Xuất khẩu sầu riêng: Phải giữ chữ tín
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp, minh bạch, bắt đầu từ câu chuyện của trái sầu riêng lần đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc
- 18-09-2022Sầu riêng Việt trước cơ hội trở lại mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc
- 17-09-2022Lô sầu riêng đầu tiên xuất chính ngạch sang Trung Quốc
- 16-09-20223.000 ha sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc
Chiều 17-9, tại quảng trường Tân An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra lễ công bố xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư ký kết giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, với sự tham gia của 7 doanh nghiệp (DN).
Làm ăn chụp giật có thể mất thị trường
Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này.
Với danh sách trên, dự kiến khoảng 3.000 ha với sản lượng 68.000 tấn sầu riêng/năm ở nước ta được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Diện tích được cấp mã số vùng trồng còn rất khiêm tốn khi chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng diện tích sầu riêng của cả nước. Tuy nhiên, những tín hiệu đáng mừng ban đầu đã mở ra nhiều cơ hội cho nông dân trồng sầu riêng lẫn DN xuất khẩu mặt hàng này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT, cho biết trước khi lô hàng sầu riêng đầu tiên chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc vào chiều 17-9, ở khu vực cửa khẩu phía Bắc đã ghi nhận tình trạng một số lô hàng gian lận mã số vùng trồng đã đến cửa khẩu. Trong khi đó, thực tế ở địa phương thì cây sầu riêng mới đang ra hoa, chưa có trái.
"Một người gian lận có thể sẽ ảnh hưởng tới cả ngành hàng sầu riêng với 30 tỉnh và hàng vạn nông dân. Một khi mất niềm tin thì lấy lại sẽ rất khó" - bà Hương cảnh báo.
Bà Hương đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, chiến lược sản xuất sầu riêng bền vững tại địa phương; tránh phát triển ồ ạt, chạy theo năng suất. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ thực vật tại địa phương thực hiện nghiêm giám sát sinh vật gây hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn phòng trừ sinh vật gây hại tại các vùng trồng sầu riêng.
Theo bà Hương, các vùng trồng, cơ sở đóng gói cần nghiên cứu kỹ quy định và hướng dẫn kỹ thuật để bảo đảm luôn duy trì việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của Việt Nam và Trung Quốc. Đối với các DN xuất khẩu thương mại, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị chỉ nhập hàng và đóng gói tại vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Trường hợp không sở hữu vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số thì phải có giấy ủy quyền hoặc xác nhận của đại diện/chủ mã số bằng văn bản.
Giữ "chén cơm" bền vững
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh Việt Nam phải mất hơn 4 năm đàm phán để có thể đưa trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, để giữ được thị trường này, cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa và cần tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy định tại nghị định thư đã ký kết.
Đến nay, dù mới chỉ có 68.000 tấn sầu riêng/năm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng khối lượng đăng ký đã là 1,3 triệu tấn. Đây là số lượng lớn, nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, mất uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường Trung Quốc.
"Ý thức của DN, của cơ quan chuyên môn tại địa phương và chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở vùng trồng phải cao hơn nữa, để duy trì được mã số đó không chỉ một mùa vụ mà còn nhiều mùa vụ tiếp theo" - ông Hoàng Trung mong mỏi.
Ở góc độ DN, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho rằng DN phải chú trọng chữ tín mới giữ được "chén cơm" bền vững. Qua quá trình xuất khẩu, bà Vy thấy rằng Trung Quốc đang là thị trường khó tính nhất, đặc biệt là việc kiểm soát dịch COVID-19. Theo bà Vy, cơ hội chỉ mở ra khi DN làm đúng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk thăm vườn sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc. Ảnh: THUẬN NGUYỄN
"Ngành hàng sầu riêng mang lại cho Thái Lan doanh thu cực lớn. Đây cũng là cơ hội với sầu riêng Việt Nam. Mở được con đường đã khó nhưng làm sao phát triển được thị trường này còn khó hơn. Đây là nhiệm vụ rất lớn" - bà Ngô Tường Vy bày tỏ.
Phát biểu tại hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc cách đây vài hôm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng "cánh cửa" xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc đã mở. Độ mở rộng hay hẹp sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình triển khai trong thời gian tới.
Theo ông Lê Minh Hoan, cơ hội chỉ thật sự mở ra khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất; phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để bảo đảm quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. "Một lần bất tín là vạn lần bất tin", do đó cần chuẩn hóa giống, quy trình, thị trường, kiến thức, tri thức nông dân. Cần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, bắt đầu từ câu chuyện của trái sầu riêng.
"Hình ảnh trái sầu riêng không quan trọng bằng hình ảnh hệ sinh thái tạo ra trái sầu riêng đó. Đó chính là xây dựng thương hiệu. Mọi người hãy suy nghĩ mình là một phần của hệ sinh thái sản xuất sầu riêng chứ không phải làm theo tư duy thương vụ, theo từng chuyến hàng" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bài học từ vú sữa Lò Rèn
Vui mừng khi sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết ông còn nhiều trăn trở, nhất là bài học từ câu chuyện sản phẩm vú sữa Lò Rèn của tỉnh Tiền Giang. Từng có thời kỳ được xuất khẩu tới Mỹ nhưng hiện vú sữa Lò Rèn không còn xây dựng được thương hiệu.
"Chúng ta phải làm sao để trái sầu riêng không đi vào "vết xe đổ" của vú sữa Lò Rèn" - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lưu ý. Theo ông, để tạo ra nông sản đặc biệt thì cần những con người đặc biệt trong hệ sinh thái, biết dựa vào nhau, nương tựa nhau thay vì cạnh tranh nhau.
Người lao động