MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuân vận 'ỉu xìu' bậc nhất lịch sử Trung Quốc

31-01-2022 - 13:50 PM | Tài chính quốc tế

Xuân vận 'ỉu xìu' bậc nhất lịch sử Trung Quốc

Để giữ chân người lao động ở lại thành phố không về quê, chính quyền nhiều địa phương Trung Quốc đã sử dụng mọi chiêu trò.

Tết Nguyên Đán năm nay đã là năm thứ 2 Trung Quốc phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Tương tự như năm ngoái, Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách khuyến khích ở lại thành phố, điều chưa từng có trong lịch sử "Xuân vận" (Chunyun-khoảng thời gian người dân đổ về quê ăn Tết) trước khi đại dịch diễn ra.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, kỳ Xuân vận năm nay kéo dài từ 17/1 đến 25/2/2022, thế nhưng ở hầu hết các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều vắng người về quê. Chính quyền địa phương cũng đua nhau có những chính sách hay thậm chí ban hành quy định nhằm giữ chân người lao động ở lại thành phố.

Xuân vận 'ỉu xìu'

Nhiều dự báo cho hay số lượng các chuyến tàu, xe khách hay máy bay trong dịp Xuân vận năm nay sẽ giảm khoảng 75,2% so với thời điểm trước dịch. Trong ngày thứ 2 của kỳ Xuân vận năm nay, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cho biết chỉ có khoảng 2,83 triệu chuyến tàu rời bến, giảm 77,2% so với thời điểm trước dịch.

Tương tự, ngành hàng không cũng chỉ ghi nhận 494.000 lượt khách với số chuyến bay giảm 73,2%, ngành đường bộ thì giảm 75,1% so với cùng kỳ, chỉ ghi nhận 13,97 triệu chuyến xe rời bến.

 Xuân vận ỉu xìu bậc nhất lịch sử Trung Quốc  - Ảnh 1.

Những con số trên ghi nhận sự đìu hiu của Xuân vận năm nay khi hàng loạt nhà ga, bến tàu, sân bay vắng bóng khách về quê.

Hãng tin Tân Hoa Xã cho hay tại sân bay Hồng Kiều-Thượng Hải, số lượng khách trong đợt gần Tết khá ít khi chỉ có một số người làm thủ tục. Tại nhà ga tàu cao tốc Lâm Nghi Bắc-Sơn Đông, số hành khách mua vé về quê cũng chẳng nhiều như mọi năm. Ở nhà ga xe lửa Côn Minh-Vân Nam, hình ảnh nhộn nhịp về quê cũng không còn nữa.

Năm nay, chính quyền các địa phương đã siết chặt quy định phòng dịch khi tới nhà ga, bến xe, sân bay như đeo khẩu trang liên tục, sát khuẩn, giữ an toàn khoảng cách. Đồng thời, giới chức y tế địa phương cũng yêu cầu người dân từ vùng khác về quê phải cách ly 14 ngày và tự trả tiền xét nghiệm Covid-19 mới được nhập cảnh.

Bên cạnh đó, Bộ giao thông vận tải Trung Quốc cũng cho biết đã triển khai hàng loạt máy đo ở các tụ điểm giao thông, nhằm kiểm tra thân nhiệt, soát giấy tờ cũng như đảm bảo không để lọt bất cứ hành khách nào.

Chính những quy định chặt chẽ này khiến người dân các thành phố ngại trở về quê, điều vốn hiếm khi xảy ra trong các kỳ Xuân vận.

Trên thực tế ngay từ trước khi Xuân vận diễn ra, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đã ban hành hàng loạt hướng dẫn y tế, khuyến cáo hạn chế đi lại. Đây là lần thứ 2 Trung Quốc khuyến khích người dân dành kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất năm tại nơi đang làm việc hoặc sinh sống để hỗ trợ chống dịch Covid-19.

Đủ mọi chiêu trò

Theo hãng tin Reuters, việc 280 triệu lao động đổ về quê tại Trung Quốc hàng năm để rồi bị mắc kẹt hay cách ly khi trở lại thành phố làm việc đã khiến nhiều địa phương lo lắng. Dù nhà máy bị đình trệ, công nghiệp sụt giảm nhưng họ vẫn phải tuân thủ các quy định phòng dịch với chiến lược "Zero Covid".

Bởi vậy, nhằm tránh kịch bản tương tự diễn ra, chính quyền nhiều địa phương đã thực hiện hàng loạt chính sách, tung đủ mọi "chiêu trò" để giữ chân người dân ở lại thành phố. Rất nhiều thành phố đã tăng cường các chương trình truyền hình trực tuyến, mở rộng các kênh giải trí trên nền tảng trực tuyến miễn phí, khuyến khích doanh nghiệp cung cấp Internet miễn phí. Thậm chí một số nơi như Hàng Châu, Thâm Quyến, Thiên Tân hay Ninh Ba còn lì xì tại chỗ cho những ai ở lại.

Tại Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, tổng cộng 10 triệu Nhân dân tệ tiền mặt, 100.000 vé tham quan, 10.000 vé xem phim và hơn 10.000 gói quà sẽ được phát cho lao động ngoại tỉnh để họ yên tâm ở lại địa phương trong dịp Tết.

Tại thành phố Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy, chính quyền cam kết hỗ trợ cho mỗi lao động ngoại tỉnh 1.000 nhân dân tệ nếu quyết định ở lại.

Bộ thương mại Trung Quốc còn lên kế hoạch cung cấp 20.000-30.000 tấn thịt từ kho dự trữ mỗi tuần để khuyến khích các siêu thị mở cửa, duy trì hoạt động kinh tế, giải trí nhằm giữ chân người lao động cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất vẫn ổn định sau Tết Nguyên Đán.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đề nghị các doanh nghiệp trả thêm tiền lương, phần thưởng hay gia tăng các hoạt động giải trí, tiệc đêm giao thừa cũng như bố trí lịch nghỉ bù để giữ chân người lao động tại thành phố qua dịp Tết.

Một công ty hóa chất ở Chiết Giang tiết lộ cho giới truyền thông rằng 85% công nhân của họ có kế hoạch ở lại thành phố trong năm nay. Các ưu đãi giành cho công nhân ở lại bao gồm mức lương gấp đôi theo giờ và phần thưởng thêm 500 nhân dân tệ nếu làm toàn thời gian trong kỳ nghỉ Tết.

 Xuân vận ỉu xìu bậc nhất lịch sử Trung Quốc  - Ảnh 2.

Tại Hợp Phì, bên cạnh khoản trợ cấp cho lao động ngoại tỉnh không về quê, chính quyền địa phương tìm cách khuyến khích doanh nghiệp giữ chân nhân viên ở lại thành phố bằng cách phát phiếu giảm giá dịch vụ nhà hàng, vé xem phim và gói dữ liệu Internet cho điện thoại di động.

Một số thành phố khác ở Trung Quốc, trong đó có Thiệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang và Vu Hồ thuộc tỉnh An Huy, đang áp dụng chính sách trợ cấp tương tự để khuyến khích người lao động không về quê.

Thậm chí, nhiều địa phương còn gọi điện khuyên người dân không nên về quê ăn Tết nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Tuy vậy, mỗi nơi lại đưa ra quy định phòng dịch riêng biệt, đồng thời có cách đánh giá mức độ dịch bệnh khác nhau. Điều này khiến người dân hoang mang, bối rối. Tại Thành Đô, chính quyền liên tục thay đổi quy tắc chỉ trong vài ngày.

Bất chấp điều đó, chính quyền Bắc Kinh cho biết họ vẫn sẽ siết chặt phòng chống dịch và khuyến khích người dân tiếp tục ăn Tết lần thứ 2 tại "đất khách quê người" thay vì trở về quê.

*Nguồn: SCMP

https://cafebiz.vn/xuan-van-iu-xiu-bac-nhat-lich-su-trung-quoc-20220124105007547.chn

Theo Băng Băng

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên