MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu phục hồi nhưng ngành da giày vẫn còn nhiều nỗi lo

28-04-2024 - 13:30 PM | Thị trường

Quý I năm nay, xuất khẩu ngành da giày đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy vậy, ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu.

Hiện nay, Việt Nam là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 24 tỷ USD; quý I/2024 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù đã phục hồi trong quý đầu năm song ngành da giày vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Điển hình như thị trường Liên minh châu Âu từ tháng 3/2024, thị trường này đặt ra yêu cầu mới về bảo đảm sinh thái, truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất.

Xuất khẩu phục hồi nhưng ngành da giày vẫn còn nhiều nỗi lo- Ảnh 1.

Ngành da giày vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức - Ảnh minh họa: VnEconomy

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn lớn của ngành da giày là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển. Hiện nay phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành.

“Điều quan trọng nhất bây giờ là phải đảm bảo chuỗi cung ứng thượng nguồn kịp thời, nhanh gọn. Về lâu dài, ngành da giày cần có chuỗi cung ứng sẵn ngay trong thị trường nội địa, từ đó nâng được chuỗi cung ứng thượng nguồn cũng như nguyên phụ liệu theo đúng như chiến lược phát triển của ngành, đảm bảo được năng lực cạnh tranh”, ông Thuấn nói.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành da giày; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ hoặc tham mưu với cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành Dệt may - Da giày và trình Thủ tướng phê duyệt nhằm định hướng phát triển ngành bền vững và lâu dài.

Theo Bá Toàn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên