Xử lý căn bản, triệt để các TCTD yếu kém
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo cơ sở trong sạch, lành mạnh hoá hệ thống TCTD.
- 29-07-2017Giảm sở hữu chéo các tổ chức tín dụng: Chỉ đạo thôi là chưa đủ
- 27-07-2017Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để hạ lãi suất
- 22-07-2017Những nội dung đáng chú ý trong Quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2
Xem xét phạm vi điều chỉnh, căn cứ xác định đặt một tổ chức tín dụng (TCTD) vào diện kiểm soát đặc biệt (KSĐB), phương án cơ cấu lại các TCTD được KSĐB, xử lý tình trạng sở hữu chéo… là các nội dung chính được các đại biểu bàn thảo tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và NHNN đồng tổ chức sáng 22/8, tại Hà Nội.
Khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động gặp nhiều khó khăn
Bất cập thực tế phải xử lý ngay
Thừa nhận thời gian qua, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được một số thành tựu, song ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Bên cạnh đó, thời gian qua, NHNN đã đặt một số TCTD vào KSĐB, mua lại bắt buộc một số NHTM yếu kém để đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD. Tuy nhiên, theo ông Sơn, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện, nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro. Do đó, cần kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ.
Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu và chuyên gia kinh tế đồng quan điểm rằng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu của các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống; Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc phát hiện, phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém có khả năng trở thành TCTD lành mạnh. Luật sửa đổi cũng sẽ bổ sung các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới các TCTD yếu kém, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD.
Chia sẻ thêm, ông Sơn cho biết: Các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD không thay đổi trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến tình trạng yếu kém của TCTD. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân này được thực hiện theo quy định pháp luật. Ngoài ra, việc xây dựng dự thảo luật cũng cần phải tham khảo kinh nghiệm của một số nước để vận dụng có chọn lọc vào điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Đề cập đến phạm vi điều chỉnh tại Dự thảo Luật, ông Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nêu ý kiến: Những nội dung nào thực tiễn đang cần và đã có thể chứng minh rõ ràng thì nên đưa vào sửa ngay. Bởi luật là quá trình liên tục cập nhật thực tiễn, nếu đã thấy bất cập mà không sửa sẽ gây cản trở cho sự phát triển của nền kinh tế. “Ví dụ như với vấn đề lãi suất. Trong Bộ Luật Dân sự 2015 hiện đang không đồng nhất với Luật Các TCTD. Theo Bộ Luật Dân sự hiện hành, các bên cho vay theo thoả thuận nhưng không vượt quá 20% khoản vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Còn với Luật Các TCTD cho phép thoả thuận nhưng lại theo quy định pháp luật hiện hành. Vậy sẽ không vượt quá 20% hay là được thoả thuận? Đây là câu chuyện thực tiễn và điều quan trọng của luật là tháo gỡ những gì thực tiễn đang đặt ra”, ông Sinh bày tỏ.
Đồng tình với ông Sinh, bà Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống đốc NHNN cũng cho rằng trong lúc này, những điều gì thực tế đang gây cản trở, ách tắc cho nền kinh tế, cho hoạt động của hệ thống ngân hàng thì nên rà soát, tập trung sửa đổi.
Xác định rõ TCTD bị kiểm soát đặc biệt
So với Luật Các TCTD 2010, theo bà Hương, các giải pháp để cơ cấu lại hệ thống NH đặt ra tại Dự thảo Luật sửa đổi là tương đối đầy đủ, toàn diện. Song tập trung vào nội dung trường hợp đặt các TCTD vào KSĐB, đại biểu này cũng cho rằng: tại Điều 145a khoản 1 quy định: TCTD được đặt vào tình trạng KSĐB khi mất khả năng thanh toán hoặc có nguy cơ mất khả năng thanh toán là cần xem xét lại. Bởi theo bà Hương, “nếu để đến khi mất khả năng thanh toán mới KSĐB thì tôi e là quá chậm. Mà nếu nhận thấy TCTD có nguy cơ trên, thì phải được đặt vào KSĐB ngay”. Chủ tịch Ngân hàng Hợp tác Trần Quang Khánh đã góp ý nên đổi từ “được đặt vào KSĐB” thành “bị đặt vào KSĐB”. “Tại Điểm b khoản 2 Điều 150b quy định TCTD được KSĐB là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi. Tôi cho rằng nên bổ sung thêm việc miễn phí bảo toàn”, ông Khánh cho biết.
Thêm nữa, tại Điều 150a về nội dung phương án phục hồi, tại khoản 5 quy định phương án xử lý tiền gửi khách hàng là pháp nhân, đại biểu đặt câu hỏi vậy còn tiền gửi cá nhân sẽ xử lý ra sao? Tại sao lại không đặt luôn trong điều này mà tới Điều 151b mới xuất hiện tiền gửi cá nhân. Mà thực tế là phải xử lý cả pháp nhân và cá nhân.
Thẳng thắn góp ý, ông Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng Dự thảo Luật chưa đưa ra được tiêu chí mang tính định lượng để xác định các phương án cơ cấu lại các TCTD được KSĐB nhằm tăng tính minh bạch. Đồng thời cần làm rõ điều kiện, quyền lợi của các TCTD được chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc. “Một số quy định cũng phải được làm rõ như quyền lợi của người gửi tiền trong các trường hợp TCTD bị KSĐB, trách nhiệm của các bên liên quan trong giai đoạn trước và sau cơ cấu lại; tiêu chí, nguyên tắc, cơ chế lựa chọn, chỉ định TCTD, nhà đầu tư nhận chuyển giao bắt buộc”, ông Tiến chia sẻ.
Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm trong dự thảo luật là quy định về nâng cao năng lực quản trị điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo, ngăn ngừa nợ xấu mới, TCTD yếu kém mới phát sinh. Trong đó, sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 29 về những thay đổi phải được NHNN chấp thuận theo đó bổ sung trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Trường hợp này, bên mua, bên nhận chuyển nhượng phải kê khai cụ thể các nguồn vốn sử dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần và có văn bản cam kết không sử dụng nguồn vốn do TCTD cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần.
Khoản 6, Điều 126 về các trường hợp không được cấp tín dụng cũng được bổ sung “TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để góp vốn, mua cổ phần của TCTD”. Dự thảo cũng bổ sung thêm vào khoản 3 Điều 55 về giới hạn sở hữu cổ phần quy định hạn chế cổ đông lớn và người liên quan không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của TCTD khác.
Về nội dung này, đại diện đến từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nêu quan điểm: Quy định chuyển nhượng 1% cổ phần phải có văn bản chấp thuận của NHNN như tại Điều 29 cần phải làm rõ. Đại biểu này cũng nêu ra rằng nếu quy định chặt 1% thì rất có thể các cá nhân sẽ tìm cách lách luật, như việc mua 0,9% cổ phần mỗi lần. Thêm nữa, nếu chuyển nhượng 1% cổ phần cũng phải yêu cầu có xác nhận bằng văn bản thì sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Thời báo ngân hàng