"Xuân vận" căng thẳng ở Trung Quốc
Nếu lệnh phong tỏa áp dụng rộng rãi ở Trung Quốc, tác động lên chuỗi cung ứng có thể được cảm nhận trên toàn nước Mỹ
Một số thành phố của Trung Quốc ban bố cảnh báo bùng dịch Covid-19 ở mức cao trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 17-1 và hàng trăm triệu người dự kiến bước vào đợt "xuân vận" trên cả nước.
Theo hãng tin Reuters, do lo ngại biến thể Omicron mà các thành phố như Lạc Dương ở miền Trung và Yết Dương ở miền Nam hôm 16-1 yêu cầu người dân thông báo cho chính quyền, chủ doanh nghiệp và khách sạn ít nhất 3 ngày trước khi đến.
Những người đến Ngọc Lâm phải điền tờ khai trực tuyến, bao gồm chứng nhận sức khỏe và chi tiết hành trình, ít nhất một ngày trước khi đặt chân đến thành phố. Cuối tuần trước, thủ đô Bắc Kinh và trung tâm công nghệ Thâm Quyến phát hiện một trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng.
Cho đến nay, ít nhất 5 tỉnh và thành phố của Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm Omicron trong cộng đồng trong khi 14 khu vực và tỉnh phát hiện biến thể này trong số du khách nhập cảnh.
Theo Reuters, Trung Quốc vẫn chưa cho thấy có bất kỳ dấu hiệu nào về việc thay đổi chiến lược "Không Covid-19" bất chấp tỉ lệ tiêm chủng cao đến 86,6%.
Cảnh sát mặc đồ bảo hộ kiểm tra thông tin sức khỏe của hành khách tại ga TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc hôm 17-1 Ảnh: REUTERS
Chiến lược này càng được đẩy mạnh trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 vào ngày 4-2. Nhiều chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không rời thành phố nếu không cần thiết trong kỳ nghỉ năm mới trong khi hàng chục chuyến bay quốc tế và trong nước bị hoãn.
Cơ quan Quản lý hàng không Trung Quốc hôm 17-1 cho biết đã đình chỉ 2 chuyến bay từ Mỹ liên quan đến các ca mắc Covid-19, nâng tổng số chuyến bay từ Mỹ bị hủy trong năm nay lên đến 76 chuyến. Theo dữ liệu chính thức hôm 17-1, Trung Quốc ghi nhận 163 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng hôm 16-1, tăng từ 65 ca trong ngày trước đó.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị cho nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng mới khi Trung Quốc, nơi chiếm khoảng 1/3 hoạt động sản xuất toàn cầu, áp đặt các biện pháp đóng cửa toàn diện nhằm ngăn biến thể Omicron.
Ít nhất 20 triệu người, khoảng 1,5% dân số Trung Quốc, đang ở trong tình trạng phong tỏa, chủ yếu ở TP Tây An và tỉnh Hà Nam.
Chính sách không khoan nhượng với Covid-19 của Trung Quốc khiến các nhà sản xuất - vốn đã mất hai năm để đối phó với những vấn đề về chuỗi cung ứng - tiếp tục lo ngại về một đợt ngừng hoạt động khác tại các nhà máy và cảng của Trung Quốc, đặc biệt là khi tình hình khó khăn vì giá nguyên liệu thô và vận chuyển tăng cao vẫn tiếp diễn, cùng với thời gian giao hàng kéo dài và tình trạng thiếu nhân lực.
Theo tờ New York Times, 4 trong số các thành phố cảng lớn nhất của Trung Quốc - gồm Thượng Hải, Đại Liên, Thiên Tân và Thâm Quyến - đã áp đặt phong tỏa phạm vi hẹp để cố kiểm soát các đợt bùng phát nhỏ. Các cảng của những thành phố này cũng đóng cửa hồi tuần trước.
Hãng sản xuất ôtô Volkswagen và Toyota tuần rồi thông báo tạm ngừng hoạt động ở Thiên Tân vì lệnh phong tỏa. Những gián đoạn chuỗi cung ứng trên diện rộng mới có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát toàn cầu, vốn đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua.
Theo nhà kinh tế Katrina Ell của Công ty phân tích Moody’s Analytics (Mỹ), tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài chủ yếu do chính sách "Không Covid-19" của Trung Quốc. Bà Ell cho rằng chiến lược của Trung Quốc sẽ tác động đến lạm phát và việc hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương của các nước trong vài tháng tới.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay từ 4,8% xuống 4,3%, trước khả năng nước này tăng cường hạn chế hoạt động kinh doanh để ngăn sự lây lan của biến thể Omicron.
Người Lao động