Xuất khẩu thương hiệu và mô hình kinh doanh: Làm sao để tiến nhanh, vươn xa?
Xuất khẩu thương hiệu và mô hình kinh doanh là một trong những giải pháp cực kỳ hiệu quả cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để phát triển vươn tầm. Ngay cả những ông lớn như Starbucks, MCDonald’s… đều từng là doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng họ đã lựa chọn xây dựng thương hiệu và mô hình kinh doanh từ đó nhân rộng và xuất khẩu đi rất nhanh, trở thành những biểu tượng của thế giới.
- 03-01-2023Xuất khẩu thương hiệu & mô hình kinh doanh: "Mỏ vàng" cần khai phá nhưng có dễ thực hiện?
- 29-12-2022Chủ tịch PNJ và CEO KIDO: ‘Trẻ hóa’ doanh nghiệp bằng cách ‘bắt trend’
- 22-12-2022Những bài học đắt giá từ việc tái sinh thương hiệu của CEO Biti’s Vưu Lệ Quyên: ‘dám thử dám sai, ngã ở đâu đứng lên ở đó'
Chương trình “Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk” là serie talkshow đặc biệt do báo Tuổi Trẻ cùng Viện ISB (Đại học Kinh tế TP.HCM) xây dựng nhằm đồng hành cùng giải thưởng Thương Hiệu Vàng TP. HCM 2022. Tập 3 của chương trình đã lên sóng với sự xuất hiện của PGS.TS Trần Hà Minh Quân - viện trưởng viện Đào tạo quốc tế (ISB thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM) cùng chuyên gia hàng đầu về nhượng quyền và tư vấn thương hiệu Nguyễn Phi Vân - chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Đông Nam Á, chủ tịch Go Global Group. Họ đã có cuộc bàn luận sôi nổi về cách thức giúp doanh nghiệp Việt tiến nhanh, vươn xa hơn trên thị trường thế giới.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân và PGS.TS Trần Hà Minh Quân có cuộc tản bộ trò chuyện thú vị dọc con đường ven sông đẹp nhất Sài Gòn
Doanh nghiệp Việt cần cải tiến điều gì để xuất khẩu thương hiệu và mô hình kinh doanh?
Xây dựng một mô hình thương hiệu đòi hỏi thời gian, sự nỗ lực cũng như tập trung cao của doanh nghiệp. Trong khi đó, theo chuyên gia Nguyễn Phi Vân, doanh nghiệp Việt vẫn còn hạn chế kiến thức, kỹ năng, khả năng để có thể thiết kế thương hiệu, đóng gói mô hình kinh doanh xuất khẩu được.
“Hầu hết nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam làm rất tốt khâu sản phẩm và sản xuất nhưng chỉ có thể dừng lại ở đó. Vì vậy, để có thể tiến xa hơn, chúng ta không chỉ cần 1 nhà sáng lập mà đến tận 3 nhà sáng lập, mỗi người 1 chuyên môn khác nhau tạo thành 1 nhóm nhà sáng lập mới có thể lớn mạnh được”.
Với chuyên gia Nguyễn Phi Vân, điểm quan trọng nhất là nằm ở tư duy. Doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì nhà sáng lập, chủ sở hữu thương hiệu buộc phải nâng cấp, tư duy “global” và có khả năng đứng trước nhà đầu tư quốc tế để nói về “câu chuyện” của mình một cách tự tin và sẵn sàng mang thương hiệu đến quốc gia khác.
Đề cập đến việc sử dụng hình ảnh của Founder, đội ngũ quản lý để gia tăng giá trị thương hiệu. Chuyên gia Nguyễn Phi Vân cho rằng, "Điều doanh nghiệp cần quan tâm nhất không phải mỗi người sáng lập thương hiệu tạo nên thương hiệu cá nhân mà đội ngũ phía sau phải uy tín, tạo niềm tin cho đối tác đầu tư. Như vậy, thương hiệu mới phát triển bền vững. Mình cần tập trung vào xây dựng mô hình, thương hiệu, đó mới là sức mạnh lớn nhất với việc xuất khẩu mô hình và thương hiệu”
Theo PGS.TS Trần Hà Minh Quân, “Việc xây dựng thương hiệu không chỉ áp dụng với 1 đối tượng mà nhiều đối tượng khác nhau. Đối với người tiêu dùng chúng ta xây dựng thương hiệu theo phương pháp khác. Đôi khi trong trường hợp đó chúng ta chọn lựa hình ảnh chủ doanh nghiệp hay đội ngũ quản lý tùy thuộc vào tình hình mà ta sử dụng sao cho hợp lý. Tuy nhiên, với nhà kinh doanh và đầu tư thì vai trò của nó quan trọng hơn và thực chất tạo niềm tin cho cơ hội thành công của mô hình kinh doanh”.
“Việc xây dựng thương hiệu không chỉ áp dụng với 1 đối tượng mà nhiều đối tượng khác nhau”, trích lời PGS.TS Trần Hà Minh Quân
“Cửa sổ vàng” trong thời đại digital
Có thể nói hành trình xuất khẩu thương hiệu trong thời đại digital là điều hot nhất hiện nay cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi nói về kinh tế sáng tạo có 1 “cửa sổ vàng” mở ra, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng những mô hình số hóa và bắt kịp những quốc gia và thị trường đã phát triển.
“ Cuộc đua này là cuộc đua cân bằng, ngang sức và vạch xuất phát giống hệt nhau cho nên cửa sổ vàng này vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp khi có thể nắm bắt thì hoàn toàn có thể trở thành doanh nghiệp lớn mà không gặp bất kỳ cản trở nào”, chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ về cách tận dụng “cửa sổ vàng” để doanh nghiệp phát triển
Đồng thời, bà Vân cũng cho biết, điều duy nhất các doanh nghiệp cần phải làm chính là digital enterprise (doanh nghiệp số). Như vậy, việc tiếp xúc với khách hàng hay quản trị thương hiệu với các nhà đầu tư và việc vận hành… phải được số hóa. Tất cả dữ liệu cần được thống nhất với nhau và đổ về kho dữ liệu. Khi đó, doanh nghiệp có những hiểu biết về khách hàng và nhà đầu tư vô cùng chính xác. Từ đó mà sáng tạo thêm nhiều mô hình, sản phẩm, cách làm và kênh tiếp cận mới. Như thế sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng củng cố vị thị cũng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Cửa sổ vàng này đang rất thuận lợi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện điều đó một cách dễ dàng để biến mình thành một doanh nghiệp số cũng như xuất khẩu mô hình và thương hiệu số đó đi ra thế giới. Đối với một doanh nghiệp Việt để chuẩn bị cho hành trình xuất khẩu mô hình kinh doanh và thương hiệu thì điều đầu tiên doanh nghiệp cần phải xem xét kỹ xem mình đang thiếu điều gì và tìm người đồng hành để cùng nhau phát triển. Ngoài ra, chính người sáng lập phải luôn luôn nâng cấp bản thân, chỉ khi có tầm nhìn rộng hơn thì bạn mới có thể tận dụng được cửa sổ vàng một cách tốt nhất cho doanh nghiệp mình”, chuyên gia Nguyễn Phi Vân kết luận.
"Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk"là chuỗi talkshow đặc biệt, lên sóng trên các nền tảng số của báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn). Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ cùng Viện ISB (Đại học Kinh tế TP.HCM) xây dựng, với sứ mệnh truyền cảm hứng về xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững.
Talkshow cũng là dịp mà lần đầu tiên các CEO, chuyên gia hàng đầu thảo luận và đưa ra những lời giải, hiến kế cho cộng đồng doanh nghiệp về kinh nghiệm nâng tầm thương hiệu.
Nhịp sống thị trường