MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xôn xao câu chuyện thoái vốn, cổ phiếu của Vinaconex có biến

Câu chuyện thoái vốn của SCIC luôn là động lực tăng cho rất nhiều cổ phiếu tham gia “game thoái vốn” và mặc dù thông tin SCIC rút khỏi VCG chưa có gì rõ ràng nhưng cũng đang được nhiều người lấy ra để lý giải cho diễn biến có phần tích cực tại cổ phiếu này.

Phiên giao dịch cuối tuần trước, ngày 08/04, cổ phiếu VCG của Tổng công ty Vinaconex đã giao dịch đột biến với khối lượng 3,5 triệu cổ phiếu và tăng trần lên 10.800 đồng. Tiếp tục trong phiên hôm nay, ngày 11/04, VCG khớp lệnh hơn 2,55 triệu cổ phiếu và tăng thêm 200 đồng lên giá 11.000 đồng/cp.

Vinaconex có biến?

SCIC thoái vốn?

Trong cơ cấu cổ đông của Vinaconex, Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước SCIC đang nắm 57,8% vốn cổ phần. Câu chuyện thoái vốn của SCIC luôn là động lực tăng cho rất nhiều cổ phiếu tham gia “game thoái vốn” và mặc dù thông tin SCIC rút khỏi VCG chưa có gì rõ ràng nhưng cũng đang được nhiều người lấy ra để lý giải cho diễn biến có phần tích cực tại cổ phiếu này.

Vào năm ngoái, ông Hoàng Nguyên Học - đại diện SCIC tại công ty thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Vinaconex.

Mới đây, CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) – công ty con của Vinaconex thông báo quỹ ngoại Acuatico đã bán toàn bộ 43,6% vốn cổ phần của Viwasupco cho CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái – công ty có liên quan đến một Tập đoàn bất động sản lớn trong nước.

Sự tham gia của Tập đoàn này tại Viwasupco khiến cho những người có ý định mua Vinaconex hào hứng với giả thuyết rằng đây sẽ là đối tác mua phần vốn thoái của SCIC tại VCG. Đó là yếu tố chính tạo nên sức hấp dẫn của cổ phiếu này trong những ngày gần đây.

Tuy nhiên, một quan điểm khác cho rằng, Viettel - cổ đông lớn đang nắm 21,3% vốn cổ phần của Vinaconex và đang hợp tác với VCG trong nhiều dự án mới là người mua khả thi nhất nếu SCIC thoái vốn.

Nhưng tạm thời bỏ qua việc SCIC có thoái vốn khỏi Vinaconex hay không và có Tập đoàn lớn nào tham gia vào cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp hay không, có thể thấy tính tới thời điểm cuối năm 2015, giá trị sổ sách của VCG ở mức trên 13.000 đ/cp, cao hơn 18% so với mức giá 11.000 đồng hiện tại.

Kỳ vọng vào sự thay đổi trong năm 2016?

Sắp tới, ngày 22/04/2016 sẽ diễn ra đại hội cổ đông của Vinaconex. Theo tài liệu ĐHCĐ, cổ tức năm 2015 được trình là 7%. Vinaconex đặt kế hoạch doanh thu năm 2016 là 3.022 tỷ đồng – tăng 6,4% so với năm 2015, lợi nhuận sau thuế là 343,8 tỷ đồng – tăng 13,1%. Mức chi trả cổ tức dự kiến là 8%.

Mục tiêu năm 2016 của Tổng công ty này là tái cơ cấu danh mục đầu tư Bất động sản đã nắm giữ một thời gian dài và tiếp tục tái cấu trúc vốn đầu tư tại các đơn vị.

Theo đó, chậm nhất đến năm 2017, Vinaconex chỉ lựa chọn tối đa 5 công ty nòng cốt ở 2 lĩnh vực là xây lắp và kinh doanh bất động sản để đầu tư vốn. Trong năm qua, Vinaconex đã thoái vốn toàn bộ vốn đầu tư tại VVHA, R&D, VC15, VC3, VC5, Xi măng Yên Bình, điện miền Bắc 3, ký hợp đồng và nhận tiền đặt cọc giao dịch thoái vốn tại CTCP Tài chính Vinaconex – Viettel.

Trong mảng bất động sản, động thái mới của Vinaconex năm 2015 là trở thành cổ đông lớn và là công ty mẹ của CTCP BĐS An Thịnh - chủ đầu tư Dự án chung cư 93 Láng Hạ. Hồi tháng 4 năm 2014 Vinaconex cũng hợp tác đầu tư Dự án cải tạo chung cư cũ 97 Láng Hạ ngay cạnh khu tập thể 93 Láng Hạ, với tỷ lệ góp vốn 45%.

Vinaconex cho biết, ngay trong năm 2016 sẽ tái cơ cấu lần 2 với xi măng Cẩm Phả.

Việc thoái vốn và triển khai những dự án bất động sản tại đất vàng là một trong những yếu tố tạo nên sức hút của Vinaconex lúc này.

Tú Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên