Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt kỷ lục chưa từng có
Từ đầu năm đến nay có 18 thị trường đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 7 thị trường đạt trên 100 triệu USD. Lớn nhất là Trung Quốc, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan...
- 27-10-2023Ấn Độ đang tích cực gom mạnh mặt hàng này của Việt Nam với giá siêu rẻ - Xuất khẩu tăng nóng hơn 3.000%, Ý và Mỹ cũng nhanh tay 'chốt đơn'
- 26-10-2023Việt Nam sở hữu một loại 'vàng đen' được Trung Quốc, Mỹ liên tục săn lùng: xuất khẩu tăng nóng, cả thế giới phụ thuộc vào Việt Nam
- 24-10-2023Một loại quả Việt Nam đang được người Hàn Quốc cực kỳ mê mẩn, xuất khẩu tăng trong 9 tháng đầu năm 'bỏ túi' hơn 170 tỷ đồng
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, trong nửa đầu tháng 10, xuất khẩu rau quả của Việt Nam thu về gần 350 triệu USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên 4,56 tỷ USD, tăng trưởng tới 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức kỷ lục chưa từng có của rau quả Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, rau quả của Việt Nam hiện có mặt tại 28 thị trường chủ yếu. Từ đầu năm đến nay có 18 thị trường đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 7 thị trường đạt trên 100 triệu USD. Lớn nhất là Trung Quốc, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan...
Riêng thị trường Trung Quốc đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng chiếm tới 65,3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, gấp nhiều lần so với các thị trường lớn còn lại.
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc lập kỷ lục nhờ một phần do nước này thay đổi chiến lược phòng, chống COVID-19, mở cửa rộng hơn các cửa khẩu. Đồng thời, Trung Quốc mở cửa cho hàng loạt mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch như sầu riêng, chuối,...
Tính chung các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ sự tăng tốc của rau quả, xuất khẩu sang Trung Quốc trong 9 tháng năm nay đạt hơn 42 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn khác như Mỹ đạt 70,9 tỷ USD, giảm 16,8%, thị trường châu Âu giảm 8,2%, thị trường ASEAN giảm 5,5%, Hàn Quốc giảm 5,1%, Nhật Bản giảm 3%.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc được đánh giá còn nhiều dư địa. Do đó các hoạt động xúc tiến thương mại đang được đẩy mạnh để khai thác các địa bàn tiềm năng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1199 phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.
Mục tiêu chung là phát triển hệ thống cửa khẩu tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc trong trung hạn (đến năm 2030) gắn với tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050); làm cơ sở cho các bộ, ngành và các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc triển khai việc đầu tư phát triển cửa khẩu biên giới phù hợp quy hoạch cửa khẩu; chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu theo hướng xanh, sạch; từng bước phát triển hệ thống cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, phù hợp với nhu cầu, mức độ hội nhập của đất nước.
Theo Quy hoạch đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.
Việc mở, nâng cấp các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, lối thông quan... nhằm góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tiền Phong