MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu đang chuyển động

16-09-2017 - 14:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực cũng như một vài TSBĐ lớn được thu giữ, các khách hàng đang vướng nợ xấu đã có ý thức hợp tác hơn. Tình trạng DN nợ đầm đìa nhưng vẫn đi xe sang, ở nhà cao cửa rộng đã không còn.

Động thái thu hồi tòa nhà SaiGon One Tower của VAMC đang là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận, thị trường tài chính - ngân hàng. Lần đầu tiên một tài sản bảo đảm (TSBĐ) có giá trị lớn được tiến hành thu giữ diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Lối đi đã mở khi Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực ngày 15/8 quy định rõ cơ sở pháp lý về thu hồi TSBĐ khoản nợ, việc triển khai sẽ như thế nào?

Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC về vấn đề này.

Sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD được ban hành, để thu hồi tòa nhà SaiGon One Tower, VAMC đã có những bước triển khai như thế nào?

Để thu hồi được TSBĐ, chúng tôi đã tiến hành thành lập Hội đồng xử lý nợ. Hội đồng này ngoài thành phần chủ chốt của VAMC, chúng tôi mời thêm đại diện các bộ, ngành liên quan như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Công an và NH là chủ nợ của tài sản đó. Sau khi đã thành lập Hội đồng, VAMC sẽ tổ chức thuê cơ quan định giá để thẩm định giá. Thẩm định giá xong sẽ xác định giá khởi điểm và tiếp theo là thuê tổ chức đưa ra đấu giá theo đúng trình tự quy định của pháp luật. VAMC làm việc này công khai trên thị trường.

Sau khi có thông tin sẽ cho đấu giá SaiGon One Tower, vừa qua có ý kiến cho rằng người dân mua căn hộ tại tòa nhà này gặp một số vướng mắc về sở hữu. Vậy, làm thế nào để hài hòa lợi ích các bên liên quan?

Có một thực tế, tài sản của tòa nhà đó có nhiều công năng, trong đó có công năng về nhà ở. Và thực tế là cũng có thể chủ đầu tư đã mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu căn hộ trong tương lai. Trong tình huống này, những quyền sở hữu căn hộ đó trong tương lai mà chưa thế chấp ngân hàng, thì vẫn thực hiện bình thường theo quy định pháp luật. Trường hợp chủ đầu tư thế chấp NH mà bán chuyển đổi cho chủ khác thì lại phải thực hiện đúng thủ tục theo quy định pháp luật. Lúc đó có sự phân xử rất rõ trách nhiệm các bên.


Với những diễn biến hiện nay, khoảng giữa tháng 10 hoạt động xử lý nợ xấu sẽ rất sôi động

Với những diễn biến hiện nay, khoảng giữa tháng 10 hoạt động xử lý nợ xấu sẽ rất sôi động

Về phía VAMC, trước hết phải đảm bảo quyền lợi các chủ nợ là các NH đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi của người dân nếu tham gia mua căn hộ ở đó. Nhưng tôi lưu ý, các quyền được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay tại VAMC đang quản lý khá nhiều TSBĐ. Với Nghị quyết 42 được ban hành, định hướng xử lý TSBĐ này của VAMC như thế nào?

Vừa qua, VAMC đã tổ chức phân loại, đánh giá chi tiết đến các khoản nợ có giá trị lớn từ 30 tỷ đồng trở lên và đưa ra phương án xử lý từng khoản nợ. Số khoản nợ này cũng lên tới với mấy nghìn khoản, chiếm gần 70% tổng giá trị mua nợ đang quản lý tại VAMC.

Đối với các khoản nợ và TSBĐ của khoản nợ xấu đó, VAMC sẽ lựa chọn một số khoản để đứng ra thu giữ TSBĐ, tổ chức đấu giá… Các khoản nợ còn lại, VAMC ủy quyền cho các TCTD chủ động xử lý. Về phía mình, chúng tôi sẽ phối hợp hỗ trợ các TCTD thực hiện các bước xử lý tiếp theo đảm bảo làm theo đúng tinh thần Nghị quyết 42, chỉ đạo của Thủ tướng, Thống đốc để giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu, tạo nguồn lực mới đầu tư vào nền kinh tế.

Đối với các khoản nợ xấu mua bán theo giá thị trường sẽ được VAMC tiến hành thế nào trong thời gian tới?

Với những diễn biến hiện nay, theo tôi, khoảng giữa tháng 10 hoạt động xử lý nợ xấu sẽ rất sôi động. Sẽ có nhiều khoản nợ xấu được xử lý theo nhiều hình thức kể cả mua bán theo giá thị trường. Riêng về các khoản nợ mua bán theo giá thị trường, chúng tôi phải cẩn trọng hơn. Từ khi thành lập hội đồng xử lý đến khi đưa khoản nợ ra thị trường để bán, chúng tôi phải đảm bảo đủ tiêu chí cũng như tính khách quan công khai minh bạch để người mua thuận lợi nhất.

Thực tế trong quá trình làm đến khi bắt đầu định giá, chuẩn bị đưa ra đấu giá còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, chưa kể nhiều TSBĐ giá trị lớn, nội bộ rất phức tạp vì tài sản không phải một chủ mà là nhiều chủ với công năng khác nhau… Nên VAMC phải thận trọng làm từng bước theo đúng quy định pháp luật để các bên tham gia cảm thấy hài hòa về lợi ích. Dự kiến, trong quý IV, VAMC sẽ đẩy mạnh hoạt động xử lý TSBĐ theo cơ chế thị trường.

Cũng có ý kiến lo ngại rằng tính pháp lý của Nghị quyết 42 chưa cao bằng luật nên có thể VAMC cũng như TCTD gặp khó trong việc thu hồi nợ, nếu khách hàng bất hợp tác, thưa ông?

Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền của chủ nợ và đã trao quyền cho NH, VAMC được thu giữ và xử lý TSBĐ. Vì vậy, khách hàng không thể không bàn giao tài sản cho chủ nợ. Thực tế, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực cũng như một vài TSBĐ lớn được thu giữ, các khách hàng đang vướng nợ xấu đã có ý thức hợp tác hơn. Tình trạng DN nợ đầm đìa nhưng vẫn đi xe sang, ở nhà cao cửa rộng đã không còn.

Xét cho cùng, nếu khách hàng hợp tác với NH và VAMC thì khách hàng sẽ có lợi hơn. Một số phương án khác mà không cần thực hiện biện pháp thu giữ TSBĐ như: chủ động bán tài sản lấy tiền trả nợ hoặc tự nguyện bàn giao thì tất cả sẽ đều trên thỏa thuận từ định giá đến đấu giá. Còn trường hợp không có ý thức trả nợ lại không chịu giao tài sản thì chúng tôi bắt buộc phải thu hồi. Lúc đấy quyền tự quyết hoàn toàn thuộc về chủ nợ.

Cảm ơn ông!

Theo Hà Thành thực hiện

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên