MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử nghiêm việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý

Giá xăng dầu tăng cao đã đẩy giá cước vận tải tiếp tục tăng. Ảnh minh họa: PT

Giá xăng dầu tăng cao đã đẩy giá cước vận tải tiếp tục tăng. Ảnh minh họa: PT

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng tác động của giá nhiên liệu tăng cao tới hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa. Bộ này cho hay, năm trước bình quân giá dầu thô chỉ 71 USD/thùng, nhưng bình quân 3 tháng đầu năm nay đã lên 120 USD/thùng và dự báo có thể tăng cao hơn nữa. Trong nước, tính tới giữa tháng 3 vừa qua, đã có 6 lần tăng giá xăng dầu, với mức tăng từ 25-39% (tùy loại xăng, dầu).

Với vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm từ 35-50% tổng chi phí (tùy loại hình vận tải) và tỷ lệ này cũng tăng theo giá nhiên liệu. Cụ thể, với đường bộ, hiện chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40% giá vé, nên trong tháng 2 và 3 vừa qua, hầu hết doanh nghiệp xe khách đã tăng giá vé từ 10-15% so với năm 2021, xe tải tăng cước 7-10%.

Với hàng không, hiện chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40% tổng chi phí chuyến bay, khi giá nhiên liệu bay (xăng Jet A1) đã lên mức hơn 132 USD/thùng và dự báo tiếp tục tăng. Để giảm tác động từ giá nhiên liệu, Cục Hàng không đã báo cáo Bộ GTVT cho tăng trần giá vé máy bay nội địa. Trước mắt, các hãng điều chỉnh giá vé linh hoạt trong khung giá cho phép.

Với đường thủy nội địa, hiện chi phí nhiên liệu chiếm 45-50% tổng chi phí khai thác và chiếm khoảng 35% giá cước. Do đó, các doanh nghiệp vận tải thủy đã tăng khoảng 10% giá cước theo giá nhiên liệu.

Với hàng hải, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên giá cước vận tải đường biển đã tăng từ cuối năm 2020, đạt đỉnh năm 2021, tới nay có xu hướng giảm. Dù vậy, khi giá nhiên liệu tăng cao, một số hãng tàu đã điều chỉnh giá cước tăng theo, nhưng chưa nhiều. Tương tự với vận tải đường sắt, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 29% tổng chi phí, giá nhiên liệu tăng khiến chi phí cho phần này tăng thêm khoảng 20% so với kế hoạch kinh doanh xây dựng hồi đầu năm. Tuy nhiên, đường sắt chưa tăng giá vé nhằm cạnh tranh với các loại hình khác. Dù vậy, Bộ GTVT vẫn nhận định, nếu giá nhiên liệu duy trì mức cao kéo dài sẽ khó tránh việc cước vận tải đường biển và đường sắt phải điều chỉnh tăng theo.

Bộ GTVT đề nghị địa phương tăng cường giám sát việc chấp hành quy định về đăng ký, công bố và áp dụng giá cước vận tải, xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Bộ GTVT cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan xem xét miễn giảm một số loại thuế, phí, như: Phí sử dụng hạ tầng đường sắt; phí ra vào vùng nước cảng biển, bến thủy; giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp với lĩnh vực vận tải; phí sử dụng hạ tầng cảng biển; phí đỗ đón khách tại nhà ga, bến cảng...

Theo BỐN VIỆT

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên