Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019: Chăn nuôi và cao su là điểm sáng
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 12 năm 2019 ước đạt 65 triệu USD...
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tổng kim ngạch 41,3 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản của năm 2019, thì giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,5 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 12 năm 2019 ước đạt 65 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cả năm 2019 lên 710 triệu USD, tăng 10,6% so với năm 2018. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trở thành điểm sáng nhất trong xuất khẩu nông sản.
Xuất khẩu gạo chứng kiến sự sụt giảm sâu trong năm 2019 vừa qua. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2019 đạt 474 nghìn tấn với giá trị đạt 214 triệu USD. Tổng kết cả năm 2019, nước ta xuất khẩu 6,34 triệu tấn gạo, đem về 2,79 tỷ USD, tăng 3,9% về khối lượng nhưng giảm 9,7% về giá trị so với năm 2018.
Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm vừa qua với 31,5% thị phần, đạt hơn 2,15 triệu tấn và gần 900 triệu USD, cao gấp 2,55 lần về khối lượng và gấp 2,34 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Ở mặt hàng rau, tháng 12/2019 đã thu về 320 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Tổng giá trị xuất khẩu rau quả năm 2019 đạt 3,74 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2019 với 65,7% thị phần.
Xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 2,5 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm 4% thị phần và tăng 9,2%; Hàn Quốc chiếm 3,5%, tăng 14,2%; Nhật Bản chiếm 3,3%, tăng 14,4%; Hà Lan chiếm 2,2%, tăng 34,8%... so vớí năm 2018.
Xuất khẩu cà phê tháng 12/2019 ước đạt 126 nghìn tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê năm 2019 ước đạt 1,59 triệu tấn và 2,75 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so với năm 2018. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 12,9% và 8,7%.
Ngoại trừ thị trường Philippines có giá trị xuất khẩu cà phê tăng (9,4%), hầu hết các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình năm 2019 đạt 1.724 USD/tấn, giảm 8,9% so với năm 2018.
Trong năm 2019, giá cà phê trong nước biến động giảm 2.200 – 2.300 đồng/kg so với cuối năm 2018. Giá cà phê giảm do thị trường chịu áp lực từ dư thừa nguồn cung toàn cầu và người trồng cà phê Brazil tăng cường bán ra.
Dự báo, trong ngắn hạn, giá cà phê Robusta khó có khả năng tăng do phần lớn người trồng cà phê Việt Nam sẽ hoàn tất thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Trong khi, nhu cầu tiền mặt tăng cao trong dịp này góp phần gia tăng áp lực bán hàng ở vùng giá thấp hiện hành. Bên cạnh đó, sản lượng Robusta toàn cầu tăng cao so với vụ trước gây áp lực lên giá Robusta.
Đối với mặt hàng hồ tiêu, tháng 12/2019 xuất khẩu 17 nghìn tấn, thu về 41 triệu USD. Lũy kế cả năm 2019, xuất khẩu hồ tiêu đạt 284 nghìn tấn và 715 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với năm 2018. Năm 2019, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân ước đạt 2.516 USD/tấn, giảm 23,6% so với năm 2018.
Trong tháng 12/2019, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu 43 nghìn tấn với giá trị 300 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều năm 2019 ước đạt 457 nghìn tấn và 3,29 tỷ USD, tăng 22,4% về khối lượng nhưng giảm 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trong nhóm các ngành hàng nông sản, ngoài sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu, thì cao su cũng đạt được tăng trưởng dương. Khối lượng xuất khẩu cao su tháng 12/2019 đạt 181 nghìn tấn với giá trị đạt 238 triệu USD, đưa xuất khẩu cả năm 2019 đạt 1,68 triệu tấn và 2,26 tỷ USD, tăng 7,7% về khối lượng và tăng 8,3% về giá trị so với năm 2018.
Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 66,5%, 8,3% và 3%.
Vneconomy