MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất hiện đối thủ đáng gờm của Elon Musk, "đổ" 10 tỷ đô để phóng 3.236 vệ tinh

16-10-2023 - 16:20 PM | Tài chính quốc tế

Vị trí thống trị LEO của Starlink sắp bị lung lay?

Là một tỷ phú người Mỹ gốc Nam Phi có 11 đứa con, Elon Musk sở hữu một trong những nền tảng truyền thông xã hội có ảnh hưởng nhất thế giới (mạng X, trước đây là Twitter) và thống trị hơn một nửa thị trường ô tô điện của Mỹ.

Elon Musk thường xuyên được vinh danh là một trong những người có ảnh hưởng nhất thế giới. Vậy tiếp theo ông ấy sẽ làm gì?

Với Elon Musk, câu trả lời là: Nỗ lực thống trị không gian.

Chòm sao vệ tinh của Elon Musk & Jeff Bezos

Cho đến nay nỗ lực đang diễn ra rất thuận lợi. SpaceX - công ty mà Elon Musk thành lập năm 2002, đã phóng hơn 4.500 vệ tinh Starlink trong 5 năm qua, chiếm hơn 50% tổng số vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO).

Những vệ tinh này cùng nhau có thể cung cấp khả năng truy cập Internet đến hầu hết mọi ngóc ngách trên thế giới, giúp Elon Musk tiếp cận thông tin liên lạc toàn cầu và hơn thế nữa.

Nhưng sức ảnh hưởng chưa từng có này sắp có một đối thủ - một tỷ phú khác của Trái đất.

Jeff Bezos, người sáng lập Amazon và là người giàu thứ ba thế giới (Elon Musk là người giàu nhất - nguồn Forbes, 2023), đang đưa ra nỗ lực của riêng mình nhằm phóng hơn 3.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO).

Cặp vệ tinh đầu tiên của ông đã đi vào quỹ đạo cách đây hơn một tuần.

Đối thủ của Starlink xuất hiện: 1 tỷ phú đổ 10 tỷ USD để phóng 3.236 vệ tinh - Ảnh 1.

Top 3 tỷ phú giàu nhất hành tinh, trong đó, Elon Musk đứng đầu. Người xếp thứ ba là Jeff Bezos. Nguồn: Forbes.

Nếu Elon Musk có Starlink thì Jeff Bezos có Project Kuiper.

Dự án Kuiper là chùm vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp (LEO) được thiết kế để cung cấp Internet vệ tinh băng thông rộng. Giống như Starlink, chòm sao sẽ bao gồm hàng nghìn vệ tinh nhỏ di chuyển quanh Trái đất theo quỹ đạo thấp.

Dự án Kuiper được điều hành bởi Kuiper Systems, một công ty con của Amazon được thành lập vào năm 2019.

Amazon đã tuyên bố rằng một trong những mục tiêu của họ là giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số ở Mỹ, đặc biệt là giữa các sinh viên.

CNBC cho biết, Amazon đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Dự án Kuiper , dự án mà họ cho rằng sẽ có thể cung cấp Internet đáng tin cậy và giá cả phải chăng cho những người ở Mỹ không có khả năng truy cập Internet tại nhà một cách đáng tin cậy.

Ai hơn ai?

The Guardian nhận định, không gian gần Trái đất có thể bị thống trị bởi hai người đàn ông cực kỳ giàu có: Elon Musk và Jeff Bezos.

Victoria Samson, Giám đốc văn phòng Washington của Secure World Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào sự bền vững của không gian, cho biết ảnh hưởng của Elon Musk dường như ngày càng tăng lên, với việc SpaceX hiện phóng vệ tinh mới mỗi tuần.

Công ty có hơn 1,5 triệu người dùng trên toàn thế giới vừa yêu cầu phê duyệt và cấp phép phóng cho tổng cộng 42.000 vệ tinh vào quỹ đạo – những con số khiến việc phóng hai vệ tinh gần đây (là Kuipersat-1 và Kuipersat-2) của Amazon trông khá... khác thường.

Dự án Kuiper của Jeff Bezos chỉ vừa bước vào giai đoạn thử nghiệm quỹ đạo.

Nỗ lực của tỷ phú Bezos - một người đam mê không gian, người đã bay lên quỹ đạo Trái đất thấp (LEO) vào năm 2021 - là một quá trình lâu dài và đầy sai sót.

Dự án Kuiper (Project Kuiper) của Amazon ban đầu dự định phóng vệ tinh vào năm 2022, nhưng tên lửa mang Kuipersat-1 và Kuipersat-2 đã thất bại khi phóng.

Công ty Blue Origin của Jeff Bezos, công ty sản xuất tên lửa, bao gồm cả tên lửa đưa ông vào vũ trụ, vốn được mong chờ là phóng vệ tinh Kuiper lên quỹ đạo, nhưng công ty vẫn chưa phóng thành công bất cứ thứ gì vào LEO.

Theo New York Times, tên lửa New Glenn của Blue Origin, được thiết kế để mang tải trọng giống vệ tinh Kuiper vào không gian, đã chậm tiến độ 3 năm so với kế hoạch.

Thay vào đó, vụ phóng cặp nguyên mẫu vệ tinh đầu tiên (Kuipersat-1 và Kuipersat-2) vào ngày 6/10 đã được tên lửa Atlas V của United Launch Alliance phóng vào quỹ đạo, từ Căn cứ Lực lượng Không gian Cape Canaveral của Florida, Mỹ.

Đối thủ của Starlink xuất hiện: 1 tỷ phú đổ 10 tỷ USD để phóng 3.236 vệ tinh - Ảnh 2.

Tên lửa Atlas V của United Launch Alliance phóng hai vệ tinh internet đầu tiên cho chòm vệ tinh Project Kuiper của Amazon vào ngày 6 tháng 10 năm 2023. Ảnh: ULA

Bất chấp những khó khăn này, Jeff Bezos có kế hoạch phóng tổng 3.236 vệ tinh vào năm 2029 , nhưng Amazon đang bước vào cuộc đua vệ tinh vũ trụ với khoảng cách rất lớn giữa họ với SpaceX.

Amazon bắt đầu nghiên cứu và phát triển Dự án Kuiper vào năm 2018 và nhận được giấy phép triển khai và vận hành từ Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ vào năm 2020.

Giấy phép đó đã "bật đèn xanh" cho một chùm vệ tinh ban đầu gồm 3.236 vệ tinh, quy định rằng Amazon phải vận hành ít nhất một nửa trong số đó trước tháng 7 năm 2026.

Victoria Samson nói: SpaceX có lợi thế là người đi đầu. Chưa hết, các công ty/thực thể khác cũng đang cố gắng bắt kịp, không chỉ Amazon.

Eutelsat OneWeb có 634 vệ tinh ở quỹ đạo Trái đất thấp hơn – một khoảng cách lý tưởng tính từ Trái đất nơi các vệ tinh Starlink của SpaceX cũng hoạt động.

Đối thủ của Starlink xuất hiện: 1 tỷ phú đổ 10 tỷ USD để phóng 3.236 vệ tinh - Ảnh 3.

Trong cuộc đua phóng vệ tinh lên Quỹ đạo Trái đất tầm thấp, SpaceX đã đi trước một bước so với Amazon. Ảnh: Highspeedinternet

Đầu năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch phóng 170 vệ tinh lên quỹ đạo từ năm 2025 đến năm 2027.

Về mức độ ảnh hưởng của SpaceX và các công ty hoặc cá nhân tư nhân khác, Victoria Samson cho biết có một số quy định mà nhiều bên phải thực hiện.

Hiệp ước Ngoài Không gian, một bộ luật do Liên Hợp Quốc lãnh đạo năm 1967 đã được tất cả các quốc gia du hành vũ trụ lớn ký kết, cho rằng các quốc gia phải chịu trách nhiệm về những gì các công ty đưa vào vũ trụ từ biên giới của họ - và nên tiếp tục giám sát các vệ tinh và dự án đó.

Điều này có nghĩa là các tổ chức như SpaceX của Elon Musk cần có sự cho phép của chính phủ để phóng vệ tinh.

"Elon không thể có 53% tổng số vệ tinh ngoài kia đang hoạt động nếu không có chính phủ Mỹ cho phép làm điều đó" - Moriba Jah, Phó giáo sư về kỹ thuật hàng không vũ trụ và cơ khí kỹ thuật tại Đại học Texas, Mỹ cho biết.

Vấn đề không chỉ là các vệ tinh đang hoạt động. Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), có hơn 30.000 mảnh rác vũ trụ có kích thước lớn hơn 10 cm đang quay quanh Trái đất – hơn một nửa nằm ở quỹ đạo không gian thấp hơn mà các công ty và chính phủ đang chạy đua chiếm giữ.

Phó giáo sư Moriba Jah cho biết các đồng nghiệp của ông tại NASA đã báo cáo rằng một số thí nghiệm khoa học đang trở nên khó khăn do số lượng mảnh vỡ ngoài không gian va chạm vào – điển hình là các mảnh tên lửa, hoặc các vệ tinh bị bỏ rơi.

Chúng ta ngày càng thấy nhiều thân tên lửa và những thứ tương tự bay tới bề mặt Trái đất. Và theo thống kê những thứ này sẽ đổ bộ vào đất liền, nơi có con người sinh sống. Điều này rất nghiêm trọng.

Khi Elon Musk, Jeff Bezos và các đối thủ của họ tăng cường nỗ lực lấp đầy không gian, những mối nguy hiểm tiềm tàng sẽ lớn theo.

Nguồn: The Guardian, Forbes, Space.com, Highspeedinternet


Theo Trang Ly

Báo Giao thông

Trở lên trên