“Xù nợ" thuế phí: Thu 24 tỷ, hoàn thu 28 tỷ, có đau xót không?
Tình trạng thất thu thuế tài nguyên từ mảnh đất mệnh danh “núi vàng” Quảng Nam là một thực trạng nhức nhối kéo dài trong suốt nhiều năm qua, nhưng đến nay chính quyền sở tại vẫn chưa đưa ra được lời giải thỏa đáng.
Điều đáng nói là, không chỉ thất thu thuế đối với những vụ việc khai thác lậu , mà cả với các doanh nghiệp lớn được cấp phép cũng tìm đủ chiều bài “ăn gian” như khai gian sản lượng, giả chết lâm sàng, đóng cửa mỏ, cố tình chây ì…để “xù nợ" thuế phí.
Doanh nghiệp “xù nợ", ngân sách khó thu
Theo báo cáo của ngành thuế tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn có rất nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, nhất là khai thác vàng nhưng nguồn thu ngân sách của việc này rất ít, không những thế nhiều doanh nghiệp còn để nợ đọng thuế kéo dài nhiều năm.
Trong số các doanh nghiệp nợ thuế, đáng chú ý là Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty trách nhiệm hữu hạn vàng Phước Sơn, cùng thuộc Tập đoàn Besra (Canada), với khoản nợ thuế gần 300 tỷ đồng. Nếu tính cả tiền phạt là hơn 400 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng nợ thuế của cả tỉnh).
Theo ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã áp dụng mọi biện pháp truy thu thuế, nhưng cho đến nay vẫn không thu được vì các cổ đông của hai công ty trên đã rút vốn, đóng cửa mỏ.
Nghịch lý đáng buồn là, kể cả trước đây, khi Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty trách nhiệm hữu hạn vàng Phước Sơn chấp hành việc nộp thuế, thì số tiền mà hai doanh nghiệp này phải đóng cũng rất thấp.
“Đơn cử như năm 2013, Nhà máy Bồng Miêu đóng 24 tỷ đồng tiền thuế, nhưng tiền hoàn thuế là 28 tỷ đồng. Có đau xót không, trong khi Nhà nước vừa mất thuế vừa mất mỏ. Đó là chưa kể, từ khi 2 doanh nghiệp khai thác, tổng thu thuế chỉ có 700 tỷ đồng, trong khi hoàn thuế 300 tỷ đồng, nghĩa là Nhà nước chỉ thu được 400 tỷ đồng trong vòng hàng chục năm,” ông Bốn nói.
Lý giải rõ hơn về việc mất mát nguồn thu nêu trên, ông Bốn cho biết, việc Nhà nước phải hoàn thuế cho doanh nghiệp ở đây là hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào (đầu tư nguyên vật liệu, trang thiết bị khai thác với chi phí cao), trong khi đầu ra – chính sách thuế xuất khẩu bằng không, doanh nghiệp không bù trừ được nên mình phải hoàn thuế đầu vào.
Nguồn tin từ Cục thuế tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, mặc dù là tỉnh “giàu” khoáng sản với trữ lượng tương đối lớn, nhưng doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn không tuân thủ việc nộp thuế. Dù rằng, phần lớn doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ thời gian đầu chấp hành các loại thuế phí khá đầy đủ, nhưng tới khi gần hết phép lại tìm cách “xù nợ", nhiều công ty khi Cục Thuế đến báo thu thuế mới biết đã chuyển địa điểm.
Và, một trong những nguyên nhân nhân chính dẫn tới thất thu thuế khoáng sản được ngành thuế Quảng Nam đưa ra là do cơ chế cho doanh nghiệp tự kê khai sản lượng để nộp thuế.
“Chính cơ chế cho doanh nghiệp tự kê khai sản lượng khai thác là lỗ hổng lớn nhất gây khó cho ngành thuế trong việc kiểm soát sản lượng khai thác thực của doanh nghiệp. Dù ngành thuế có thanh tra nhưng cũng chỉ dựa trên hồ sơ, chẳng ai dám chắc số liệu khai của doanh nghiệp có đúng không,” ông Bốn trăn trở.
Ngoài ra, theo đánh giá của ngành thuế Quảng Nam, việc doanh nghiệp được phép tự kê khai sản lượng cũng dẫn tới thực khai thác và báo cáo khác nhau nên Nhà nước thất thu tương đối lớn.
"Ví dụ, Quảng Nam còn cả chục công ty khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, cấp phép thì nhiều nhưng khi khai thác không được 10% trữ lượng. Có doanh nghiệp trong Giấy phép được cấp trữ lượng 30kg vàng nhưng đến khi hết phép báo cáo chỉ thu được 0,8 kg vàng, đến khi thanh tra thuế kiểm tra lên được 1,7 kg vàng," đại diện ngành thuế Quảng Nam nói.
[Dai dẳng nạn “ăn cắp” khoáng sản ở tỉnh Quảng Nam]
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
“Đất đá họ còn ăn gian được, huống chi vàng”
Việc Tập đoàn Besra đóng cửa mỏ vàng lớn nhất Việt Nam (Bồng Miêu) sau khi đã khai thác cạn kiệt nguồn khoáng sản quý hiếm vẫn không chịu đóng thuế, tìm cách "xù nợ" thuế, đã cho thấy thực trạng đáng buồn là vàng đang bị quy đổi thành ngoại tệ "trôi" ra nước ngoài.
Theo tính toán của giới kinh doanh, nếu tính giá vàng tại thời điểm thấp nhất là 30 triệu đồng/lượng thì với số vàng lên tới 6,9 tấn mà Tập đoàn Besra khai thác, vẫn có giá trị trên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, 2 công ty vàng của Tập đoàn này chỉ thực hiện đóng các khoản thuế tương đối đầy đủ đến cuối năm 2011, sau đó số tiền nợ thuế tăng dần.
Chia sẻ thêm về khó khăn trong thu thuế khoáng sản, ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Nam cho rằng, tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn đang có nhiều cái bất lợi. Đơn cử như, khi cấp phép thì có thời hạn, nhưng cứ đến cuối thời hạn giấy phép thì họ lại chây ì, tìm cách “xù nợ."
Bên cạnh đó, một số loại khoáng sản, Nhà nước không quản lý được. Giữa sản lượng khai thác thực với sản lượng doanh nghiệp tự kê khai báo cáo thường khác nhau. Vì thế nên Nhà nước thất thu thuế tương đối lớn.
Vẫn theo ông Bốn, ngoài hai công ty vàng thuộc Tập đoàn Besra, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn có cả chục công ty khai thác vàng khác, khi cấp phép mỏ thì sản lượng lớn, nhưng khi khai thác thì không được 10%. Lý do doanh nghiệp đưa ra là khai thác không theo đúng số lượng cấp phép.
Ví như Công ty trách nhiệm hữu hạn Phước Minh (đơn vị khai thác vàng gốc tại huyện Phước Sơn, Quảng Nam) đang đầu tư khách sạn rất lớn, nhưng nộp thuế không đáng kể. Bình thường doanh nghiệp này bề ngoài vẫn ăn nên làm ra, xây dựng cơ sở mới, nhưng trữ lượng báo cáo để nộp thuế không đáng kể.
“Rõ ràng, việc kê khai sản lượng của doanh nghiệp ở đây là không minh bạch. Có khi họ khai thác được 30kg nhưng chỉ khai báo có 5kg. Trong khi, đất đá, cát sỏi doanh nghiệp còn ăn gian được thì huống chi là vàng."
"Theo ý kiến của tôi, thất thu thuế tài nguyên là rất lớn, đối với nhóm vật liệu xây dựng khoảng 10-20%, nhưng đối với nhóm vàng, bạc, nói kiêm tốn cũng trên 50%. Đây là lỗ hổng rất lớn trong việc kiểm soát trữ lượng, dẫn tới thất thoát nguồn thu,” ông Bốn nói./.
Trước vấn nạn "chảy máu" tài nguyên, làm sao để có thể quản lý được việc khai thác khoáng sản và đảm bảo nguồn thu cho Nhà nước, cho đến nay vẫn là câu hỏi khiến chính quyền tỉnh Quảng Nam đau đầu.
Vietnam+