Xuất khẩu nhiên liệu của Nga tăng vọt trong tháng 11
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đang hồi phục và tăng vọt trong tháng 11 sau khi nới lỏng các hạn chế và kết thúc các hoạt động bảo trì nhà máy lọc dầu.
- 06-12-2023Tại sao nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+ không thể ngăn giá dầu lao dốc?
- 03-12-2023Doanh nghiệp kiến nghị không xuất hóa đơn mỗi lần bơm xăng dầu dưới 200.000 đồng
- 02-12-2023Cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán trong tháng 12
Theo dữ liệu của Bloomberg, xuất khẩu nhiên liệu Nga đã đạt mức 2,2 triệu thùng/ngày trong tháng 11, tăng khoảng 164.000 thùng/ngày so với tháng 10 - thời điểm nguồn cung dầu của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Trong tháng 11, xuất khẩu dầu diesel và dầu gasoil cũng tăng 12%, đạt mức cao nhất trong 3 tháng là 894.000 thùng/ngày. Xu hướng này diễn ra sau khi Moskva quyết định nới lỏng các hạn chế xuất khẩu nhiên liệu. Theo Vortexa , phần lớn nguồn dầu xuất khẩu của Nga được chuyển đến Châu Phi và Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil.
Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển trung bình trong 4 tuần của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, tính đến ngày 3/12, do ảnh hưởng từ các cơn bão ở biển Đen làm gián đoạn các chuyến hàng. Dù vậy, nhìn chung, tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ đã tăng trong tháng 11 do nguồn cung dầu diesel và xăng tăng.
Tỷ lệ xuất khẩu nhiên liệu dầu nói chung trong tháng 11 tăng khoảng 4% lên 727.000 thùng/ngày, trong đó, tỷ lệ xuất khẩu các loại nhiên liệu lọc dầu như dầu khí chân không đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng với khoảng 149.000 thùng/ngày.
Các nhà phân tích dự báo xuất khẩu dầu diesel của Nga từ các cảng biển Đen và biển Baltic trong tháng 12 sẽ tiếp tục tăng và dự kiến sẽ đạt khối lượng cao nhất kể từ tháng 7.
Trước đó, vào cuối tháng 11, ông Vladimir Furgalsky, quan chức Bộ Năng lượng Nga cập nhật tình hình xuất khẩu và giá bán các sản phẩm dầu của Nga. Theo vị này, Nga bán hầu hết sản lượng dầu với giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng do phương Tây áp đặt.
“Ngay cả những quốc gia không thân thiện cũng phải nói rằng cái gọi là mức giá trần với dầu Nga đã không có tác dụng. Hơn 99% lượng dầu được giao dịch cao hơn mức trần 60 USD/thùng" , ông Vladimir Furgalsky, thông tin trong một cuộc thảo luận bàn tròn tại Thượng viện Nga.
Được biết, vào tháng 12/2022, Liên minh châu Âu, các nước G7 và Australia ra quyết định áp mức trần với giá dầu Nga nhằm hạn chế nguồn lực tài chính của Moskva. Biện pháp này cấm các công ty cung cấp dịch vụ hàng hải như bảo hiểm, tài chính và vận chuyển cho nguồn dầu Nga được bán với giá trên 60 USD/thùng.
VTC