thấp hơn so với bình quân của cả nước. Kinh tế của vùng giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của cả nước mà nguyên nhân là do TP.HCM, đầu tàu của vùng tăng trưởng chậm.

Nguyên nhân của tình trạng tụt lại của vùng Đông Nam bộ là do thể chế hiện hành chưa khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng. Trong khi đó vai trò của Ban chỉ đạo và Hội đồng vùng chưa được phát huy đúng mức.

Quy hoạch vùng và từng địa phương đang tạo nên “lực kéo”, thay vì “lực đẩy” cho phát triển của vùng. Quy hoạch trùng lắp chức năng, dẫn đến cạnh tranh, thiếu liên kết. Ngoài ra, hạ tầng giao thông, đô thị không theo kịp và đang cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của vùng.

Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị cần nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ; Hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc. Đặc biệt là liên kết triển giao thông vùng từ đường bộ (vành đai, quốc lộ, cao tốc kết nối) đến đường thuỷ (hệ sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ) và đường sắt…Liên kết trong vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung của vùng.

Ông Phan Văn Mãi cũng trả lời câu hỏi “Vì sao TP.HCM và vùng Đông Nam bộ đã phát triển rồi lại đề nghị những cơ chế đặc thù vượt trội”?

“Ở đây không phải là ta xin tiền cho người giàu mà là chúng ta tăng thêm nguồn lực, điều kiện để TP.HCM và vùng Đông Nam bộ, vùng trọng điểm phía Nam làm tốt vai trò đầu tàu của mình đối với nền kinh tế của cả nước và từ đây phân bổ lại nguồn lực cho phát triển chung của cả nước” - ông Phan Văn Mãi nói.

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhận định, các chỉ số tăng trưởng của Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam suy giảm, xuất hiện xu thế tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với Vùng Bắc bộ. Và nguyên nhân trực tiếp là do phân bổ nguồn lực không tương xứng với vai trò, vị thế của vùng.

“Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có số doanh nghiệp gấp 6 lần vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, khối lượng vận tải gấp 5 lần cái vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ nhưng là độ dài đường cao tốc là kém thua rất nhiều. Vận tải có nhiều doanh nghiệp mà kém thua rất nhiều, lại còn chưa có đường vành đai làm sao mà phát triển được?” - PGS. TS Trần Đình Thiên nêu ý kiến.

Dư địa phát triển còn lớn, nhưng cần thay đổi tư duy

TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần phải thống nhất nhận thức là phát triển khai thác nguồn lực vùng này không phải vì vùng mà là vì đất nước. Theo ông Lịch, vùng này tuy thời gian qua tốc độ phát triển có giảm nhưng dư địa còn lớn và hoàn toàn có khả năng phát triển nếu có định hướng và chính sách đúng. Đông Nam bộ là nơi nhập cư, nơi lập nghiệp của người dân từ 63 tỉnh thành. Ông Lịch ví von “doanh nghiệp nào đến vùng này mà không làm ăn được thì khó đi chỗ nào làm ăn” và đề nghị cần có cơ chế phối hợp, giải quyết bài toán nhân lực để vùng kinh tế này là thị trường lao động chung, có hệ thống đào tạo chung, không chia cắt địa phương.

“Giải quyết bài toán nhân lực này là rất quan trọng để chúng ta có thể thống nhất 4 nội dung liên kết về vấn đề quy hoạch phát triển, về nguồn nhân lực, về hạ tầng giao thông và môi trường. Đề nghị sắp tới này làm sao phối hợp được 4 nội dung này trong quy hoạch vùng” - TS. Trần Du Lịch nói.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề nghị, cần có đổi mới đột phá về mặt tư duy, phát triển kinh tế xã hội vùng, thay cho tư duy kinh tế - xã hội địa phương thông qua cơ chế điều hành và phân bổ ngân sách với quan điểm “muốn đi xa và bền vững thì phải đi cùng nhau”. Thể chế liên kết vùng phải lấy quy hoạch làm cơ sở pháp lý để điều phối, bộ máy vùng phải có đủ thẩm quyền.

“Bộ máy vùng phải có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực và chúng ta phải xây dựng cơ chế ngân sách riêng cho vùng. Khi lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ cần chú ý phát huy tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, cần có giải pháp đồng bộ về đầu tư kết cấu hạ tầng KT - XH, tăng thêm nhiều dự án đầu tư mang tầm ảnh hưởng của cả vùng” - PGS. TS Trần Hoàng Ngân nói.

Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xem là vùng kinh tế động lực cho cả nước, là địa bàn kết nối và tạo sự lan toả phát triển với Tây Nguyên và ĐBSCL. Do đó, để giải quyết sự bất cập về hạ tầng KT – XH, nhất thiết phải có sự tổng kết đánh giá những việc đã làm; đồng thời ban hành các chính sách phù hợp với đặc điểm của một vùng kinh tế động lực. Và nhất thiết phải phát huy thực chất vai trò của Hội đồng vùng với tư duy kinh tế vùng, tránh tư duy kinh tế tỉnh, cùng nhau phát triển thay vì cạnh tranh nhau./.

Theo Hà Khánh

VOV

Trở lên trên