Xu thế dòng tiền: Có thể xảy ra bán tháo
Các chuyên gia vẫn đang đúng trong việc dự báo nhịp điều chỉnh hiện tại sẽ còn kéo dài. Sự sợ hãi cực điểm vẫn chưa xuất hiện...
- 17-07-2017Xu thế dòng tiền: Nhịp điều chỉnh chưa xong
- 14-07-2017CTCK nhận định thị trường 14/07: Dòng tiền chảy vào cổ phiếu trụ
- 10-07-2017Xu thế dòng tiền: Chuẩn bị cho khả năng điều chỉnh
Các chuyên gia vẫn đang đúng trong việc dự báo nhịp điều chỉnh hiện tại sẽ còn kéo dài. Sự sợ hãi cực điểm vẫn chưa xuất hiện.
Nhịp điều chỉnh của thị trường đã kéo dài sang phiên thứ 11 và các cổ phiếu đang sụt giảm mạnh hơn so với VN-Index. Các chuyên gia vẫn giữ quan điểm về quá trình điều chỉnh vẫn chưa kết thúc.
Thị trường vẫn chưa xuất hiện phiên bán tháo hay giải chấp lớn, cũng như mức độ giảm giá cổ phiếu vẫn còn khác nhau. Các chuyên gia cho rằng nếu thị trường sụt giảm qua các mức hỗ trợ quan trọng thì có thể sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình này.
Đánh giá về tình trạng thị trường hiện tại, các ý kiến đồng nhất quan điểm tác động của những thông tin kết quả kinh doanh đã không còn có thể tạo sóng được. Giá đã phản ánh đầy đủ thông tin này bằng những những thực tế cổ phiếu không thể tăng giá dù công bố lợi nhuận tốt.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 2 tích cực sẽ vẫn là yếu tố hỗ trợ cổ phiếu trong thời gian tới, khi đó là nền tảng để đánh giá triển vọng cơ bản. Vì vậy, nhịp điều chỉnh mạnh này vẫn là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu tốt rơi vào trạng thái quá bán.
Trong ngắn hạn, các chuyên gia đều đã giảm danh mục cổ phiếu, thậm chí giải phóng toàn bộ danh mục ngắn hạn.
Nguyễn Hoàng -VnEconomy
Thị trường tuần này đem lại nhiều đau thương, mức điều chỉnh quá mạnh ở rất nhiều cổ phiếu dù VN-Index vẫn chưa giảm đến ngưỡng mà anh chị dự kiến.Trong 1 tuần mà có tới 2,5 phiên bán tháo. Anh chị đã nhìn thấy sự sợ hãi cực điểm trên thị trường hay chưa?
Ông Lê Hoàng Tân -Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Thị trường tuần qua đã tiếp tục điều chỉnh như dự kiến. Hầu hết các cổ phiếu đều có mức điều chỉnh khá mạnh. Tuy nhiên, nếu nói về “ sự sợ hãi cực điểm” trên thị trường thì theo tôi vẫn chưa diễn ra, bởi vì chưa có những phiên bán tháo hay giải chấp lớn diễn ra.
Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi chưa nhìn thấy hiện tượng này trong tuần qua. Tuy nhiên, nếu trong tuần tới ngưỡng hỗ trợ quanh 757 điểm bị xuyên thủng thì tôi cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ xuất hiện các phiên bán tháo mạnh.
Bà Hồ Huyền - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi thấy lần này thị trường giảm điểm nhưng cách giảm của các cổ phiếu qua mỗi phiên rất khác nhau, có mã giảm mạnh, có mã lại lình xình đi ngang chứ không giảm mạnh hàng loạt. Chừng nào xuất hiện giảm mạnh một loạt mới đẩy sự sợ hãi lên cực điểm.
Tuy nhiên, thị trường bào mòn như hiện tại mới nguy hiểm, ngoảnh đi ngoảnh lại số lỗ đã gia tăng rất nhanh!
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán HSC
Diễn biến điều chỉnh dài kể từ khi VN-Index chạm ngưỡng kháng cự mạnh vùng 775 - 780 điểm cũng đã được lường trước. Nhóm cổ phiếu đầu cơ vận động mạnh bất thường ở vùng đỉnh và giảm mạnh khi thị trường điều chỉnh đã lại cho thấy chỉ có giao dịch thận trọng, chọn lựa cổ phiếu triển vọng và mua ở mức giá hấp dẫn mới có thể tránh cho các nhà đầu tư những thiện hại (tạm thời) khi thị trường điều chỉnh.
Theo tôi ở đâu đó đã thấy sự hoảng sợ và sự bán tháo nhưng có lẽ hồi kết của “giai đoạn điều chỉnh” của thị trường vẫn chưa diễn ra. VN-Index vẫn sẽ tiếp tục điều chỉnh thêm tiếp về vùng 750 - 755 điểm trong tuần tới.
Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường đã tạo đỉnh ngắn hạn tại 782 điểm ngày 6/7/2017. Đến nay trải qua 02 tuần giao dịch VN-Index giảm gần 20 điểm và đóng cửa phiên cuối tuần trên MA50. Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh đến từ nhóm cổ phiếu VN30 khi chỉ số này sụt giảm hơn 40 điểm trong cùng một khoảng thời gian với rất nhiều mã sụt giảm điển hình như BMP (-30%), STB (-20%), CII (-14%), SSI (-11%), CTD (-10%).
Tôi quan ngại nhất là giá trị giao dịch sụt giảm 25% từ 4.100 tỷ đồng xuống còn 3.100 tỷ đồng đi kèm với khối lượng giảm dần đều. Điều đó có nghĩa dòng tiền lớn sau khi chốt lời vẫn còn e ngại đứng ngoài thị trường, tương đương với việc lực đỡ của thị trường suy yếu.
Sự điều chỉnh đồng loạt đến từ tất cả các ngành, tất cả các cổ phiếu dẫn dắt cho thấy lực bán lan tỏa cho thấy áp lực bán ngắn hạn vẫn còn hiện hữu.
Nguyễn Hoàng - VnEconomy
Tuần trước anh chị có dự kiến khả năng thị trường phân hóa rõ hơn khi xuất hiện kết quả kinh doanh. Tuy nhiên có một thực tế khác, là nhiều cổ phiếu đã không có phản ứng gì với những thông tin này và đặc biệt là các blue-chips giảm rất đều, bất chấp lợi nhuận đột biến. Thực trạng đó trong tuần liệu có thể khẳng định rằng thị trường không còn cái gọi là “sóng báo cáo tài chính quý 2”?
Bà Hồ Huyền -Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Đúng là không còn kỳ vọng gì vào sóng kết quả kinh doanh nữa. Ngay cả những cổ phiếu kết quả kinh doanh tốt, và là tượng đài của tăng bền vững như VNM, MWG, PNJ cũng giảm điểm.
Tôi cho rằng nhịp tới, nếu thị trường hồi phục trở lại, màu sắc thị trường có thể sẽ khác 3 năm qua, sẽ có các gương mặt mới tạo sóng.
Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Sở dĩ có hiện tượng này là do các thông tin về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp đã được phản ánh gần như đầy đủ vào diễn biến giá cổ phiếu. Đến khi thông tin chính thức được công bố thì hiệu ứng ngược đã xảy ra.
Yếu tố kỳ vọng ngắn hạn đã không còn dẫn đến áp lực chốt lời của nhà đầu tư nhanh chóng gia tăng khiến giá cổ phiếu quay đầu giảm điểm mạnh, nhất là đối với nhóm cổ phiếu blue-chip. Điều này đã gây ra tác động tiêu cực đến diễn biến thị trường.
Ông Lê Hoàng Tân -Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Hiện nay, thị trường đang điều chỉnh giảm ở hầu hết các mã cổ phiếu, bất chấp cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt. Điều này cho thấy, dường như tâm lý sợ hãi bắt đầu lan rộng, “ tin tức đã phản ánh vào giá” và như anh nói, không còn cái gọi là “Sóng báo cáo tài chính quý 2” nữa là đúng.
Tuy nhiên, cái này chỉ đúng ở thời điểm hiện tại, vì một uptrend kéo dài 6 tháng qua đã giúp cho nhà đầu tư có một mức sinh lời khá lớn, tâm lý muốn giữ lời đã khiến họ bán bất chấp để bảo vệ thành quả.
Còn nhìn dài ra, cho 6 tháng cuối năm, thì những mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 2 tốt, cần được đưa vào danh mục theo dõi, vì với với kết quả kinh doanh quý 2 khởi sắc, đã báo hiệu 1 năm kinh doanh khá lạc quan đối với doanh nghiệp.
Theo quan điểm của tôi, thì mặc dù không còn cái gọi là “ sóng báo cáo tài chính quý 2” nhưng những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 2 tốt sẽ vẫn là tâm điểm của thị trường trong 6 tháng cuối năm.
Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường đã liên tục tăng điểm từ cuối năm 2016, từ 650 điểm lên 782 đầu tháng 7/2017. VNIndex được dẫn sóng bởi ngành ngân hàng khi ngành này được tái cơ cấu nợ xấu, ngành bất động sản phía nam khi đất nền khu vực ven Sài gòn dậy sóng, ngành chứng khoán khi giá trị giao dịch thị trường đều tăng.
Giá của cổ phiếu được đẩy lên mức cao khi nhà đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp, đồng thời lực mua duy trì của khối ngoại giúp nhà đầu tư nội vững tin giải ngân. Dường như thị trường đang diễn biến theo cách “sell on good news”, bán khi ra tin.
Ông Lê Đức Khánh -Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán HSC
Các thông tin có lẽ đã phản ánh hết vào giá mặc dù vẫn có những cổ phiếu giao dịch sôi động có được bởi hỗ trợ thông tin cơ bản. Vẫn là đó các cổ phiếu phòng thủ điện, dược phẩm…có cổ phiếu tăng điểm bất chấp thị trưởng điều chỉnh.
Tôi cho rằng thị trường đã tăng nhiều và cần thời gian điều chỉnh - việc nhà đầu tư cần phải làm là quên đi các thông tin “có khả năng hỗ trợ” thị trường và tập trung vào triển vọng của các cổ phiếu cụ thể.
Nguyễn Hoàng - VnEconomy
Khi hiệu ứng báo cáo tài chính quý 2 không rõ ràng thì phía trước có thể là một khoảng trống lớn về thông tin. Đã bắt đầu có những lo ngại về khả năng điều chỉnh mạnh và dài trong những tháng tới. Anh chị có lo ngại kịch bản đó không? Nếu có điều gì giúp ổn định thị trường thì anh chị kỳ vọng là gì?
Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Quan điểm của tôi, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh trong 2-3 tuần nữa, nhịp điều chỉnh tiếp theo sẽ thiên về hướng tích lũy sau nhịp giảm mạnh vừa rồi.
Một nhịp điều chỉnh càng kéo dài, càng khiến tâm lý nhà đầu tư thêm bi quan, khi đó tin tốt gần như phản tác dụng. Và khi đó, chỉ cần 1 tin tức “ hơi xấu” cũng sẽ như “ đổ thêm dầu vào lửa”.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thị trường đã điều chỉnh được hơn 2 tuần, và các cổ phiếu đã được chiết khấu về một mức giá khá hợp lý thì chúng ta nên lạc quan hơn là bi quan.
Hiện tại, các yếu tố vĩ mô vẫn chưa hề có dấu hiệu tiêu cực: Tỷ giá ổn định, lãi suất duy trì ở mức thấp, tín dụng vẫn tăng trưởng tốt… Đặc biệt, vừa rồi Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành giảm lãi suất điều hành - nền tảng để giảm lãi suất cũng như tiếp tục tăng trưởng tín dụng. Đồng thời vừa rồi, Quốc hội đã thông qua nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các bộ ban ngành có liên quan cũng đã ban hành các văn bản liên quan để hướng dẫn chi tiết, lãi suất liên ngân hàng cũng về mức thấp kỷ lục.
Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào 1 nhịp tăng trưởng mạnh vào cuối năm, và tâm điểm, theo tôi vẫn là cổ phiếu ngân hàng và các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt. Chính vì vậy, thay vì tâm lý bi quan, tiêu cực với thị trường thì hiện tại nhà đầu tư nên bắt đầu lựa chọn cho mình 1 danh mục đầu tư tốt cho con sóng 6 tháng cuối năm.
Ông Lê Đức Khánh -Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán HSC
Thị trường đã điều chỉnh và sụt giảm điểm - vẫn có các nhà đầu tư kỳ vọng và hy vọng ở các cổ phiếu riêng lẻ và giao dịch ngắn hạn, diễn biến “force-selled”, cân bằng giá xuống sẽ tiếp tục diễn ra.
Kịch bản thị trường điều chỉnh - điều chỉnh mạnh - bulltrap - điều chỉnh tiếp - tạo đáy - hồi phục - beartrap - tăng điểm dường như là quy luật diễn biến không chỉ của thị trường mà là tâm lý nhà đầu tư phản ánh qua đó.
Niềm tin nhà đầu tư sẽ quay trở lại - thị trường xuống và rồi sẽ lên - giai đoạn điều chỉnh 4 - 12 tuần sẽ sớm kết thúc khi các thông tin về GDP, chỉ số PMI, tăng trưởng tín dụng…lại được công bố đây có lẽ lại là thông tin hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.
Ông Trần Xuân Bách- Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh kéo dài từ đầu năm 2017 đến nay, mặt bằng giá cổ phiếu được đẩy lên mức cao khiến áp lực chốt lời gia tăng. Vì vậy, khả năng thị trường sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn từ vài tuần cho đến một hoặc hai tháng là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, nhịp điều chỉnh này là cần thiết nhằm giúp thị trường giải tỏa áp lực bán, trước khi tiếp tục xu hướng đi lên trong trung hạn.
Về yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian tới, tôi cho rằng vẫn sẽ là các yếu tố cơ bản như sự hồi phục của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được mở rộng, lãi suất giảm và thu hút tốt nguồn vốn ngoại...
Bà Hồ Huyền - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Theo tôi VN-Index chưa có dấu hiệu kết thúc điều chỉnh và cần thêm thời gian nữa, có khả năng về vùng 740 điểm. Tuy nhiên, một số cổ phiếu giảm từ trước và mức điều chỉnh đã đủ, có thể sẽ dừng đà giảm tại đây.
Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Kết quả kinh doanh nửa năm đầu 2017 đã dần lộ rõ, thanh khoản trên thị trường ngân hàng dồi dào, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp… đều là những thông tin hỗ tốt cho thị trường chứng khoán vào thời điểm này nhưng những điều này dường như chưa phát huy được tác dụng tại thời điểm hiện tại.
Tôi cho rằng thị trường sau một thời gian tăng dài cũng cần thời gian để củng cố, giá cổ phiếu cần giảm về mức giá hấp dẫn giúp nhà đầu tư mạnh dạn giải ngân.
Nguyễn Hoàng - VnEconomy
Với tỷ trọng khá thấp và không duy trì vị thế ngắn hạn, hẳn anh chị không chịu nhiều thiệt hại trong tuần qua. Anh chị dự kiến có thể tham gia thị trường nhiều hơn ở thời điểm nào?
Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi đã thực hiện bán chốt lời toàn bộ phần danh mục ngắn hạn của mình. Tỷ trọng danh mục tổng của tôi hiện tại là 30% cổ phiếu phục vụ cho mục đích đầu tư trung-dài hạn.
Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Như đã đề cập ở trên, tâm lý bi quan đang hiện diện khá lớn trên thị trường, cùng với việc đang nắm tỷ trọng cổ phiếu khá thấp, thì tôi cho rằng, những phiên thị trường phản ứng tiêu cực thái quá, sẽ là những phiên có thể gia tăng tỷ trọng ở các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh tốt nhưng bị rơi vào trạng thái “quá bán”.
Đối với nhà đầu tư hiện đang nắm cổ phiếu, có thể sử dụng 1 phần margin để trading giảm giá vốn khi xuất hiện các nhịp hồi phục ngắn hạn.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán HSC
Có lẽ tạm thời tôi vẫn giữ tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt là 50%/50% khi tập trung giữ các cổ phiếu chất lượng cao. Tôi có thể cân nhắc mua gom một số cổ phiếu điều chỉnh về mức giá thấp ở những phiên thị trường điều chỉnh.
Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN-Index có ngưỡng hỗ trợ cứng ở 736 điểm tương đương MA20 tuần. Đây sẽ là vùng giải ngân hợp lý cho các nhà đầu tư trung và dài hạn. Các cổ phiếu cần có thời gian để củng cố, tạo mặt bằng giá mới trước khi đón nhận tin tốt hỗ trợ từ phía thị trường.
Việc nâng xếp hạng thị trường cùng với lộ trình thoái vốn của các doanh nghiệp lớn sẽ là động lực giúp thị trường trở nên sôi động hơn trong thời gian tới.
Bà Hồ Huyền - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi vẫn giữ trạng thái đứng ngoài quan sát.
Vneconomy