MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu cá tra tiếp tục trầm lắng, giai đoạn xấu nhất trong lịch sử của nghề nuôi cá tra

19-02-2021 - 09:55 AM | Thị trường

Nhà máy chế biến cá tra của Công ty IDI Lấp Vò, Đồng Tháp - Ảnh Nguyễn Huyền

Nhà máy chế biến cá tra của Công ty IDI Lấp Vò, Đồng Tháp - Ảnh Nguyễn Huyền

Xuất khẩu cá tra tháng 1/2021 ước đạt 11,559 triệu USD, giảm 16,4% so với tháng 1/2020. Top 3 thị trường chính gồm Mỹ, khối thị trường CPTPP và Trung Quốc. Duy chỉ có thị trường Mỹ tăng nhẹ, 2 thị trường còn lại đều giảm.

Cụ thể, thị trường Mỹ ước đạt 23,784 triệu USD, tăng 3,9%; khối thị trường CPTPP ước đạt 21,547 triệu USD, giảm 11,9% và Trung Quốc đạt 15,269 triệu USD, giảm 43,3% so với tháng 1/2020.

Giai đoạn này xấu nhất trong lịch sử 40 năm nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL

Cuối năm 1980, cá tra, basa Việt Nam được một thương nhân chú ý và giới thiệu với đối tác nước ngoài. Kể từ đó, cá tra và cá basa đã từ ao làng vươn ra thị trường thế giới.

Năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt kỷ lục 2,3 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2017.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 12,86% so với 2018, và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất với tổng giá trị đạt 622,517 triệu USD, tăng 28,8%, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu.

Năm 2020, xuất khẩu cá tra đạt 1,49 tỷ USD, giảm 25,5% so với năm 2019. Giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường lớn như: Trung Quốc đạt 514,87 triệu USD, chiếm tỷ lệ 34,5%, giảm 22,3% so với năm 2019. Thị trường Mỹ đạt 246,30 triệu USD, chiếm tỷ lệ giá trị 16,5%, giảm 14,4% so với 2019; ASEAN đạt 134,25 triệu USD, chiếm tỷ lệ giá trị 9%, giảm 31,3% so với 2019 và thị trường EU đạt 137,77 triệu USD, giảm 31,1% so với 2019.

Qua năm nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lạc quan dự báo trong năm 2021 xuất khẩu cá tra phục hồi và tăng 5% đạt 1,6 tỷ USD.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Chủ trang trại nuôi cá tra ở Thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngày mùng 6 Tết công ty Biển Đông khai trương nên cho nhân viên tới coi một số ao và cho giá 21.000 đ/kg, nhưng tiền trả sau 1 tháng và thanh toán từng đợt.

"Lâu nay Biển Đông là công ty bán thức ăn nuôi cá cho bên tôi nên họ mua hỗ trợ, còn thị trường bên ngoài vẫn chưa có giá. Vĩnh Hoàn là công ty quyết định giá thị trường nhưng họ chưa mua lại nên chưa biết giá cả như thế nào. Năm 2019, dù không có dịch bệnh nhưng giá cá trên thị trường sụt giảm mạnh khiến người nuôi khó khăn, qua năm 2020 bị dịch Covid-19 nên khó chồng khó.

Suốt 2 năm liền người nuôi cá gặp nhiều khó khăn nên không còn vốn để nuôi tiếp, có người kéo dài thời gian nuôi bằng cách không cho cá ăn, cũng có người cho ăn cầm cự và số người không nuôi cũng nhiều. Trang trại nuôi cá của tôi 45 ha nhưng chỉ nuôi khoảng 30 ha. Hiện giờ diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL giảm khoảng 30%", bà Thoa cho hay.

Trung Quốc là thị trường điểm của cá tra Việt Nam, nếu tính theo xuất khẩu chính ngạch thị trường này chiếm khoảng 50% tổng khối lượng cá tra xuất khẩu, cộng 10% xuất tiểu ngạch thì thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 60% sản lượng cá tra của Việt Nam. Nhưng từ năm ngoái dịch Covid-19 bùng phát họ đã giảm nhập khẩu khiến người nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn.

Chờ qua giữa năm mới biết tình hình có ổn lại hay không?

Suốt thời gian qua các nhà máy chế biến chỉ sản xuất cầm chừng, người nuôi thì không mấy người còn tiền để tiếp tục đầu tư. Trong khi đó công ty Vĩnh Hoàn thông báo bắt đầu từ hôm nay giá thức ăn tăng lên 11.600 đ/kg.

Theo bà Thoa, người nuôi đang rất khó khăn, giá thức ăn lại tăng nên lỗ nhiều hơn. Hiện giá thành 1kg cá đạt chuẩn xuất khẩu khoảng 21.000 đ/kg, vào mùa đông thời tiết khắc nghiệt cá bệnh nhiều, hao hụt nhiều nên giá thành đội cao, nhà máy mua 21.000 đ/kg thì người nuôi bị lỗ. Hiện nay dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, phải chờ qua Covid-19 mới hy vọng phát triển lại được.

"Nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL có lịch sử hơn 40 thì tôi sống với nghề hết 27 năm, tôi nhận thấy 2 năm qua tình hình rất tệ hại có thể nói đây là giai đoạn xấu nhất của nghề nuôi cá tra. Qua năm 2021 vẫn chưa thấy dấu hiệu khởi sắc, phải chờ qua giữa năm mới biết tình hình có ổn lại hay không?", bà Thoa chia sẻ.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020 tổng diện tích thả nuôi cá tra của ĐBSCL ước đạt 5.700 ha, tổng sản lượng thu hoạch ước đạt 1,56 triệu tấn, tăng 6,9% so với năm 2019. Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long là 5 tỉnh trọng điểm có diện tích và sản lượng cá tra lớn nhất cả nước.

Năm 2020, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL rơi xuống mức thấp do Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu. Các thị trường chính đều gặp khó khăn, lượng hàng tồn kho cao. Từ mức 26.500 đồng/kg (mức cao nhất trong năm 2019, vào tháng 3/2019) đã rơi xuống mức 18.500 - 18.800 đồng/kg (tháng 6/2020) và tiếp tục rơi xuống mức 18.000 đồng/kg (tháng 7/2020).

Mãi cho tới tháng 10/2020, thị trường phục hồi, xuất khẩu sang một số thị trường khả quan hơn thì giá cá tra nguyên liệu mới bắt đầu tăng lên 19.500 đồng/kg và lên mức 21.000 - 21.500 đồng/kg (tháng 12/2020). Mức này tương đương so với cùng kỳ năm 2019 và ổn định cho tới nay.

Tại Hội nghị về Triển vọng Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu, Rabobank đưa ra dự báo về sản lượng nuôi cá tra thế giới trong năm 2021. Trong đó, dự báo sản lượng cá tra nuôi của Việt Nam chiếm khoảng 40% tổng lượng cá tra toàn cầu, đạt khoảng hơn 1,2 triệu tấn. Tuy nhiên, theo nhận định của VASEP, năm 2021, nếu Covid-19 được kiểm soát tốt trên thế giới, hoạt động thương mại bình thường trở lại thì sản lượng nuôi của Việt Nam sẽ đạt ít nhất 1,65 triệu tấn.

Theo Nguyễn Huyền

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên