Xuất khẩu sang Trung Quốc "đảo chiều", là thị trường duy nhất tăng trưởng dương
Trung Quốc là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu năm 2023 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực, duy trì xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỉ USD, gấp hơn 2 lần mức xuất siêu của năm 2022, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác ngành công thương năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, ngày 20-12.
Về kết quả xuất nhập khẩu nói chung, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỉ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỉ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỉ USD.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm tiếp tục được thu hẹp.
"Mức độ suy giảm trong xuất khẩu ngày càng được thu hẹp, từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 4,6% trong cả năm 2023" - bà Thắng cho hay.
Hàng hóa xuất sang Trung Quốc cơ bản không bị ách tắc
Bộ Công Thương cũng cho biết năm qua đã điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương. Xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% trong 6 tháng đầu năm sang mức tăng khoảng 8,1% trong cả năm 2023 trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chỉ rõ quy mô xuất khẩu chưa phục hồi so với năm trước, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 ước giảm khoảng 4,6% so với năm 2022. Như vậy, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (tăng 6%) về xuất khẩu.
Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn. Cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, cho thấy những khó khăn trong sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Trong đó, hầu hết các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm mạnh, như: Điện thoại các loại và linh kiện ước giảm 57,4% so với năm 2022; thép các loại giảm 17,8%; vải các loại giảm 12,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 8,1%; chất dẻo nguyên liệu giảm 20,1%; hóa chất ước giảm 17,4%...
Cũng theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, tăng trưởng thương mại nội địa tuy đạt cao nhưng chưa bằng mức tăng trưởng các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19; tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm dần vào cuối năm (6 tháng đầu năm tăng 16,3%, cả năm 2023 ước tăng 9,6%).
Hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỉ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm, được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, bên cạnh công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Công Thương đã thường xuyên chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan cơ bản đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất. Tuy còn xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ vào thời điểm thủy văn khô hạn bất thường, nắng nóng cực đoan nhưng đã được khắc phục kịp thời bằng nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài.
Người lao động