Xử lý triệt để nợ xấu: Cần bước tiến dài về thể chế
Thực tế cho thấy, muốn xử lý nợ xấu hiệu quả thì trong thời gian tới cần phải tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý.
- 17-10-2016Một nửa nợ xấu của ngân hàng liên quan đến các vụ án
- 17-10-2016Nợ xấu cao, khó giảm lãi suất
- 17-10-2016Xử lý nợ xấu: Cần nhìn thẳng sự thật
Bên cạnh đó, các TCTD cũng sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (XLNX) và bán các loại tài sản để thu hồi nợ. Ngoài ra, mua nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) ở mức 16 nghìn tỷ đồng. Đó là mức thấp so với cùng kỳ nhưng đây là một tín hiệu cho thấy đa số các TCTD đều có mức nợ xấu dưới 3% nên không có nợ xấu để bán cho VAMC.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, vấn đề bây giờ là xử lý những khoản nợ xấu VAMC đã mua về. Thời gian qua, ngành NH rất tích cực XLNX nhưng đang gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ)…
Là người trong cuộc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, VAMC được Chính phủ đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện tháo gỡ nhiều vướng mắc mà cụ thể là đã sửa đổi, bổ sung Nghị định 53/2013/NĐ-CP bằng Nghị định 34/2015/NĐ-CP và Nghị định 18/2016/NĐ-CP để quá trình XLNX hiệu quả hơn. Theo như các văn bản pháp lý hiện hành thì quyền trao cho VAMC rất lớn như: có quyền miễn giảm lãi, có quyền cơ cấu nợ… nhưng khi đi vào triển khai thì rất “vướng”.
Ngay như thực hiện mua khoản nợ theo giá thị trường cũng không mua được, bán dưới giá thị trường cũng khó, còn bán bằng giá cũng không được và khi đó TCTD nói “ông bán được bằng giá thị trường thì tôi cũng bán được...”.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước:
Cần cả tiền, quan điểm và cơ chế
Đến thời điểm này, XLNX không phải vì những người điều hành NH gây ra nợ xấu. Những ai gây ra nợ xấu bị trừng trị rồi. Và trong 5 năm qua có nguồn lực 15 tỷ USD tương ứng với 12,4% GDP để XLNX. Nguồn lực này xuất phát từ dự phòng rủi ro, từ thu nợ, khấu trừ nợ hệ thống NH. Đó là con số quá lớn, đến thời điểm này vẫn không giảm tải chút nào cho thấy cả hệ thống NH đã căng mình vào cuộc XLNX.
Theo tính toán ở Việt Nam, ngay cả kinh tế thật tốt thì mỗi năm tỷ lệ nợ xấu tự nhiên vào khoảng 1,25%, nghĩa là mỗi năm có khoảng 60-70 nghìn tỷ đồng nợ xấu phát sinh. Như vậy, nếu chúng ta không xử lý nhanh chỗ nợ xấu đang tồn đọng thì nợ chồng nợ, chi phí vốn cho nền kinh tế sẽ rất cao. Hay nói ví von, nợ xấu sẽ như cái ao nước đã đầy mà còn mưa xuống thì nước sẽ tràn bờ làm ngập úng. Chúng ta đừng hy vọng rằng vì cái ao đầy nước mà trời không mưa nữa.
Nhưng muốn xử lý thành công nợ xấu không thể “đơn thương độc mã” ngành NH làm được. Tôi cho rằng, cần một ban chỉ đạo cấp nhà nước để điều hành, bằng quyền lực tạo ra những cơ chế hợp lý để giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay. XLNX tới lúc này không phải hô khẩu hiệu suông mà cần cả tiền, cả quan điểm và cả kỹ thuật thực. Nguồn tiền thực có thể huy động từ bên ngoài chứ không chỉ chờ đợi sự cấp phát từ ngân sách.
Nhưng dù lấy các nguồn lực từ NHNN, ngân sách, ngoài xã hội, các NĐT… thì đều phải tính toán cụ thể, lượng hóa con số. Việc mua bán nợ xấu giữa VAMC và các TCTD phải theo giá thực tế của thị trường, chứ không thể mua trên giấy như suốt thời gian qua.
Chờ đột phá pháp lý cho VAMC
Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu đề cập tại Phiên họp Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, có nhấn mạnh đến vấn đề hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các TCTD, tiếp tục giảm rủi ro, củng cố an toàn hệ thống, tăng cường hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính. Cụ thể, Đề án xác định xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế xuống mức dưới 3% một cách bền vững.
Thực tế cho thấy, muốn XLNX hiệu quả thì trong thời gian tới cần phải tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý. TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng Quốc hội cần phải có nghị quyết riêng về XLNX, xem xét những vướng mắc để tháo gỡ thì mới xử lý nhanh được.
Thậm chí, cũng có ý kiến của một số chuyên gia cho rằng để xử lý nhanh và thực chất khối lượng nợ xấu của các TCTD và cả nền kinh tế, Việt Nam cũng cần xây dựng một bộ luật riêng, điều chỉnh hoạt động mua bán và XLNX trong đó quy định rõ ràng trách nhiệm của người đi vay, người cho vay và người XLNX, không hồi tố những khoản nợ, TSBĐ đã được xử lý.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, phải có cơ chế để VAMC thu giữ TSBĐ tương tự như cơ chế cưỡng chế kê biên tài sản của cơ quan thi hành án, có sự tham gia, phối hợp của cơ quan công an các cấp, đặc biệt đối với trường hợp bên bảo đảm không hợp tác, không tự nguyện bàn giao tài sản cho VAMC hoặc TCTD được ủy quyền. Ngoài ra, VAMC phải đẩy mạnh bán nợ cho các tổ chức, cá nhân mua nợ để thực hiện cơ cấu lại khoản nợ, với mục đích hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN...
“VAMC cũng như các TCTD không thể chủ động thu giữ được TSBĐ nếu chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến TSBĐ để khởi kiện ra tòa làm kéo dài thời gian xử lý. Nếu giải quyết được những vướng mắc trên thì nợ xấu được xử lý nhanh hơn”, một chuyên gia NH bình luận.
Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải:
Phải có vốn để giải quyết dứt điểm
Cách giải quyết nợ xấu tốt nhất vẫn là đối diện trực tiếp với vấn đề và giải quyết nó. Kinh nghiệm trên thế giới về XLNX cho thấy chúng ta cần vốn để giải quyết dứt điểm. Vốn có thể sẽ cần đi từ ngân sách và từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong bối cảnh hiện nay, các NH yếu kém khó thu hút được sự quan tâm của các NĐT vì vốn chủ sở hữu của các NH này có khả năng đã âm. Các NĐT sẽ cần có sự hỗ trợ về vốn của Chính phủ để có thể tiếp quản các NH này.
Ngoài ra, chúng ta nên chấp nhận cho bán nợ xấu theo giá thị trường để phản ảnh đúng thực trạng tình hình tài chính. Một số điều khoản của luật và các quy định dưới luật có thể cần phải thay đổi để cho phép NĐT nước ngoài có thể mua nợ xấu được đảm bảo bằng BĐS.
Trong bối cảnh hiện nay, việc chậm XLNX tại các NH sẽ càng tạo thêm nợ xấu và gây tổn thất lớn cho xã hội.
Tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, tái cơ cấu NH có tiến bộ, nhưng nợ xấu mới được chúng ta gom về VAMC mà chưa có giải pháp “thoát” ra. Ngay như Dự thảo Luật Đấu giá tài sản vẫn còn băn khoăn vấn đề VAMC có được tự đấu giá hay không.
Chuyên gia pháp chế của một NHTM cho rằng, theo Khoản 12, Điều 4 Dự thảo Luật Đấu giá tài sản quy định: Tổ chức đấu giá tài sản bao gồm Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, DN đấu giá tài sản và tổ chức Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để XLNX của TCTD.
Theo đó, nếu dự thảo Luật Đấu giá có đưa VAMC vào là tổ chức tự đấu giá cũng hợp lý. Bởi tổ chức đấu giá tài sản ngoài Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và DN đấu giá tài sản còn bao gồm tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để XLNX, theo quy định hiện hành thì là VAMC.
Bên cạnh đó, Nghị định 53/2013/NĐ-CP, Thông tư 19/2013/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 18/2014/TT-BTP quy định một trong các phương thức bán khoản nợ và TSBĐ của khoản nợ (bán tài sản) là phương thức bán đấu giá, trong đó VAMC được quyền tự tổ chức bán đấu giá tài sản. Đây là nhiệm vụ Chính phủ giao cho VAMC chủ động nhằm đẩy nhanh tốc độ XLNX trong một khoảng thời gian nhất định.
Hiện tại, VAMC thực hiện XLNX của hơn 40 TCTD đã bán nợ sang VAMC thông qua phương thức bán đấu giá tài sản. Hay nói cách khác VAMC thực hiện bán đấu giá tài sản thay cho hơn 40 TCTD. Vì vậy, nếu VAMC thực hiện bán đấu giá tài sản sẽ giảm phí bán đấu giá so với việc thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Qua đó, VAMC sẽ thu được nợ nhiều hơn và chủ tài sản cũng giảm được chi phí xử lý nợ.
Phó Tổng giám đốc HDBank TS. Lê Thành Trung:
Trao cần câu hơn cho con cá
Hiện tại có rất nhiều quan điểm về XLNX, nhưng tôi cho rằng điều cần nhất hiện nay để giải quyết nợ xấu là cơ chế và chính sách. Các khoản nợ xấu cơ bản đều có TSBĐ, nhưng việc xử lý nó thì gặp vô cùng khó khăn, vướng đủ mọi thứ từ chuyện khởi kiện đến lúc xét xử, thi hành án. Vấn đề thứ hai, tốc độ chuyển nhượng các tài sản này rất chậm chạp, vướng nhiều giấy tờ thủ tục hành chính.
Một tài sản là BĐS, NH sẵn sàng đứng ra nhận cấn trừ khoản nợ đó, với mục đích phát triển, cơ cấu lại để kinh doanh, bán cho DN có tiềm lực thu tiền về. Nhưng trên thực tế để NH lấy được một dự án BĐS, sang tên chuyển đổi và kinh doanh nó vô cùng khó khăn kéo dài hàng năm. Tôi nghĩ rằng, thay vì từ trước đến giờ chúng ta cứ tập trung vào chuyện lấy tiền đâu để XLNX, nên chăng bàn thật kỹ một cơ chế làm sao việc XLNX nhanh nhất.
Nếu cơ chế thông thoáng, hỗ trợ NH thu hồi, bán được TSBĐ thì cơ bản sẽ xử lý được 70% tổng nợ xấu. Không những vậy, xử lý TSBĐ nhanh còn giúp tạo ra vòng quay chuyển động của tài sản qua các giao dịch mua bán giúp cho nền kinh tế phát triển. Nhưng có một vấn đề đặt ra là nợ xấu thì khó có thể thu hồi được 100% cả gốc và lãi. Đó là nhiệm vụ bất khả thi. Nên thực tế NH dù muốn bán, có khách hàng mua nhưng lúc nào cũng lo sợ bán lỗ như vậy có bị hình sự hóa, khởi tố như các vụ án hiện nay không?
Đó cũng là rào cản rất lớn khiến TSBĐ cứ ì ở đấy, không chuyển động được. Mà đây là vấn đề hết sức quan trọng trong xử lý dứt điểm nợ xấu. Nên chăng, đến thời điểm này có thể cho phép NH có quyền quyết định đối với TSBĐ để họ chủ động hơn trong quá trình XLNX, với mục đích thu hồi nợ. Suy cho cùng, tôi cho rằng để xử lý dứt điểm nợ xấu không phải vấn đề tiền mà là cơ chế. Hay nói cách khác là trao cần câu hơn là cho con cá.
Thời Báo Ngân hàng