Xuất khẩu dệt may giảm tháng thứ 2 liên tiếp
Do anh hưởng của dịch COVID-19 tại các địa phương kinh tế trọng điểm phía Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may tiếp tục bị sụt giảm trong tháng 9.
- 28-10-2021Co-founder Homebase: 'Giá nhà so với thu nhập trung bình của người Việt còn cao hơn cả những nơi đắt đỏ trên thế giới'
- 28-10-2021Hàng trăm tỷ USD có nguy cơ 'mắc kẹt' tại các dự án khí đốt mới
- 28-10-2021Báo Nhật nói gì khi VinFast dần bước vào thị trường phương Tây, cạnh tranh với các 'ông lớn' Tesla, Volkswagen?
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 9 vừa qua đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm hơn 14% (tương ứng giảm 377 triệu USD) so với tháng trước và giảm 855 triệu USD so với tháng 7/2021. Đây là hệ quả từ ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại các địa phương trọng điểm phía Nam, địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp dệt may của cả nước.
Như vậy, tháng 9 là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu hàng dệt may bị sụt giảm. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng này cũng đạt thấp thứ hai kể từ đầu năm đến nay, sau tháng 2, thời điểm có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Hết tháng 9, xuất khẩu hàng dệt may đạt 23,41 tỷ USD, tăng 5,6%, tương đương tăng gần 1,23 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của dệt may là Mỹ, EU, Nhật Bản… Trong đó, thị trường Mỹ đạt 11,62 tỷ USD, tăng 11,1%; thị trường EU đạt 2,75 tỷ USD, tăng 2,4%; thị trường Nhật Bản đạt 2,28 tỷ USD, giảm 11,6%.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, các mặt hàng chủ lực trong ngành đều tăng trưởng đáng ghi nhận so với cùng kỳ năm 2020 như: hàng may mặc đạt tăng 5%; vải tăng 37,4%; xơ sợi tăng 56,2%; vải không dệt tăng 77,3%; phụ liệu dệt may tăng 21,8%...
Tuy nhiên, ngành hàng dệt may hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 9, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt, may, da, giày (bao gồm bông các loại; vải các loại; xơ sợi dệt các loại và nguyên phụ liệu dệt may da giày) lên tới 19,6 tỷ USD, tăng 26,9%, tương ứng tăng 4,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng 52%, với 10,1 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc với 1,86 tỷ USD, tăng 13%; Đài Loan với 1,83 tỷ USD, tăng 26%; Mỹ với 1,4 tỷ USD, giảm 3,3%.
Đáng chú ý, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày có xuất xứ từ Brazil đạt 617 triệu USD, tăng tới 59% so với cùng kỳ năm trước.
VTV.VN