Xuất khẩu cà phê mang về hơn 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2019
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 777,7 nghìn tấn, trị giá 1,33 tỷ USD, giảm 11,8% về lượng và giảm 22% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2018.
- 31-05-2019Xuất khẩu cà phê sụt giảm cả về lượng và kim ngạch
- 23-05-2019Truy xuất nguồn gốc cà phê qua mã số vùng trồng
- 21-05-2019Hạn hán kéo dài, sản lượng cà phê có thể giảm mạnh trong thời gian tới
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, những ngày đầu tháng 6/2019, giá cà phê trong nước giảm theo xu hướng giá thế giới. So với ngày 31/5/2019, giá cà phê Robusta nhân xô trong nước giảm từ 0,9 – 5,2%, nhưng tăng từ 2,0 – 7,1% so với ngày 11/5/2019.
Cụ thể, ngày 11/6/2019, giá cà phê nhân xô đứng ở mức thấp nhất là 31.200 đ/kg tại huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng; mức cao nhất là 33.200 đ/kg tại các huyện Cư M’gar và Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk. Tại các kho quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta loại R1 giảm 1,2% so với ngày 31/5/2019, giao dịch ở mức 34.100 đ/kg, nhưng tăng 5,6% so với ngày 11/5/2019
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 5/2019 đạt 146,2 nghìn tấn, trị giá 238,22 triệu USD, tăng 2,0% về lượng, nhưng giảm 2,1% về trị giá so với tháng 4/2019, so với tháng 5/2018 giảm 2,4% về lượng và giảm 19% về trị giá. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 777,7 nghìn tấn, trị giá 1,33 tỷ USD, giảm 11,8% về lượng và giảm 22% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2018.
Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê tháng 5/2019 đạt mức 1.629 USD/tấn, giảm 4,1% so với tháng 4/2019 và giảm 17,1% so với tháng 5/2018. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.710 USD/tấn, giảm 11,5% so với 5 tháng đầu năm 2018.
Về thị trường, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Đức trong tháng 5/2019 tăng mạnh về lượng so với cùng kỳ năm trước, đạt 24,6 nghìn tấn, trị giá 36,23 triệu USD, tăng 36,4% về lượng và tăng 8,7% về trị giá so với tháng 5/2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê sang Đức giảm 3,3% về lượng và giảm 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 110,7 nghìn tấn, trị giá 175,64 triệu USD.
Tháng 5/2019, xuất khẩu cà phê sang Mỹ tương đương về lượng, nhưng giảm 24,6% về trị giá so với tháng 5/2018, đạt 13,2 nghìn tấn, trị giá 20,34 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê sang Mỹ đạt 79 nghìn tấn, trị giá 130,63 triệu USD, giảm 12% về lượng và giảm 25,1% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2018.
Ý là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 trong tháng 5/2019, đạt 12,3 nghìn tấn, trị giá 19 triệu USD, giảm 5,1% về lượng và giảm 20% về trị giá so với tháng 5/2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê sang Ý đạt 68,9 nghìn tấn, trị giá 112,8 triệu USD, tăng 9,7% về lượng, nhưng giảm 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê toàn cầu phục hồi từ cuối tháng 5/2019 và tương đối ổn định trong đầu tháng 6/2019 do thu hoạch cà phê của Brazil giảm. Mưa lớn ở hầu hết các khu vực sản xuất cà phê của Brazil khiến hoạt động thu hoạch chậm lại. Tuy nhiên, dự báo khoảng giữa tháng 6/2019, thời tiết sẽ khô ráo, cho phép các nhà máy sản xuất cà phê tiếp tục hoạt động thu hoạch trong điều kiện thuận lợi.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức thấp do áp lực dư cung. Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê thế giới tháng 4/2019 đạt gần 10,8 triệu bao, tăng 4,6% so với tháng 4/2018. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica của Brazil tăng 17,7%, lên 3,14 triệu bao; xuất khẩu cà phê Arabica của Colombia cũng tăng 2,1% so với tháng 4/2018, lên 1,1 triệu bao; xuất khẩu cà phê robusta của Colombia tăng 0,5%, lên 3,9 triệu bao. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Arabica của một số nước khác giảm 1,6%, xuống 2,6 triệu bao. Tính chung 7 tháng đầu niên vụ 2018/19, tổng lượng cà phê xuất khẩu toàn thế giới tăng 18,5% so với cùng kì niên vụ 2017/18, lên gần 70,9 triệu bao. Trong giai đoạn từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019, xuất khẩu cà phê Arabica của Colombia và Brazil tăng 8% và 18,5%, lên lần lượt 9 triệu bao và 24,86 triệu bao.
Nhịp sống kinh tế