MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Đồng loạt giảm cổ phiếu

Hoạt động tăng mua mạnh đã được các chuyên gia thực hiện từ trước kỳ nghỉ và lúc này tỷ trọng cổ phiếu đang được giảm xuống...

Việc VN-Index tăng khá mạnh những ngày sau kỳ nghỉ và đạt đến mức kỳ vọng, các chuyên gia mà chúng tôi phỏng vấn đã thực hiện bán ra khá nhiều những ngày qua.

Cụ thể, chỉ còn duy nhất một chuyên gia duy trì tỷ trọng cao 80% cổ phiếu, còn lại đều đã bán ra, giảm tỷ trọng xuống còn 20-30%. Một chuyên gia đã đóng toàn bộ vị thế. Chiến lược giảm tỷ trọng cũng được dự kiến thực hiện trong tuần tới khi thị trường có biến động tăng.

Mặc dù duy trì tiền mặt ở mức cao nhưng các chuyên gia đều không bi quan về thị trường mà chỉ đánh giá nhịp điều chỉnh bình thường có thể diễn ra. Mức điều chỉnh trước mắt có thể về quanh 590 điểm trước khi có những diễn biến mới hơn.

Nguyễn Hoàng

Thị trường đã khởi sắc đáng kể sau kỳ nghỉ lễ và VN-Index cũng đã lên cao nhất 617 điểm trước khi điều chỉnh trở lại hai hôm nay. Từ khi VN-Index vượt 580 điểm, anh chị đã dự kiến được triển vọng tăng trưởng này. Tuy nhiên việc chỉ số đạt đỉnh tháng 11/2015 ở gần 520 điểm đang làm nổi lên quan điểm lo ngại về mô hình tăng giá đã hoàn thành. Anh chị đánh giá thế nào về mặt kỹ thuật diễn biến của chỉ số lúc này? Nếu thị trường rơi vào nhịp điều chỉnh, dự kiến của anh chị thế nào?

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index vẫn đang duy trì xu hướng tăng điểm với vùng đích kỳ vọng nằm tại 625-635 điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là vùng điểm mang tính tham khảo, còn thực tế xu hướng tăng của chỉ số đang diễn ra với sự phân hóa khá rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu. Một số tham chiếu cụ thể đáng chú ý hơn như sau:

Tham chiếu 1: Nhóm cổ phiếu ngân hàng (BID, CTG & MBB) đang có dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng sẽ vượt qua vùng đỉnh tháng 2.

Tham chiếu 2: Giá dầu đã cho phản ứng khá tích cực tại vùng hỗ trợ 42-43 USD/thùng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục hướng đến vùng kháng cự 49-50 USD/thùng. Diễn biến này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhóm dầu khí với tham chiếu GAS có thể lên vùng cản kế tiếp tại 57-58 nghìn/cổ phiếu.

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Nếu xét riêng về mặt kỹ thuật VN-Index, khi chạm vùng đỉnh cũ 616 - 620 khả năng cao có điều chỉnh xảy ra. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến của thị trường trong 2 tuần qua, VN-Index vượt 600 điểm chỉ nhờ vào nhóm ngân hàng thì có thể mốc kháng cự này có thể cũng không có ý nghĩa nhiều lắm.

Có thể VN-Index vẫn cứ tăng nhờ một số mã như thế, trong khi hầu hết tài khoản của nhà đầu tư lại giảm.

Xét trên toàn thị trường, cách đây 2 tuần tôi có chia sẻ quan ngại về hiện tượng phân kỳ giữa VN-Index và hầu hết các mã. Rất hiếm khi VN-Index tăng mà nhóm chứng khoán lại giảm 5.1% như trong tuần qua (Nhà đầu tư tham khảo thêm Index theo nhóm ngành trên bảng giá VNDIRECT).

Kinh nghiệm của tôi khi hiện tượng này xảy ra, thị trường đang rất rủi ro. Tôi cũng đã nhắc về nhịp tăng tương tự vào tháng 9, 10 năm ngoái, sau đó là tháng 11 giảm điểm mạnh. Tôi vẫn giữ khuyến nghị nên thận trọng giai đoạn này.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, tôi vẫn cho rằng VN-Index sẽ không thể vượt qua ngưỡng ngưỡng 615 – 618 điểm trong tuần sau cũng như ngay cả trong tháng này.

Điều này có nghĩa rằng thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh mà thời gian điều chỉnh có thể kéo dài vài tuần và việc duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn cũng như hạn chế giao dịch ngắn hạn là điều cần thiết.

Theo tôi VN-Index trước mắt sẽ điều chỉnh nhịp đầu tiên về quanh ngưỡng 590 - 600 điểm.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tính đến từ mốc 520 điểm đến mức 617 điểm trong phiên thì chỉ số Vnindex đã có mức độ tăng 97 điểm. Do đó chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và hướng về các mức hỗ trợ 590 điểm của chỉ số VN-Index và 79.5 điểm của chỉ số HNX-Index trong tuần giao dịch tới.

Đồng thời, chúng tôi nhận thấy dòng tiền có sự dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu ngân hàng sang nhóm cổ phiếu dầu khí, đặc biệt là dòng tiền của khối ngoại.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Các chỉ báo của thị trường hiện nay nếu là của năm 2015, nhận định của tôi sẽ là cảnh báo rủi ro cao. Tuy nhiên 2016 là một năm thị trường có những đặc điểm rất khác: i) Chỉ báo rủi ro thị trường từ mức độ margin cao đã không còn đúng, ii) Triển vọng giá dầu đã thay đổi căn bản (sau khi đã tạo đáy vào đầu năm nay) theo hướng tích cực hơn, iii) Về cơ bản không có hoạt động bán hoảng loạn khi thị trường điều chỉnh giảm.

Do đó, khi thị trường tiệm cần vùng đỉnh trung và dài hạn 620-630 điểm, rung lắc xảy ra là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu thị trường có điều chỉnh, tôi dự báo mức điều chỉnh cũng sẽ không quá sâu từ những đặc điểm thay đổi như vừa liệt kê trên đây, đặc biệt nếu dòng tiền khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng. Điều quan trọng là nhà đầu tư có chọn lọc được cơ hội cụ thể có tiềm năng mang lại lợi nhuận tốt hay không.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Thị trường đang rất lo ngại mức margin cao trên thị trường. Theo thông tin mà anh chị có được, quy mô đó thực sự ở mức nào, có đáng lo ngại hay không?

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Ở VNDIRECT tôi không có quyền tiếp cận với thông tin này, vì vậy mọi thứ tôi biết về margin cũng chỉ như nhà đầu tư trên thị trường.

Tôi nghĩ nếu nhìn vào số để so sánh với các thời kỳ có thể ở mức báo động, nhưng tính chất thị trường mỗi giai đoạn sẽ khác nhau nên khái niệm cao chỉ là tương đối.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Theo thông tin chúng tôi có được thì 15 công ty chứng khoán cung cấp gần 21.000 tỷ đồng cho vay margin ra thị trường.

Tuy nhiên trong 1 năm qua, nhiều công ty chứng khoán đã tăng vốn và phát hành trái phiếu để bù đắp nguồn vốn từ sau khi Thông tư 36 có hiệu lực. Do đó chúng tôi tin là quy mô margin của thị trường sẽ ngày một lớn đúng quy định và lộ trình.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Tôi cho rằng margin vẫn cao nhưng như đã đề cập ở trên, đặc tính margin năm nay đã khác và chỉ báo margin cao đồng nghĩa rủi ro cao đã không còn đúng trong năm nay nữa.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo thông tin tôi có được và so sánh với dữ liệu quá khứ thì dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán đang ở mức khá cao. Điều này cho thấy tâm lý của một bộ phận nhà đầu tư đang khá lạc quan, tuy nhiên nó lại phản ánh rủi ro trong ngắn hạn khi các dòng tiền “nóng” và không có tính ổn định cao tham gia vào thị trường.

Mặc dù vậy, điều này chỉ mang tính tương đối. Trên thực tế, dư địa nguồn vốn cấp margin còn lại của các công ty vẫn còn khá dồi dào và không loại trừ khả năng nếu có thêm thông tin hỗ trợ, thị trường sẽ tiếp tục có thể thu hút thêm các dòng vốn đến sau và lượng cấp margin của các công ty chứng khoán sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn mức hiện tại cũng như các thời điểm đỉnh cao trong quá khứ.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi không cho rằng mức độ margin cao hiện nay trên thị trường là đáng lo ngại. Điều quan trọng hơn là chính tại thời điểm này mà giao dịch ngắn hạn không còn mang lại lợi nhuận cũng như khoảng trống thông tin trong tháng 5 mới là điều lo ngại hơn.

Theo thông tin tôi biết thì mức độ này không cao và tôi cũng chưa bao giờ chú ý đến điều này bởi lý do tôi chỉ quan tâm đến cổ phiếu nào ? cổ phiếu đó có triển vọng hay không ?

Nguyễn Hoàng

Nhìn vào bức tranh lớn hơn, thị trường chứng khoán thế giới đang có dấu hiệu suy yếu, trong đó có Mỹ và Trung Quốc; giá dầu cũng biến động khó lường ở gần ngưỡng 50 USD/thùng. Theo anh chị điều này có đáng lo ngại không, hay chúng ta sẽ vẫn có một “Tháng Năm khác”?

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Nhìn từ tình hình thế giới cũng như diễn biến vĩ mô của Việt Nam chưa kể đến việc phân tích khối lượng giao dịch và “timing” thị trường tôi cho rằng tháng năm này không phải là ngoại lệ.

Giao dịch trầm lắng, kém sôi động và tâm lý yếu từ phía nhà đầu tư cho thấy hạn chế giao dịch trong tháng 5 là chiến lược giao dịch đúng đắn.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng thị trường sẽ có một tháng Năm tăng điểm. Tuy nhiên, rủi ro từ sự biến động của giá dầu thế giới và thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn sẽ luôn là mối đe dọa đối với diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước.

Đặc biệt là khi các yếu tố ngoại biên này chuyển sang chiều hướng diễn biến không tích cực. Cụ thể, giá dầu thế giới có thể đối mặt với rủi ro điều chỉnh mạnh khi tiếp cận vùng cản 49-50 USD/thùng, trong khi kỳ họp tiếp theo của FED vào tháng 6 sẽ lại gây ra ảnh hưởng đối với các chỉ số chứng khoán Mỹ.

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi cũng đang lo ngại thị trường thế giới có thể sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Cộng với lo ngại trong nội tại mà tôi đã phân tích ở trên, tôi càng thận trọng hơn.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Thật ra các yếu tố rủi ro dài hạn từ Trung Quốc, hoặc thị trường chứng khoán Mỹ tạo đỉnh và đi vào thời kỳ suy giảm vẫn còn đó, tuy nhiên diễn biến từ đầu năm đến nay cho thấy có lẽ còn sớm để quá lo ngại những yếu tố kể trên.

Ngay cả giá dầu, sau khi tạo đáy vào đầu năm, đã phục hồi đáng kể do triển vọng cung-cầu đã tích cực hơn. Theo thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu của Mỹ đã giảm đến 800.000 thùng/ngày so với đỉnh và điều này đã tác động đáng kể đến kỳ vọng của thị trường về triển vọng giá dầu trong thời gian tới.

Do vậy, những lo ngại lớn về thị trường chứng khoán toàn cầu suy giảm có lẽ vẫn chưa đến vào lúc này.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Với những gì đã diễn ra thì thị trường chứng khoán Việt Nam, tháng 5 đã không bi quan như tất cả lo ngại.

Trên diện rộng của bức tranh lớn thị trường chứng khoán thế giới vẫn luôn có những biến động khó nhận định trong ngắn hạn. Chúng tôi cho rằng thận trọng là điều cần thiết lúc này.

Nguyễn Hoàng

Thị trường đã đạt mức tăng trưởng kỳ vọng của anh chị từ trước kỳ nghỉ, anh chị có thay đổi vị thế của mình hay không, mức phân bổ vốn hiện tại như thế nào?

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tuần qua, tôi tiếp tục thực hiện một số hoạt động trading cho phần danh mục ngắn hạn nhưng vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục tổng ở mức 80% cổ phiếu (trong đó phần danh mục trung hạn chiếm 20%).

Tôi dự định sẽ bán giảm tỷ trọng phần danh mục ngắn hạn nếu thị trường xuất hiện những phiên tăng điểm mạnh trong tuần tới.

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Dù nhận định nhóm ngân hàng có thể tích cực, tôi cũng chỉ có VCB như đã chia sẻ 2 tuần trước nghỉ lễ và lỡ sóng tăng của những mã còn lại. Tôi cũng thực hiện bán toàn bộ danh mục trong tuần vừa rồi.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi mạnh dạn giảm tỷ lệ sở hữu cổ phiếu và kiên trì chờ chỉ số điều chỉnh về mốc thấp hơn ở 590 điểm. Mức phân bổ vốn của chúng tôi 20% cổ phiếu 80% tiền mặt.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi đã giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và đã bắt đầu hành trình đi du lịch liên tục trong 1 – 2 tháng. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt hiện tại đang là 30%/70%.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Tôi tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt 70%/30%.

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Trở lên trên