MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất hiện lo ngại về dòng chảy thương mại quốc tế ảnh hưởng đến công ty Việt Nam

Vẫn duy trì vị trí đứng đầu ASEAN về chỉ số PMI, tuy nhiên, mức độ lạc quan của các nhà sản xuất Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất tính từ 4/2012 đến nay.

Dữ liệu về chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của Nikkei công bố chiều 4/9 cho thấy ngành sản xuất ASEAN đã lấy lại đà tăng trưởng vào thời điểm giữa quý 3. Các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện với tốc độ nhanh hơn một chút so với tháng trước đó, Nikkei nhận định.

Cụ thể, chỉ số PMI ASEAN đã tăng từ 50,4 điểm trong tháng 7 lên 51 điểm trong tháng 8. Điều này nghĩa là sức khoẻ trong lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện nhẹ. Số lượng đặt hàng mới và sản lượng đều tăng nhanh hơn, kéo theo việc làm và mức độ lạc quan của doanh nghiệp tiếp tục tăng.

Dù vậy, Nikkei cho rằng sự cải thiện tổng thể các điều kiện sản xuất không diễn ra rộng khắp như trong tháng trước. 4/7 quốc gia được khảo sát cho thấy các điều kiện sản xuất cải thiện trong tháng 8 giảm so với tháng 7.

Việt Nam được Nikkei ghi nhận 53,7 điểm, tuy giảm so tháng 7 là 1,2 điểm và 2 điểm so với tháng 6 nhưng vẫn đứng đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN tháng 8. Vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Philippines và Indonesia với 51,9 điểm, Malaysia với 51,2 điểm.

Xuất hiện lo ngại về dòng chảy thương mại quốc tế bắt đầu ảnh hưởng đến công ty Việt Nam - Ảnh 1.

Lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tháng là nhờ vào lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy sản lượng và số việc làm đang tăng chậm so với tháng 7, khiến tốc độ chung chững lại. Về khía cạnh giá cả, chi phí đầu vào và giá cả đầu ra được ghi nhận là đều tăng chậm hơn trước.

Xuất hiện lo ngại về dòng chảy thương mại quốc tế bắt đầu ảnh hưởng đến công ty Việt Nam - Ảnh 2.

Mức độ lạc quan của các nhà sản xuất Việt Nam, theo Nikkei đã giảm mạnh và đạt được mức thấp nhất trong lịch sử khảo sát từ tháng 4/2012 tính đến thời điểm này.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, ông Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát nhận định dù dù tăng trưởng sản lượng đã chậm lại trong tháng 8, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam thời điểm hiện tại có vẻ như có một cơ sở vững vàng nhờ khả năng tiếp tục duy trì số lượng đơn đặt hàng mới.

Tuy nhiên, với mức độ lạc quan trong kinh doanh đã giảm thành mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát vào đầu năm 2012, ông Andrew nhận định đang có những quan ngại về dòng chảy thương mại quốc tế.

"Điều này có thể bắt đầu ảnh hưởng đến các công ty Việt Nam trong những tháng tới", ông nói.


N.Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên