Y tế số và cánh cửa rộng mở: Xu hướng chăm sóc sức khoẻ mới
Khi thế giới bước qua con số 8 tỷ dân, công tác chăm sóc y tế gặp nhiều thách thức, đòi hỏi nhiều thay đổi trên toàn thế giới. Chuyển đổi số là một trong những biện pháp cần thiết để ngành y tế trở nên hiệu quả hơn.
Ông Trần Quốc Dũng - CEO Ominext Group, chuyên gia y tế số đã có những chia sẻ về vấn đề số hoá trong y tế. Y tế số chính là sự ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe để tối ưu dịch vụ, tối ưu vận hành và quản lý, phát triển các ứng dụng mang tính đột phá mang lại kết quả kỳ vọng trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Tốt nghiệp trường Đại học Quốc gia Hà Nội, du học tại Nhật với chuyên môn Kỹ sư phần mềm, nhưng anh lại thành lập Ominext Group về lĩnh vực Y tế. Ngã rẽ bất ngờ này có gì thú vị?
Cơ duyên của tôi với y tế cách đây đã 22 năm rồi, từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất. Hồi nhỏ tôi có ước mơ làm bác sĩ, tuy nhiên lại học sâu về khối A - Công nghệ thông tin. Sau này, tôi quyết định sang Nhật Bản học Thạc sỹ với chuyên ngành Data mining (khai phá dữ liệu) trong lĩnh vực Healthcare (chăm sóc sức khỏe).
Sau khi tốt nghiệp, trải qua các công việc trong lĩnh vực kỹ sư công nghệ thông tin, đến năm 2012, tôi quyết định nghỉ việc tại công ty Ericsson Japan và thành lập Ominext Group - hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực Y tế số.
Đến thời điểm hiện tại, Ominext đã phát triển thành tập đoàn có hơn 600 nhân sự, phát triển 250 hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ và đã triển khai cho hơn 10.000 bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc trên toàn nước Nhật.
Dưới góc độ chuyên gia, anh đánh giá thế nào về các mô hình hệ thống y tế hiện tại? Anh có thể chia sẻ về sự chuyển đổi trong ngành Y tế đang diễn ra như thế nào?
Thông thường, khi đến bệnh viện, bạn sẽ chi trả viện phí theo từng hạng mục dịch vụ như: khám bệnh, xét nghiệm, chụp phim dựa trên sự phán đoán chủ quan của nhân viên y tế mà đôi khi không rõ nó có cần thiết không. Mô hình này được gọi là "Cung cấp chăm sóc y tế dựa trên dịch vụ" (Fee For Service). Nhưng trong những năm gần đây, với sự có mặt của y tế số, nhiều quốc gia đang dần chuyển sang "Cung cấp chăm sóc y tế dựa trên giá trị." (Value Based Healthcare)
Theo tôi, đây là bước đi cơ bản của việc: chuyển dịch từ y tế điều trị sang y tế dự phòng, chuyển dịch từ y tế điều trị theo phác đồ chung sang khuynh hướng y tế điều trị chú trọng hướng cá nhân và theo dõi, đánh giá hiệu quả điều trị dựa trên dữ liệu (evidence-based).
Anh đánh giá thế nào về sự chuyển đổi này và điều gì đóng vai trò then chốt trong sự dịch chuyển đó?
Chăm sóc sức khỏe dựa trên giá trị mang lại lợi ích cao cho bệnh nhân. Vì sau khi được thăm khám sức khỏe, đưa ra phác đồ điều trị theo hướng cá nhân hóa, người bệnh sẽ chỉ chi trả dựa vào kết quả mà bệnh viện cam kết. Đó là một trong những cải tiến mang tính bản chất của ngành Y Tế mà trong đó Chuyển đổi số và Mindset của nhà cung cấp dịch vụ Y Tế, chăm sóc sức khỏe (Healthcare Provider) đóng vai trò then chốt trong sự dịch chuyển này.
Tuỳ từng quốc gia có những chính sách khác nhau nhưng tựu chung đều hướng tới việc xây dựng nền tảng hạ tầng y tế số bao gồm: Hệ thống mã định danh, phổ cập hệ thống bệnh án điện tử (EMR) giúp lưu trữ thông tin bệnh án bệnh nhân, hệ thống cơ sở dữ liệu sức khỏe (EHR) kết nối các EMR và các dữ liệu sức khoẻ khác, được lưu trữ và đồng bộ hóa ở tầng quốc gia, đơn thuốc điện tử (ePrescription), hồ sơ sức khỏe cá nhân (PHR), phổ cập Tele-health.
Dựa trên thông tin sức khỏe được lưu trữ và cập nhật, nhân viên y tế cần thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe cho "khách hàng" của mình, lấy người bệnh làm trung tâm, tạo mối quan hệ chặt chẽ với người bệnh thông qua nhiều phương tiện truyền thông chat, tele-health, gặp mặt định kỳ...để cùng với người bệnh thực hành chăm sóc sức khỏe hướng tới kết quả mục tiêu.
Việt Nam đang được coi là quốc gia trong giai đoạn "hoàng kim" - tuy nhiên với tình trạng hiện tại, dân số đang "già" đi, liệu đây có phải là điều kiện bắt buộc để ứng dụng Health Tech được nhanh hơn không?
Chính xác là vậy. Nếu xét cả về lợi ích kinh tế và xã hội, dân số già thì gánh nặng lên y tế bảo hiểm sẽ lớn. Một hệ thống y tế không hiệu quả sẽ có tác động lớn đến người dân và chính phủ. Số hóa Y tế (Digital Health) là con đường tất yếu để giải quyết 2 vấn đề: Cải tiến tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và truy cập dữ liệu y tế thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định.
Digital Health là nền tảng để triển khai Chăm sóc sức khỏe dựa trên giá trị. Và Chăm sóc sức khoẻ dựa trên giá trị là phương án phù hợp nhất để triển khai dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản (Primary Care). Tất cả các kết quả nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra chăm sóc cơ bản là biện pháp căn cơ nhất để giải quyết vấn đề vừa tiết kiệm chi phí y tế và vừa nâng cao chất lượng sống của người dân.
Ngành Y tế tại Việt Nam vẫn có những đặc thù, anh Dũng đánh giá thế nào về cơ hội, độ khả thi để số hóa có thể áp dụng ở diện rộng?
Hạ tầng y tế số của chúng ta còn nhiều vấn đề, nếu xét về diện rộng trên bình diện quốc gia thì khó tại thời điểm hiện tại. Chúng ta nên quyết liệt sớm xây dựng bài bản hạ tầng Y tế số. Tuy vậy, triển khai Value based Healthcare theo khu vực và lan tỏa dần thì vẫn có nhiều cơ hội và khả thi. Chúng ta cũng nên làm rõ giá trị mà người dân nhận được từ đây. Cùng với đó là nâng cao sự hợp tác giữa các đơn vị chủ chốt trong hệ sinh thái 5P.
Ominext đang tham gia vào tiến trình y tế hoá như thế nào?
Tận dụng sự phổ biến của mật độ nhà thuốc tại Việt Nam, Ominext Group mong muốn biến mỗi nhà thuốc thành "Primary Care - Hub" (trung tâm chăm sóc sức khỏe tiện lợi) cho một khu dân cư. Tại đây ai cũng có thể đến mua thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhân tư vấn thuốc, tư vấn sức khỏe từ xa, đo đạc các chỉ số cơ thể, thậm chí sau này là nhận toa, lấy thuốc, theo dõi bệnh mãn tính và các dịch vụ cải thiện sức khỏe dựa trên giá trị.
Anh hình dung Ominext sẽ thế nào trong những năm tiếp theo?
Cùng với chuỗi nhà thuốc Omi Pharma - thương hiệu nhà thuốc tiêu chuẩn Nhật Bản thuộc Ominext Group, tôi mong muốn mở rộng hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân (PHR) bắt đầu từ các khu dân cư, để sau này khi Việt Nam có Hệ thống cơ sở dữ liệu sức khỏe (EHR), chúng hoàn toàn có thể truy cập vào PHR của Omi Pharma để đồng bộ dữ liệu bệnh nhân.
Chúng tôi cũng nỗ lực đưa hàng ngàn sản phẩm chăm sóc sức khỏe nổi tiếng tại Nhật về Omi Pharma, sau đó sẽ tiến đến phát triển hệ thống và kết nối với các bác sĩ gia đình để triển khai mô hình Primary Care mang Y tế số phổ cập đến người dùng.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ.
Tổ Quốc