Yêu cầu tăng 5.500 Phó Chủ tịch xã không làm tăng tổng biên chế
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 35 vừa qua. Đáng lưu ý, tại cuộc họp cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
- 12-06-2019Đang tinh giản biên chế, sao lại tăng tuổi nghỉ hưu?
- 24-05-2019Bỏ biên chế suốt đời có ngăn công chức 'sáng cắp ô đi, tối cắp về'?
- 08-04-2019Tăng lương, tinh giản biên chế và hiệu quả công việc
Sáp nhập hơn 600 xã loại III lên loại II
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án, lưu ý tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn nữa các nguyên tắc và tiêu chí của việc phân cấp, ủy quyền trong luật để làm cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể; việc tăng thêm một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã loại II phải bảo đảm không làm tăng tổng số biên chế cán bộ, công chức của xã, phường, thị trấn loại II theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ.
Uỷ ban Thường vụ tán thành giao Chính phủ quy định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa trong các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, đối với số lượng cấp phó cụ thể của từng đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ thì do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định theo yêu cầu công việc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện hai phương án để báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội đối với nội dung giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; việc giảm Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương.
Đối với nội dung giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được đưa ra hai phương án:
Phương án 1: Quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Phương án 2: Quy định trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Trước đó, lý giải về đề xuất này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tới đây sẽ sáp nhập hơn 600 xã loại III lên loại II. Với một đơn vị cấp xã lớn như vậy mà chỉ có 1 ông Phó Chủ tịch sẽ rất khó khăn. Vì vậy, ban soạn thảo đề nghị, tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II từ 1 người lên 2 người.
Đại diện cơ quan soạn thảo. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, qua tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho thấy, việc giảm số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II, III xuống còn 1 người đã tác động khá lớn đến hoạt động chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã. Trong khi, hiện nay và thời gian tới, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm xuống và số lượng cán bộ, công chức cấp xã sẽ giảm tương ứng.
Theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ thì sẽ giảm đồng loạt 2 cán bộ, công chức ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã (cả loại I, II và loại III). Như vậy, cả nước dự kiến sẽ giảm khoảng hơn 22.000 cán bộ, công chức cấp xã (11.161 đơn vị x 02 người/đơn vị). Nếu tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II thì sẽ tăng khoảng 5.500 người (hiện tại cả nước có khoảng 5.500 cấp xã loại II). Do đó, Thường trực Uỷ ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị tiếp thu theo ý kiến của đại biểu Quốc hội theo phương án tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II từ 1 người lên 2 người.
Hai phương án hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh
Về việc giảm Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng được đưa ra hai phương án:
Phương án 1: Quy định Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.
Phương án 2: Quy định Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có không quá 2 Phó Trưởng ban, trong đó có 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.
Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, tiếp tục nghiên cứu việc hợp nhất 3 Văn phòng theo hướng:
Phương án 1: Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thành một Văn phòng; giữ nguyên Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Phương án 2: Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành một Văn phòng.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, định hướng chung là ngày càng tăng số lượng đại biểu chuyên trách và nâng cao chất lượng cơ quan dân cử, để thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân không đồng tình với ý kiến cho rằng, thời gian qua có 2 phó chủ tịch HĐND ở địa phương làm tăng biên chế.
“Quan điểm của tôi là không nên giảm phó chủ tịch HĐND tỉnh, vì có nhiều việc làm để nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của cơ quan dân cử. Sao không giảm chỗ nào mà cứ giảm cơ quan dân cử?", Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4/10/2018 khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ chậm nhất là ngày 30/9/2019, làm cơ sở cho việc sửa đổi quy định về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Tiền phong