MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xóa điểm nghẽn hạ tầng, ĐBSCL có nhiều cơ hội tăng trưởng

Việc phát triển giao thông, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là yêu cầu khách quan. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Việc phát triển giao thông, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là yêu cầu khách quan. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Hạ tầng dần hoàn thiện đang mở ra nhiều cơ hội mới cho Đồng Tháp và các địa phương trong khu vực.

Ngay trong năm nay, tỉnh Đồng Tháp sẽ có một tuyến cao tốc được hoàn thành và tiếp tục triển khai thêm 2 dự án đường cao tốc khác.

Tất cả các tuyến cao tốc này sẽ nối theo cả trục dọc và trục ngang, gắn với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đang đưa Đồng Tháp kết nối với phần lớn các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau 10 năm gián đoạn thi công, tuyến đường 30 nối Cao Lãnh, Hồng Ngự với cao tốc đi An Giang và Kiên Giang đã khởi công trở lại. Toàn bộ dự án có chiều dài hơn 14 km và sẽ được hoàn thành sau 14 tháng thi công.

"Khi thi công, chúng tôi nghiệm thu, thanh toán đến đó để kịp nguồn vốn quay vòng cho nhà thầu thi công", ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, cho biết.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp đang được dành nguồn lực dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh.

"Trong giai đoạn 2021 - 2025, chúng tôi sẽ hoàn thành 2 tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh, cùng 25 công trình trọng điểm khác", ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, cho hay.

Điểm nghẽn hạ tầng đang dần được xóa bỏ, nhiều cơ hội tăng trưởng mới cho Đồng Tháp và các địa phương lân cận cũng đã xuất hiện. Nhiều dự án tỷ USD đã được tiếp cận dần với địa phương này.

"Điểm mừng lớn nhất là trong thời gian qua có nhiều nhà đầu tư lớn đến để đầu tư, mang lại tín hiệu vui đối với chúng tôi trong sự phát triển giao thông đi đôi với thu hút đầu tư", ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ.

Việc phát triển giao thông, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là yêu cầu khách quan. Theo kế hoạch, đến năm 2026, khu vực này sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc đưa vào khai thác.

Theo PV

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên