Xu hướng dòng tiền chuyển từ trú ẩn sang đi tìm cơ hội?
Sau khi nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư đang có những tín hiệu lạc quan hơn, dòng tiền đã rục rịch luân chuyển giữa các lớp tài sản.
- 23-05-2023Giá vàng bất ngờ quay đầu giảm
- 23-05-2023Nếu NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán sẽ ra sao?
- 23-05-2023Không phải nhóm big4, một ngân hàng vừa giảm lãi suất huy động 12 tháng xuống dưới 7%
Các thị trường đầu tư ấm dần lên
Từ cuối tháng 4, thị trường chứng khoán đã bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/05/2023, VN-Index đóng cửa ở 1.070,07 điểm, tăng 3,57 điểm so với phiên giao dịch trước. Thanh khoản đạt hơn 12.532 tỷ đồng, cao hơn 12,7% so với trung bình tháng 4.
Ở thị trường bất động sản, báo cáo mới đây của Công ty cổ phần DKRA Group (DKRA) cho thấy, lượng tiêu thụ ở một số phân khúc nhà đất đã bắt đầu nhích lên. Như tại TP.HCM và một số vùng phụ cận, trong tháng 4/2023 đã có 238 nền được tiêu thụ, trong khi cả quý I/2023 chỉ có 78 nền được tiêu thụ. Phân khúc căn hộ thì ghi nhận 333 căn tiêu thụ mới, tăng nhẹ so với hồi tháng 3/2023.
Đối với tiền gửi tiết kiệm, theo tổng hợp mới đây của BVSC, lãi suất huy động 12 tháng trung bình trong tháng 5 đạt 7,61%, giảm 18 điểm cơ bản so với tháng trước, song vẫn cao hơn 171 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 7,07%, giảm 22 điểm cơ bản so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn 195 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 12 của 4 ngân hàng quốc doanh giữ ổn định so với tháng 4, trong khi mặt bằng lãi suất của các ngân hàng khác đồng loạt giảm.
Mặc dù đã giảm đáng kể từ mức đỉnh, nhưng lãi suất huy động nhìn chung vẫn đang cao hơn đáng kể so với mặt bằng trước dịch. Đây cũng là nguyên nhân giúp các ngân hàng huy động được nhiều tiền gửi trong thời gian qua.
Đâu là điểm đến kế tiếp của dòng tiền?
Theo ông Bùi Tiến Đức - Trưởng phòng tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Mirae Asset, với vị thế là một nước có độ mở kinh lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn gấp hai lần tổng GDP), khi kinh tế toàn cầu có nhiều khó khăn, Việt Nam không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Bên cạnh đó các yếu tố nội tại như lãi suất cao, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản vẫn còn bị đóng băng, rủi ro nợ xấu tăng lên… cũng đang ảnh hưởng không ít đến tình hình tài chính của các doanh nghiệp.
Cùng lúc, những tắc nghẽn ở thị trường trái phiếu đã và đang có những ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin và dòng chảy tiền của hệ thống tài chính. Một số đơn vị phát hành gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính với trái chủ. Điều này khiến nhà đầu tư không thể nhận lợi tức và gốc từ khoản đầu tư vào trái phiếu. Từ đó, khả năng tái đầu tư và duy trì vòng quay tiền cũng sa sút.
“Trong bối cảnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã đi xuống rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp lẫn các nhà đầu tư cá nhân đều duy trì trạng thái phòng thủ trong bối cảnh cả trong và ngoài nước đang có nhiều khó khăn. Điều này cũng lý giải vì sao thanh khoản của thị trường chứng khoán thời gian qua lại sụt giảm mạnh so với mức trung bình của năm 2022”.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 trở đi, Chính phủ và các cơ quan điều hành đã có nhiều động thái quyết liệt để hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Một loạt quyết sách đã được ban hành, như đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất, cho phép gia hạn nợ trái phiếu, đẩy nhanh xử lý các vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản….
Mặc dù tình hình vẫn chưa lạc quan hơn, nhưng các chính sách và hành động này rất cần thiết cho các doanh nghiệp và thị trường tài chính. Chính sách luôn có độ trễ để thẩm thấu vào nền kinh tế. Vì thế cần có thêm thời gian để thấy rõ được sự chuyển biến của nền kinh tế từ các chính sách hiện tại.
“Còn đối với thị trường chứng khoán, đây là nơi nhà đầu tư mua những kỳ vọng ở tương lai. Vì lẽ đó dòng tiền thông minh thường tìm đến kênh này trước khi những kết quả thực về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện. Đây cũng là lý do vì sao thị trường chứng khoán lại được xem là chỉ báo nhanh (leading indicator) trong các chỉ báo kinh tế. Trên cơ sở đó, tôi cho rằng chứng khoán sẽ là một trong các kênh đón nhận được dòng tiền quay trở lại sớm và mạnh mẽ trong thời gian tới ”- Ông Đức nhận định.
Trên thị trường bất động sản, ở góc nhìn của ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc khối Tài chính cá nhân Công ty hoạch định tài chính và quản lý gia sản FIDT, hoạt động mua bán nhà đất đang có dấu hiệu ấm lên sau một khoảng thời gian dài. Mặc dù khối lượng giao dịch vẫn đang rất thấp hơn so với các giai đoạn sôi động vài năm trước.
“Theo thông tin phía FIDT cập nhật tại nhiều phòng công chứng, lượng người đến giao dịch đang tăng lên. Đây là một trong những chỉ báo cho thấy thị trường bất động sản đã ấm dần lên. Mặt khác, theo các thống kê của chúng tôi trên hơn 500 khách hàng là các gia đình trung lưu, thì khoảng 95% số này đang sở hữu ít nhất một bất động sản. Điều này chứng minh rằng nhà đất dường như là một loại tài sản không thể thiếu trong các phân lớp người Việt sở hữu. Do đó, trong tương lai gần, khi các chính sách hỗ trợ nền bắt đầu thẩm thấu sâu hơn, chúng tôi kỳ vọng lượng giao dịch bất động sản sẽ dần ổn định. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá nhiều vì thị trường BĐS luôn có tính đàn hồi chậm và phục hồi sẽ không nhanh được. Các phân khúc dân sinh hiện hữu sẽ hồi phục trước. Sau đó 1-2 năm, các khu vực bất động sản có tính chất kén nhà đầu tư hơn mới phục hồi. Dòng vốn cần khơi thông vào sản xuất và kinh doanh trước rồi sau đó thị trường sẽ tìm điểm cân bằng”, ông Huấn đánh giá.
Về tiền gửi ngân hàng, chuyên gia Ngô Thành Huấn cho rằng thời gian tới, khi lãi suất giảm sâu hơn (hiện tại lãi suất vẫn còn cao so với thời điểm trước dịch), lượng người tìm đến loại tài sản này có thể không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, sổ tiết kiệm là một sản phẩm không thể thiếu, đóng vai trò như một công cụ phòng vệ thanh khoản cho mỗi người. Bên cạnh đó, các nhà băng vẫn đang cung cấp một mức lãi suất thực dương. Do đó, thời gian tới, dòng tiền ở kênh này vẫn sẽ tăng lên ổn định.
“Trong ngắn hạn, lãi suất hạ có thể khiến dòng tiền tạm không đổ mạnh vào kênh này. Tuy nhiên, sau các biến động vừa qua, đây dường như là một kênh phân bổ vốn không thể thiếu trong bức tranh tài chính của người Việt Nam. Đặc biệt, sau các sự cố về trái phiếu trong thời gian qua, sự dè dặt trong việc mở rộng danh mục đầu tư sẽ cao hơn trước đây. Do đó, kênh này lại rất phù hợp với những nhà đầu tư thuộc lớp trung và cao tuổi và chắc chắn khách hàng ở độ tuổi này sẽ tin tưởng vào tiền gửi ngân hàng hơn. Ngoài ra, lớp tài sản phòng thủ trên cũng được nhiều bạn trẻ văn phòng lựa chọn làm kênh tích lũy, vì phần đa nhóm này thường bận rộn và không có thời gian tìm hiểu đầu tư chứng khoán hay có số vốn chưa đủ để đầu tư bất động sản. Đi sâu hơn về các lớp tài sản ở ngân hàng, hiện mức độ quan tâm và sử dụng sản phẩm chứng chỉ tiền gửi để ‘níu kéo’ lãi suất cao đang ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên lưu ý rằng, sản phẩm này có một số giới hạn về thanh khoản, khả năng tất toán trước hạn, nên cân nhắc kỹ trước khi đầu tư. Nếu chưa có kinh nghiệm, tốt hơn hết nhà đầu tư nên xin ý kiến của chuyên gia tư vấn tài chính trước khi ra quyết định”, ông Huấn nhận định.
Như vậy, tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia cho thấy, thời gian tới dưới sự hỗ trợ của các chính sách, dòng tiền sẽ chuyển dịch vào hoạt động sản xuất kinh doanh trước tiên. Điều này sẽ gián tiếp kéo theo dòng tiền ở thị trường chứng khoán tăng lên, do xuất hiện các kỳ vọng về sự phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế. Thị trường bất động sản cũng ghi nhận lượng giao dịch nhiều hơn. Tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.
Nhịp sống Thị trường
- Đẩy nhanh vốn tín dụng ra thị trường
- Lãi suất tiền gửi và cho vay vẫn chênh lệch lớn
- Giá vàng nhẫn vọt lên mức kỷ lục 58 triệu đồng/lượng, người giữ vàng lãi đậm
- VietinBank hạ lãi suất huy động từ ngày 19/9, toàn bộ nhóm Big4 đã giảm về mức đáy lịch sử
- Giá vàng vượt mốc 69 triệu đồng/lượng, USD tiếp tục tăng mạnh