Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ tăng vọt
Ngành sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu nuôi đang chờ bùng nổ doanh số xuất khẩu vào Trung Quốc
- 10-08-2024Bộ Công an: Nổi lên hiện tượng khai thác, xuất khẩu trái phép khoáng sản quý hiếm
- 10-08-2024Kim ngạch xuất khẩu dệt may lần đầu trong năm vượt mốc 4 tỷ USD
- 05-08-20247 tháng, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng đồng đều ở cả 3 nhóm hàng trọng điểm
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư với 3 mặt hàng: sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu nuôi.
Cơ hội thị trường
Ông Trương Ân - Giám đốc điều hành Công ty An Thịnh Phát Agri (TP HCM), chuyên sầu riêng Musang King với nhiều lô hàng đông lạnh xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc thành công - cho hay các đối tác liên hệ đặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng vọt, dù vẫn chưa biết thông tin cụ thể về các quy định cũng như thời điểm chính thức xuất khẩu.
Theo ông Ân, sầu riêng Musang King cần cắt già nên trước giờ muốn bán sang Trung Quốc phải vận chuyển bằng đường hàng không với chi phí đắt đỏ; nếu cắt với độ tuổi như sầu riêng Dona hay Ri 6 để vận chuyển bằng đường bộ sang Trung Quốc thì khi chín không ngon. Giờ cho phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh thì Musang King từ Việt Nam cạnh tranh rất tốt với các đối thủ về giá cả lẫn chất lượng.
Ông Ân nói thêm phân khúc sầu riêng đông lạnh tại Việt Nam còn mới, đặc biệt về công nghệ và cơ sở hạ tầng, bởi yêu cầu cao về an toàn thực phẩm. Do đó, đây là cuộc chơi của những doanh nghiệp (DN) có tiềm lực về tài chính mạnh với vốn đầu tư tối thiểu 1 triệu USD nên ít bị sa vào cuộc chiến về giá như sầu riêng tươi. Đầu ra cho ngành sầu riêng cũng tốt hơn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), nói năm 2023, Trung Quốc chi hơn 1 tỉ USD nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan và Malaysia. Khi Việt Nam tham gia thị trường năm đầu tiên có thể giành được doanh số từ 200 - 300 triệu USD. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của lần ký nghị định thư sầu riêng tươi phải mất thời gian 2-3 tháng mới có lô hàng đầu tiên xuất khẩu, nên lô hàng sầu riêng đông lạnh sớm cũng phải cuối năm nay. Tương tự, với dừa tươi cũng vậy nên kỳ vọng doanh số xuất khẩu sẽ bùng nổ từ năm 2025.
"Để tận dụng cơ hội thị trường, DN cần đầu tư công nghệ cấp đông tốt và cả bao bì nhãn mác tiện lợi, bắt mắt để tăng khả năng cạnh tranh. Đây cũng là cơ hội để sầu riêng Việt xây dựng thương hiệu với người tiêu dùng Trung Quốc" - ông Nguyên nói. Lãnh đạo VINAFRUIT đồng thời cho biết tương lai Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu sầu riêng đông lạnh tách múi bởi tiện lợi, loại bỏ rác (vỏ) từ nguồn và giảm chi phí vận chuyển. Do đó, tương lai sầu riêng đông lạnh có thể là mặt hàng chính, giá trị cao chứ không tập trung vào sầu riêng tươi như hiện nay.
Dừa tươi, cá sấu tăng tốc
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, nói rằng việc dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là bước tiến mới của ngành dừa. Hiện dừa đang được mở rộng diện tích tại nhiều nơi với ưu điểm dễ trồng, chi phí đầu tư thấp và đầu ra thuận lợi.
"Cách đây 2 ngày, tôi có đưa đoàn 14 DN chế biến dừa Trung Quốc khảo sát ngành dừa Việt Nam theo giới thiệu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Họ rất thích mua trực tiếp sau thời gian phải đi đường vòng vì chưa được phép nhập khẩu chính ngạch" - ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, Trung Quốc rất mạnh về chế biến các sản phẩm từ dừa nhưng chỉ có vùng dừa từ đảo Hải Nam, nguyên liệu phải nhập từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Khi có nghị định thư, dừa Việt Nam có thể "chính danh" tại thị trường Trung Quốc và bắt đầu xây dựng được thương hiệu tại đây. Dừa và các sản phẩm dừa Việt Nam bán sang Trung Quốc khoảng hơn 300 triệu USD/năm và sau nghị định thư có thể tăng trưởng 10%-15%/năm.
Điều quan trọng của ngành dừa là cần có sự phân định về vùng nguyên liệu và khai thác tối đa vùng nguyên liệu, nâng cao thu nhập cho nông dân và hạn chế sự cạnh tranh thu mua nguyên liệu giữa nhà máy trong nước và nước ngoài. Việc xuất khẩu dừa chế biến sâu sẽ mang lại giá trị gia tăng hơn so với việc xuất khẩu nguyên liệu.
Với ngành cá sấu, ông Trần Hưng Quốc Việt, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chăn nuôi và Kinh doanh cá sấu Tồn Phát (TP HCM) với tổng đàn 8.000 con này, rất vui mừng khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết. Đồng thời, rất mong được hướng dẫn cụ thể về pháp lý, các quy trình xin cấp giấy phép để việc xuất khẩu nhanh chóng được diễn ra. Theo ông Việt, ngành nuôi cá sấu bị tổn thất nặng nề sau dịch COVID-19 nên hy vọng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phục hồi đàn, tận dụng cơ hội thị trường vừa mở cửa.
Ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà (TP HCM), cũng cho biết hiện tổng đàn cá sấu khoảng gần 5.000 con, chủ yếu phục vụ chế biến cho DN hàng thời trang từ da cá sấu, cao cá sấu… và nhân giống. Cá sấu từ 6 năm mới sinh sản mỗi năm 1 lứa, từ cá sấu con phải mất 1-2 năm mới xuất chuồng. Do đó, để tăng đàn, rất cần thời gian và hỗ trợ ban đầu từ nhà nước để khôi phục lại nghề.
Số liệu từ Chi cục Kiểm lâm TP HCM cho thấy hiện TP HCM chỉ có 12 cơ sở nuôi 36.221 con cá sấu, so với cuối năm 2023 giảm 4 cơ sở nuôi nhưng tăng hơn 1.000 con, cho thấy bắt đầu có sự hồi phục khi có thông tin Việt Nam đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc với cá sấu.
Người lao động