Yêu cầu 4 bộ cho ý kiến về 'số phận' tháp nghìn tỉ bỏ hoang của Vicem
Để có cơ sở trình Thủ tướng xem xét, quyết định “số phận” Tòa tháp trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội), Văn phòng Chính phủ đề nghị 4 Bộ gồm: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến về những vấn đề liên quan.
- 08-10-2022Bộ Xây dựng tiếp tục thoái vốn tại HUD và VICEM
- 16-08-2022Vicem nói gì về tình trạng khai thác vượt phép hàng triệu tấn khoáng sản?
- 14-08-2022Các công ty thành viên Vicem khai thác vượt phép hàng triệu tấn khoáng sản
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến về Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại Lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Tại văn bản này, Văn phòng Chính phủ cho biết, mới đây nhận được công văn của Bộ Xây dựng về Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại Lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy.
Do đó, để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Văn phòng Chính phủ đề nghị các cơ quan có ý kiến về đề nghị của Bộ Xây dựng tại văn bản nêu trên.
Theo công văn của Bộ Xây dựng, bộ đã đề xuất Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiếp tục hoàn thiện tòa tháp ngàn tỉ là trung tâm điều hành và giao dịch Vicem để đưa vào kinh doanh, khai thác sau hơn 8 năm bỏ hoang, lãng phí.
Được biết, tòa tháp trung tâm điều hành và giao dịch Vicem được đầu tư từ năm 2010, với quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, tổng vốn đầu tư xây dựng sau điều chỉnh khoảng 2.743 tỉ đồng.
Mục tiêu đầu tư tòa tháp ngàn tỉ của Vicem (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) là xây dựng trụ sở làm việc của tổng công ty, các đơn vị thành viên, hội trường và trung tâm thương mại quảng bá sản phẩm.
Tuy nhiên, sau 5 năm xây dựng hoàn thành phần thô của tòa tháp, từ tháng 8/2015, Vicem bất ngờ để hoang hóa.
Theo báo cáo của Vicem, để tránh lãng phí tài sản nhà nước, trong giai đoạn 2016-2021, Vicem nhiều lần đề nghị Bộ Xây dựng cho phép lập phương án, tìm kiếm đối tác chuyển nhượng tòa tháp để hoàn vốn đầu tư.
Bộ Xây dựng cũng báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận cho Vicem chuyển nhượng dự án vào năm 2017.
Nhưng đến nay dự án vẫn chưa chuyển nhượng được do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp luật đầu tư, đất đai, việc sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất thuộc doanh nghiệp nhà nước.
Đồng thời, việc chuyển nhượng dự án diễn ra trong giai đoạn thị trường bất động sản, đặc biệt phân khúc trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, năm 2015, dự án tạm dừng thi công, đã phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư. Do vậy, đến nay dự án vẫn không chuyển nhượng được theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Từ thực tế trên, thời gian qua Vicem đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng chấp thuận cho tổng công ty tiếp tục đầu tư, hoàn thiện tòa tháp trung tâm điều hành và giao dịch Vicem. Sau khi được Thủ tướng chấp thuận, Vicem sẽ rà soát lại dự án cho phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật.
"Sau khi được Thủ tướng chấp thuận Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo Vicem thực hiện, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư, sử dụng đất và tuân thủ các quy định của pháp luật", văn bản của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Tiền phong