MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu dệt may khó đạt mục tiêu 30 tỉ USD

Đó là nhận định của lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại buổi họp báo về tình hình của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm do Hiệp hội Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 18-7.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK của ngành dệt may đạt trên 12,6 tỉ USD, đạt 41% kế hoạch năm, tăng gần 5% so với cùng kì năm 2015.

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như trên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, kết quả đạt được không được như kì vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do các yếu tố khách hàng như giá cả hàng hóa trên thế giới giảm cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước trong bối cảnh thế giới còn khó khăn.

Ngoài ra, đại diện Vitas cũng cho rằng, trong 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn tại các thị trường xuất khẩu, bên cạnh đó, chi phí lao động không ngừng tăng cao và nhiều bất cập từ chính sách cũng gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Theo Vitas, để thúc đẩy xuất khẩu tốt, các DN cần có môi trường phát triển minh bạch, dài hạn. Các khó khăn nội tại được tháo gỡ thì doanh nghiệp mới có đủ năng lực để đầu tư, tái mở rộng sản xuất từ đó nâng cao năng lực xuất khẩu. Trong 6 tháng qua, Vitas đã gửi rất nhiều kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến việc tăng lương tối thiểu, kiểm tra chuyên ngành...

“Cùng với đó, các doanh nghiệp dệt may cũng đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực và trình độ quản trị, với đa số các doanh nghiệp làm gia công như hiện nay khả năng tận dụng lợi thế từ TPP khi hiệp định này có hiệu lực là rất hạn chế” đại diện Vitas cho biết.

Từ những khó khăn nêu trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, dù rất nỗ lực nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay cũng chỉ có khả năng đạt khoảng 29 tỉ USD thay vì 30 tỉ USD như mục tiêu đã đề ra.

Theo Nguyễn Huế

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên