MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu phi công, tại sao không?

Chúng ta có xuất khẩu được phi công không khi nhu cầu phi công hiện nay không phải là lớn mà là rất lớn? Câu trả lời là: Có.

Đề cập tới câu chuyện Việt Nam có thể xuất khẩu phi công trong khi hiện vẫn chưa đào tạo đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước và còn đang phải nhập khẩu rất nhiều phi công nước ngoài, nhiều người cho rằng là chuyện lạ.

Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia khẳng định điều này hoàn toàn có thể làm được, chỉ là vấn đề thời gian và quyết tâm.

Đào tạo phi công có khó không? Câu trả lời của lãnh đạo Cục Hàng không VN là không khó và cũng không phải đầu tư quá nhiều, quá tốn kém. Nguồn nhân lực để phục vụ cho công tác đào tạo (giáo viên trong trường bay) cũng không phải quá khó. Tại Việt Nam, trường phi công Bay Việt đã làm được, trong tương lai sẽ còn làm tốt hơn nữa khi Trung tâm Huấn luyện phi công cơ bản tại Rạch Giá đi vào hoạt động. Các tên tuổi mới gia nhập thị trường hàng không như Bamboo Airways, Vingroup cũng đã có những kế hoạch đầu tư đầy tham vọng vào lĩnh vực này. Các hãng hàng không đang khai thác như Vietnam Airlines, Vietjet cũng đã có cho riêng mình những trung tâm huấn luyện (chủ yếu đào tạo chuyển loại máy bay) hiện đại bậc nhất.

Vậy chúng ta có xuất khẩu được phi công không khi nhu cầu phi công hiện nay trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng không phải là lớn mà là rất lớn? Câu trả lời là: Có.

Thực tế, dự báo của Boeing cho thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần tới 248.000 phi công mới trong 20 năm tới, tăng thêm khoảng 10% so với con số được đưa ra năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc chiếm gần một nửa nhu cầu này và khu vực Đông Nam Á chiếm một phần tư. Con số dự báo được xác định thông qua các đơn đặt hàng hiện tại và nhu cầu đối với máy bay mới, theo Boeing sẽ là 15.310 chiếc trong vòng 20 năm tới.

Airbus có chung quan điểm khi cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 40% nhu cầu máy bay trên toàn cầu trong vòng 20 năm tới nhưng dự báo của Airbus thận trọng hơn với con số 12.800 chiếc. Airbus cũng đưa ra con số 230.000 phi công cần bổ sung. Rõ ràng, ngay cả khi dự báo của Airbus “khiêm tốn” hơn thì nhu cầu phi công vẫn rất lớn.

Cục trưởng Hàng không VN Đinh Việt Thắng cũng không giấu giếm tham vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu phi công sau khi có thể chủ động trong việc đào tạo phi công. Vinpearl Air, Bamboo Airways cũng đã từng lên tiếng về kế hoạch này.

Thực tế, không phải chúng ta chưa từng xuất khẩu phi công. Thời gian qua, trường phi công Bay Việt đã đào tạo và bàn giao cả chục phi công cơ bản cho hãng hàng không quốc gia láng giềng là Cambodia Angkor Air.

Nếu chúng ta quan tâm đúng mức cho việc đào tạo phi công, cộng với cam kết gỡ khó của cơ quan chức năng, cơ hội xuất khẩu phi công không phải là không có, nếu không muốn nói là rất tiềm năng.

Theo Thanh Bình

Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên