MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Y tế từ xa bao giờ đường hết xa?

Ngay trong dịch Covid-19, nền tảng cho hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã được khởi động tại Bệnh viện Đại học y Hà Nội, và mới đây được triển khai ở Bệnh viện nhi Trung ương. Thế nhưng, sau những hào hứng ban đầu, những lỗ hổng pháp lý đang là rào cản đón đợi Telehealth ở phía trước.

Những kíp mổ cách xa nhau hàng trăm km

Sáng 29/5, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh tiếp nhận một bé trai 23 ngày tuổi với trạng thái tím tái, thở nhanh. Sau khi siêu âm, X quang, điện tim, các bác sĩ chẩn đoán bé bị hẹp van tim động mạch phổi. Cùng lúc đó, hình ảnh siêu âm, tình trạng của bé được gửi về Bệnh viện Nhi Trung ương thông qua hệ thống hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa (Telehealth).

Y tế từ xa bao giờ đường hết xa? - Ảnh 1.

TS. Lê Hồng Quang, Trưởng khoa hồi sức tim mạch cùng đồng nghiệp chăm chú phân tích từng bức ảnh và thảo luận tình trạng của em bé. Họ có cùng kết luận với các bác sĩ ở Quảng Ninh. Bé được chỉ định can thiệp mổ ngay lập tức với sự tham gia của các bác sĩ tại 2 đầu bệnh viện.

Trong phòng phẫu thuật tại bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, từng thủ thuật được truyền trực tiếp về đầu cầu Hà Nội để các bác sĩ theo dõi, giám sát và hỗ trợ kịp thời. Dù ê kíp mổ cách xa nhau hàng trăm km nhưng các hành động, tương tác diễn ra rất nhịp nhàng. Kết quả, bệnh nhân được phẫu thuật thành công.

Ca mổ tim này không phải là trường hợp duy nhất được xử lý từ xa trong sáng 29/5. Trong vòng 3 tiếng, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương đã cùng hội chẩn, phân tích cho bệnh nhân nhi ở các bệnh viện Phú Thọ, Bắc Ninh hay tham gia đỡ đẻ tại Bệnh viện Đa khoa Sốp Cộp – Sơn La. Khi hình ảnh bé sơ sinh được đặt lên người sản phụ, khóc váng lên, không ít khuôn mặt ở đầu cầu Hà Nội giãn ra, nở nụ cười.

GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết những ca khó như thế này, trước đây sẽ phải chuyển lên trung ương để can thiệp. Và đã có những trường hợp đau lòng xảy ra, khi trong quá trình di chuyển, bệnh nhân không qua khỏi. Tuy nhiên, bằng hệ thống này, bệnh nhân dù ở tuyến xã, huyện, hay thành phố, cũng được điều trị như nhau.

Y tế từ xa bao giờ đường hết xa? - Ảnh 2.

Sau Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương là trung tâm hội chẩn, hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa thứ 2 ứng dụng Telehealth do Viettel Solutions phát triển để khám chữa bệnh từ xa. Viettel cũng là đơn vị hỗ trợ đường truyền, phần mềm và máy móc đầu cuối cũng như tư vấn kỹ thuật để giúp cho Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai y tế từ xa.

Bác sĩ Hải cho biết Teleheath cho phép hội chẩn cùng lúc nhiều điểm cầu, chất lượng hình ảnh, âm thanh rất tốt. Teleheath cũng hỗ trợ bệnh nhân kết nối trực tiếp với bác sĩ, đặt lịch khám, xem lịch sử điều trị… Với những trường hợp không thể đi lại, bệnh nhân có thể mua thiết bị, tự kết nối với các bác sĩ để được khám, chẩn đoán lâm sàng.

Khái niệm cũ cần lực đẩy mới

Theo định nghĩa của Hiệp hội Y tế từ xa Hoa Kỳ (ATA), telehealth là khái niệm bao hàm tất cả các hoạt động y tế từ truyền thông, các phương tiện đánh giá, đo lường, dự phòng, đào tạo… từ xa. Như vậy, Telehealth gồm cả telemedicine – tức việc chăm sóc lâm sàng, chẩn đoán trực tiếp trên bệnh nhân được thực hiện từ xa.

Hình thức chăm sóc từ xa được nhìn nhận là rất cần thiết ở các nước đang phát triển do thực trạng người dân thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cũng như chi phí khám chữa bệnh đắt đỏ. Telehealth sẽ là công cụ hỗ trợ, giải quyết vấn đề khan hiếm cán bộ y tế, đặc biệt là những vùng sâu, cách xa thành phố lớn.

Những khái niệm này thực ra không mới ở Việt Nam. Dự án telemedicine đã được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1998, về hội chẩn từ xa, phố hợp thực hiện với một đơn vị ở Mỹ và 3 bệnh viện Trung ương cùng ĐH Y Hà Nội. Đến khoảng năm 2000, Việt Nam đã có những phòng khám từ xa qua mạng LAN, phẫu thuật với sự hướng dẫn từ bệnh viện khác,…

Với Telehealth, hình thức này đã xuất hiện trên dưới 10 năm, chủ yếu là các dự án mua sắm trang thiết bị, phần mềm để xây dựng trung tâm. Vì khung pháp lý, cơ chế vận hành dịch vụ chưa đầy đủ, gần như telehealth ở Việt Nam hoạt động cầm chừng.

Y tế từ xa bao giờ đường hết xa? - Ảnh 3.

GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương

Nhớ lại, bác sĩ Lê Thanh Hải cho biết Bệnh viên Nhi Trung ương đã từng tư vấn từ xa cho bệnh nhân hồi 2003, bằng những phương tiện thô sơ nhất. "Từ điện thoại bàn, điện thoại di động, sau này mới có Internet", ông nói.

Theo ông, việc triển khai hệ thống khám chữa bệnh, đào tạo từ xa là mong mỏi lớn của bệnh viện trong hàng chục năm. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, một mặt hạ tầng đường truyền Internet chưa đảm bảo, chi phí cao, mặt khác, hành lang pháp lý chưa có nên phải tạm gác.

Để ứng dụng thành công, ví dụ như buổi thăm khám kéo dài 3 tiếng vừa rồi, cần sự hỗ trợ, kết hợp nguồn lực của nhiều đơn vị. "Chính Viettel hỗ trợ đường truyền, máy móc đầu cuối về kỹ thuật mới có thể làm được", ông nói. Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã từng thử nghiệm với nhiều đường truyền khác nhưng chất lượng âm thanh, hình ảnh chưa đạt yêu cầu.

Nhưng yếu tố công nghệ chỉ là điều kiện cần cho bức tranh khám chữa bệnh từ xa. Việt Nam còn cần thêm khung pháp lý như ông Hải đã đề cập.

Hiện nay, hành lang pháp lý cho khám chữa bệnh từ xa mới chỉ dừng lại ở mức sơ bộ với Thông tư số 49 ra ngày 28/12/2017 của Bộ Y tế quy định về hoạt động y tế từ xa. Theo đó, chỉ có 6 nhóm dịch vụ có thể được phép triển khai Telehealth. Do vậy, rất nhiều ứng dụng, dịch vụ nếu nằm ngoài 6 nhóm trên, khi thử nghiệm phải đề xuất với Bộ Y tế để được thực hiện.

Cơ chế tài chính vận hành với Telehealth cũng là một vấn đề lớn. Hiện nay, do telehealth là một hệ thống hoàn toàn mới nên các bệnh viện cũng chưa có cơ chế thu phí của bệnh nhân cũng như cơ chế thu phí hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Hay nói cách khác, bệnh viện hiện mới thực hiện các hoạt động thử nghiệm với Telehealth chứ chưa trở thành một dịch vụ y tế thực sự.

Thêm một yếu tố khác khiến các bệnh viện khó triển khai Telehealth là bảo hiểm y tế. Hiện tại, dịch vụ y tế từ xa hoàn toàn nằm ngoài phạm vi chi trả nên bệnh nhân khi đi khám nếu phải trả phí cho bệnh viện phải dùng tiền cá nhân chứ không được sử dụng bảo hiểm y tế.

Thế nhưng ngoài, những vướng mắc về mặt quy định, yếu tố thực tiễn hỗ trợ cho sự phát triển của y tế từ xa lại rất thuận lợi. Bác sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện nhi Trung ương nói rằng hiện nay là thiên thời, địa lợi, nhân hoà để phát triển Telehealth. Dịch Covid-19 đã buộc cả thế giới phải thúc đẩy mạnh mẽ những hoạt động, dịch vụ trực tuyến.

Theo ông, khám chữa bệnh từ xa đang có sự ủng hộ của người dân, chủ trương của Chính phủ cũng như sự hỗ trợ về công nghệ từ doanh nghiệp. Là bệnh viện đầu ngành, từng có kinh nghiệm thực hiện trong quá khứ, các bác sĩ ở bệnh viện Nhi Trung ương đang rất hào hứng với việc áp dụng công nghệ nhằm cứu chữa được nhiều bệnh nhân hơn.

Bởi sinh mạng của bệnh nhân là bình đẳng, dù ở vùng sâu xa cũng cần được khám chữa từ những bác sĩ đầu ngành như ở thành phố thay vì phải vượt đường xa hoặc may mắn từ những đoàn công tác bất chợt. Công nghệ đã và đang cho phép điều đó. Những rào cản còn lại nằm ở cơ chế, chính sách, dường như cũng cần có những bắt kịp.

An Bình

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên