Xu thế dòng tiền: 1.000 điểm trong tầm tay?
Trước những diễn biến mạnh mẽ của thị trường trong tuần qua cũng như trong cả tháng 11, các chuyên gia đều chung quan điểm cơ hội sẽ tiếp diễn...
- 03-12-2017Chứng khoán khởi sắc, khối ngoại lại có tuần mua ròng nghìn tỷ
- 03-12-2017[Chọn sách cho nhà đầu tư] Tôi đã kiếm 2 triệu đô la từ thị trường chứng khoán như thế nào?
Trước kỳ vọng lớn của thị trường về cơ hội chinh phục mốc 1.000 điểm ngay trong tháng 12 này, các chuyên gia lại có quan điểm khác nhau. Về mặt triển vọng, việc chỉ còn khoảng cách vài chục điểm không phải là nhiều với tốc độ tăng hiện tại. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng đó lại là câu chuyện khác.
Theo các chuyên gia, yếu tố thị trường sẽ chịu thêm các tác động khác ngoài tính chất mùa vụ. Đợt đấu giá thoái vốn SAB tới đây có thành công hay không sẽ có ảnh hưởng lớn. Nếu SAB thành công thì khả năng tăng trưởng vượt 1.000 điểm là dễ dàng. Ngược lại, nếu SAB "ế", thị trường có thể gặp khó khăn.
Ngoài ra thị trường có thể xuất hiện các ảnh hưởng mang tính mùa vụ như dịp tháng 12 và Noel thường là thời gian các tổ chức đầu tư thực hiện chốt lời.
Do vẫn còn yếu tố bất thường khó đoán, các chuyên gia tuy đánh giá cao cơ hội tăng trưởng mạnh hơn của thị trường nhưng vẫn duy trì danh mục thận trọng. Tỷ trọng cổ phiếu cao nhất vẫn chỉ là 80% và vẫn có kế hoạch giảm xuống vào trung tuần tháng 12.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
VN-Index đã khép lại một tháng 11 ngoài sức tưởng tượng với mức tăng 13,5%, mạnh nhất trong vòng 7 năm qua. Thị trường đã không thật sự điều chỉnh và bây giờ nhà đầu tư đã mơ mộng tới mốc 1.000 điểm ngay trong tháng 12. Đánh giá của anh chị như thế nào về kỳ vọng này?
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Bước nhảy chỉ số ấn tượng trong tháng 11 chủ yếu tập trung ở nhiều cổ phiếu blue-chip có thoái vốn nhà nước đặc biệt là SAB, VNM…Việc đặt là mục tiêu tăng khoảng hơn 50 điểm ngay trong tháng 12 với những gì đã diễn ra trong tháng 11 là điều không quá khó ở thời điểm hiện tại.
Xu hướng kéo trụ vẫn có thể tiếp tục diễn ra đặc biệt nếu đấu giá SAB với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu thành công. Mặc dù vậy, như thông lệ, kỳ nghỉ lễ Noel và cuối năm dương lịch sắp đến thường là lúc các tổ chức tài chính sẽ chốt lại các khoản cho vay và chốt lời danh mục.
Vì vậy, vượt mốc 1000 điểm ngay trong tháng 12 nhìn có vẻ khả thi nhưng cũng không phải là mốc có thể vượt qua dễ dàng được ngay trong tháng tới.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Thị trường đã khép lại tháng 11 đúng là ngoài sức tưởng tượng với mức tăng 13,5%, giúp VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh thứ 2 trên thế giới, xếp sau thị trường Mông Cổ (15,12%) và phá bỏ quy luật về tháng 11 ác mộng đối với thị trường trong nhiều năm qua và đây cũng là mức tăng tốt nhất kể từ năm 2006 (23,75%).
Như đã nhận định ở kỳ trước khi chỉ số VN-Index vượt 900 điểm sau 10 năm chờ đợi, trong kịch bản lạc quan nhà đầu tư đang liên tưởng thị trường ở thời điểm hiện tại với "cơn điên" của năm 2007 vì vậy việc nhà đầu tư bắt đầu mơ mộng đến mốc 1.000 điểm hay thị trường có thể chinh phục đỉnh lịch sử là hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào gia tốc tăng của chỉ số khi càng về đỉnh cũ, gia tốc tăng càng mạnh mẽ.
Theo số liệu thống kê, cú nước rút thần tốc từ mốc 800 - 900 điểm (thành tích 52 phiên, bình quân mỗi phiên ghi được 1,97 điểm) đã làm các nhà đầu tư "choáng" thì kể từ mốc 900 điểm chỉ số VN-Index chỉ cần mất 10 phiên đã ghi được 56,78 điểm, bình quân mỗi phiên 5,68 điểm (gia tốc tăng đang gấp gần 2,9 lần giai đoạn từ 800 -900 điểm).
"Nếu" các yếu tố khác ngoài mô hình không thay đổi thì trong thời gian tới thì việc nhà đầu tư mơ mộng là có cơ sở.
Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi sự kỳ vọng này sẽ phụ thuộc vào việc thành công hay thất bại của Sabeco (SAB: HOSE) và có thể chia làm 2 giai đoạn: trước thời điểm công bố giá bán SAB và sau đó.
Nếu SAB "ế" khả năng thị trường sẽ lình xình hoặc sẽ điều chỉnh, đỉnh ngắn hạn theo đó có thể nằm ở giai đoạn này. Còn nếu SAB thành công đó sẽ là tác động cộng hưởng trong ngắn hạn, thị trường có thể vượt kỳ vọng của nhà đầu tư.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Trong suốt thời gian qua chúng ta đã luôn đánh giá cao về triển vọng trung hạn của thị trường, và quan điểm của tôi vẫn đánh giá cao về điều đó, trong ngắn hạn thời gian qua thị trường có những thời điểm tăng nóng ngoài sức tương tượng, không chỉ tăng mạnh về điểm số mà thanh khoản thị trường cũng luôn luôn lập kỷ lục mới.
Do vậy việc VN-Index chinh phục mức 1.000 điểm trong tháng 12 là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không quá chú trọng vào điểm số, và thay vào đó là việc lựa chọn danh mục sao cho phù hợp trong bối cảnh làn sóng thoái vốn nhà nước đang tăng cao và tháng 12 cũng là thời điểm nhiều thông tin kết quả kinh doanh quý 4 được dự báo.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thông tin đáng chú ý nhất tuần qua hẳn là việc xác định giá thoái vốn của Sabeco. Với mức khởi điểm 320.000 đồng, khá cao so với giá định giá nhưng lại thấp hơn giá trên sàn. Nếu được nhà đầu tư đề nghị tư vấn, anh chị sẽ đánh giá thế nào về phiên đấu giá sắp tới, cơ hội nằm ở đâu? Liệu thị trường sẽ phản ứng thế nào?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Theo tôi Bộ Công Thương đưa ra mức giá khởi điểm cao như vậy cũng là có lý do, bởi:
Thứ nhất: tỷ lệ thoái vốn rất là cao, 343,66 triệu cổ phiếu tương đương 52,39%. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược nắm quyền chi phối và có cơ hội thâu tóm luôn doanh nghiệp khi bộ công thương thoái tiếp 37% còn lại. Trên thế giới có rất nhiều vụ thâu tóm mà giá trị thương vụ cách xa định giá hiện tại của doanh nghiệp.
Thứ 2: xét về góc độ đầu tư, tiềm năng cho ngành bia ở Việt Nam vẫn được đánh giá cao, với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 8-9% trong 10 năm tới, do mức thu nhập trung bình đang có xu hướng tăng lên.
Tuy nhiên đối với nhà đầu tư cá nhân thì tôi cho rằng với mức định giá đó, và hiện chưa biết đối tác nào sẽ mua lại SAB, do vậy sẽ thiếu cơ sở để kỳ vọng về tương lai. Nên tôi sẽ không khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư vào SAB ở thời điểm này.
Còn việc thị trường phản ánh thế nào thì còn phụ thuộc vào kết quả phiên đấu giá, nếu đấu giá thành công thì tâm lý thị trường sẽ hứng phấn và tôi nghĩ giá cổ phiếu SAB có thể tăng thêm (ít nhất là hiệu ứng tâm lý ngắn hạn).
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Việc lập gia đình cho SAB đang là thông tin được chú ý nhất cả trong và ngoài nước. Đã có những chàng "tây" muốn xin "cưới" với các phát ngôn này nọ, tuy nhiên việc nói dễ hơn là hành động cụ thể vì vậy nhà đầu tư vẫn phải chờ khi có số liệu đăng ký mua.
Về định giá, theo quan điểm của tôi thì chuyện đắt hay rẻ không phải là vấn đề vì mỗi nhà đầu tư có cách nhìn khác nhau, nếu đã "yêu" thì có thể mua đắt hơn trên sàn cả một phiên trần như VNM cũng có thể xảy ra! Điều quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm đó chính là triển vọng tăng giá của cổ phiếu trong tương lai, tức là mua xong thì liệu có lên hay không, đó là mấu chốt.
So với VNM thì SAB khó đoán về khả năng thành công hơn vì thế "đám cưới" tỷ đô này rất thú vị và sẽ là tiêu điểm của thị trường năm nay, ngay cả việc SAB về nhà với ai cũng gây tò mò cho các nhà đâu tư. Vì vậy cuộc chơi này theo cá nhân tôi chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức, các đối tác trong ngành hoặc các quỹ ETF muốn sử dụng trọng số của SAB để "lái" chỉ số, đồng thời đây là bài "test" sức bền của dòng tiền khá quan trọng trong bối cảnh dòng tiền nước ngoài đang đổ vào thị trường ở mức kỷ lục.
Còn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chúng ta hãy chờ kết quả công bố ngày 18/12/2017 để xem tiền "tây" nhiều đến mức nào!
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Cổ phiếu SAB đã có bước tăng giá ngoạn mục trong thời gian 3 tháng từ mốc 200.000 đồng lên mốc 330.000 đồng trên 1 cổ phiếu. Giá định giá của đơn vị là khá thấp so với giá hiện tại trên sàn là một trở ngại cho thấy việc bán đấu giá thành công SAB vào lúc này không dễ dàng.
Theo tôi, cũng giống như VNM, có thể phải cần đến lần thứ 2 để đạt được mức giá kỳ vọng.
Thị trường vẫn rất tốt nhờ dòng tiền mạnh đặc biệt từ nhóm nước ngoài đổ vào đã khiến các cổ phiếu trụ tăng giá rất mạnh trong thời gian vừa qua. Nếu SAB được đấu giá thành công ở mức giá đề xuất, có thể lại có một làn sóng tăng giá mới từ các cổ phiếu blue-chip cùngloại là điều dễ được dự đoán vào lúc này.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Giá điện vừa được điều chỉnh tăng khá cao, điều này có tác động gì hay không?. Từ góc độ cơ bản, anh chị có đánh giá hay lời khuyên gì trong việc lựa chọn cổ phiếu?
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Tôi cho rằng điểm mấu chốt ở đây là: Việc EVN tăng giá điện không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất điện sẽ tăng được giá bán điện cho EVN. Đây là khâu từ EVN đến người tiêu dùng, vì vậy nó có lợi cho EVN chứ không chắc chắn có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất điện.
Vì vậy, đối với các cổ phiếu ngành sản xuất điện về cơ bản sẽ không có gì thay đổi so với thời điểm trước khi công bố mức giá điện mới, khả năng "ăn theo" giá điện lại là câu chuyện của thị trường.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Theo tôi các doanh nghiệp có đầu vào chịu nhiều ảnh hưởng từ giá điện đặc biệt các ngành sản xuất kinh doanh và cuối cùng người tiêu dùng là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất mới không dùng nhiều đến điện tiêu thụ có thể vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt. Nhà đầu tư nên lựa chọn các công ty đầu ngành có lịch sử soát chi phí đầu vào tốt và sử dụng các công nghệ mới vào sản xuất tiêu thụ ít điện năng để lựa chọn trong thời gian sắp tới.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi chưa rõ câu hỏi này muốn nói tới thị trường chung hay là những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện. Nếu xét về sự tác động của việc tăng giá điện lên nền kinh tế thì rõ ràng là không tốt, bởi chi phí các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có sử dụng điện sẽ tăng cao, và có thể tác động làm tăng CPI, đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi của các chuyên gia về cơ chế vận hành giá điện của Việt Nam.
Nếu xét về tác động lên thị trường chứng khoán thì tôi nghĩ là không đáng ngại, bởi thị trường tăng thời gian qua là vì nhà đầu tư đang kỳ vọng vào những chính sách của chính phủ trong việc hỗ trợ thị trường vốn và thu hút dòng tiền bên ngoài tham gia vào thị trường.
Việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư thì tôi vẫn giữ danh mục thời gian qua. Riêng với nhóm cổ phiếu điện tôi vẫn đánh giá cao tiềm năng của các doanh nghiệp như SBA, CHP… ngoài ra REE cũng là một "key" đầu tư tốt mà tôi đã tư vấn từ đầu năm. Còn việc giá điện tăng mạnh không có nghĩa là giá bán của các công ty điện cho EVN sẽ tăng lên.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường đang trong giai đoạn "bán là thua, mua là thắng". Anh chị có mở rộng danh mục hay không và tại sao vẫn duy trì một tỷ trọng thận trọng như vậy?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi vẫn tin tưởng vào thị trường trong trung hạn, tuy nhiên về ngắn hạn tôi vẫn giữ tỷ trọng một phần tiền để trading trong chính danh mục của mình, đây là chiến lược tôi đã chia sẻ thời gian qua.
Nếu "full" danh mục thời điểm hiện tại sẽ rất khó xử lý khi thị trường xảy ra điều chỉnh ngắn hạn (nếu có), trong bối cảnh margin các công ty chứng khoán đang khá cao, và đợt cơ cấu của ETF sắp tới sẽ làm xáo trộn dòng tiền ngắn hạn, và như vậy thì sẽ tự làm khó mình trong việc xử lý danh mục đầu tư.
Hiện tại tôi vẫn giữ danh mục 70% cổ phiếu và 30% tiền.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tỷ trọng cổ phiếu ở thời điểm hiện tại là mức 70% danh mục nhưng có thể điều tiết giảm dần vào trung tuần tháng 12 để đề phòng có đợt điều chỉnh có thể xuất hiện vào cuối tháng 12/2017 và đầu năm 2018.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Tâm lý thị trường đang rất mạnh, điều chỉnh chỉ thoáng qua, dòng tiền đang nuôi dưỡng kỳ vọng về thị trường vì vậy khả năng nắm giữ càng lên cao. Khối lượng giao dịch và sức lan tỏa của thị trường cũng đang rất tốt cho thấy nhà đầu tư đang chấp nhận mức rủi ro cao hơn vì thế cơ hội tăng đang lớn, do đó tôi vẫn duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 80% cổ phiếu.
VnEconomy