MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý ra sao khi mua hàng ‘chỉ có vỏ mà không có ruột’?

13-11-2023 - 07:03 AM | Thị trường

Lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM hướng dẫn người dân cách khiếu nại khi mua hàng qua mạng và bị lừa đảo như đặt “hiệu này lại giao hiệu khác”, thậm chí giao hàng “có vỏ mà không có ruột”...

Ngày 12/11, HĐND TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp tổ chức chương trình "Dân hỏi, chính quyền thành phố trả lời" tháng 11 với chủ đề “Công tác quản lý thị trường - Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ”.

Tại chương trình, các cử tri bày tỏ quan tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ truyền thống, vấn đề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, hàng giả và giải pháp ngăn chặn.

Xử lý ra sao khi mua hàng ‘chỉ có vỏ mà không có ruột’? - Ảnh 1.

Quang cảnh chương trình.

Bà Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM - cho biết hiện phương thức mua hàng qua mạng được nhiều người tiêu dùng ưa thích do tiện dụng, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, dù mua qua sàn thương mại điện tử do tổ chức kinh doanh có đăng ký nhưng vẫn gặp các trường hợp lừa đảo, như: Đặt “hiệu này lại giao hiệu khác”, giao hàng "chỉ có vỏ mà không có ruột"; khi sử dụng gặp vấn đề chất lượng và đi khiếu nại thì không gặp được cửa hàng, sàn giao dịch không giải quyết hoặc cố tình kéo dài khiến người tiêu dùng chán nản.

“Tổ chức kinh doanh cung ứng dịch vụ qua sàn giao dịch điện tử có trách nhiệm với người tiêu dùng hay không và đến mức nào”, bà Thu chất vấn và đề nghị cơ quan chức năng cho biết trong trường hợp người dân bị vi phạm quyền lợi thì đến cơ quan nào nhờ can thiệp, giải quyết để được bảo vệ quyền lợi.

Trao đổi về vấn đề này - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương - nhìn nhận trong xu thế phát triển của kinh doanh thương mại điện tử cùng những quảng cáo ấn tượng, người tiêu dùng dễ đặt mua khi phát sinh nhu cầu.

Xử lý ra sao khi mua hàng ‘chỉ có vỏ mà không có ruột’? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Nguyên Phương trả lời cử tri. (Ảnh chụp màn hình).

Theo ông Phương, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và vừa qua Quốc hội cũng đã ban hành luật năm 2023 để cập nhật, điều chỉnh trước thực tế thay đổi, như những giao dịch mua bán trên Viber, Zalo.

Xử lý ra sao khi mua hàng ‘chỉ có vỏ mà không có ruột’? - Ảnh 3.

Người dân chọn mua rau xanh đạt chứng nhận OCOP tại một hội chợ tiêu dùng.

Viện dẫn hoạt động kinh doanh trên đã có nhiều quy định chặt chẽ để kiểm soát, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong luật năm 2010 quy định rất rõ ràng và đầy đủ việc các tổ chức kinh doanh cung cấp dịch vụ trên nền tảng thương mại điện tử phải đảm bảo cung cấp thông tin chính xác về dịch vụ, hàng hóa được kinh doanh trên sàn và chịu trách nhiệm liên đới với việc cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ nếu họ thiếu trách nhiệm quản lý.

Ngoài ra, luật cũng quy định các sàn thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định pháp luật về quảng cáo. Vì vậy, khi người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại đến quyền lợi thì có thể liên hệ các cơ quan, như: UBND quận huyện, TP. Thủ Đức (nơi diễn ra hoạt động mua bán hoặc có trụ sở chính của đơn vị kinh doanh); Sở Công Thương TPHCM hoặc liên hệ Cục Quản lý thị trường TPHCM.

“Trong trường hợp liên quan các hàng hóa cá biệt, các lĩnh vực hành nghề như y tế, văn hóa, thực phẩm thì cần liên hệ trực tiếp sở, ban ngành quản lý lĩnh vực đó. Trường hợp hoạt động này liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đóng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành khác nhau thì người tiêu dùng có thể liên hệ đến Ủy ban cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương). Cuối cùng, người tiêu dùng cũng có thể khiếu nại thông qua tổng đài Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng toàn quốc (18006838)”, ông Phương nói.

Theo Ngô Tùng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên