MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yêu cầu tiếp viên thực hiện một hành động nhưng không được đáp ứng, cả gia đình tự mình thực hiện nhưng lập tức bị cơ trưởng ‘đuổi’ khỏi máy bay, mất thêm 163 triệu đồng cho chuyến khác

29-05-2024 - 19:34 PM | Tài chính quốc tế

Sự việc của gia đình này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của các hãng hàng không trong việc đảm bảo an toàn cho hành khách.

Yêu cầu tiếp viên thực hiện một hành động nhưng không được đáp ứng, cả gia đình tự mình thực hiện nhưng lập tức bị cơ trưởng ‘đuổi’ khỏi máy bay, mất thêm 163 triệu đồng cho chuyến khác- Ảnh 1.

Vào ngày 21/5, gia đình chị Georgie Palmer (Anh) khởi hành từ London đến Dalaman (Thổ Nhĩ Kỳ) trên chuyến bay của hãng hàng không SunExpress. Con gái họ là bé Rosie, bị dị ứng đậu phộng nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến sốc phản vệ đe dọa tính mạng. Lo lắng cho tình trạng của con, Palmer đã đề nghị phi hành đoàn thông báo cho hành khách khác hạn chế ăn đậu phộng trong suốt chuyến bay.

Tuy nhiên, yêu cầu chính đáng của gia đình Palmer đã bị hãng hàng không SunExpress từ chối. Phía hãng cho biết họ không thể đảm bảo môi trường hoàn toàn không có chất gây dị ứng trên các chuyến bay. Theo quy định của SunExpress, hành khách có yêu cầu đặc biệt cần thông báo trước 48 tiếng. Tuy nhiên, chị Palmer khẳng định đã cố gắng liên lạc nhưng không thể kết nối với hãng.

Không nhận được sự hỗ trợ từ phi hành đoàn, Palmer đã tự mình hành động. Cô nhẹ nhàng nhờ những hành khách ngồi phía trước truyền đạt yêu cầu của gia đình đến những người xung quanh. Rất nhanh chóng, tất cả hành khách đều vui vẻ hợp tác và đảm bảo sẽ không ăn đậu phộng trên chuyến bay.

Tưởng chừng mọi chuyện đã êm xuôi, cơ trưởng bất ngờ lớn tiếng với gia đình Palmer sau khi chứng kiến sự việc. Vị cơ trưởng này sau đó đã yêu cầu cả gia đình rời khỏi máy bay. Hành động của phi công khiến gia đình Palmer vô cùng bức xúc.

Họ phải chi thêm 6.400 USD (khoảng 163 triệu VNĐ) để đặt lại vé máy bay và khách sạn. Người chồng là anh Nick Sollom cũng bị phía hãng cáo buộc có hành vi “hung hăng” với phi hành đoàn và “cố gắng xông vào buồng lái”. Anh Sollom phủ nhận hoàn toàn cáo buộc này và cho biết anh chỉ gõ cửa buồng lái để trao đổi với cơ trưởng, không hề có bất kỳ hành vi quá khích nào.

Sự việc của gia đình Palmer một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của các hãng hàng không trong việc đảm bảo an toàn cho hành khách, đặc biệt là những người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng.

Ông Nadim Ednan-Laperouse, đồng sáng lập Quỹ Nghiên cứu Dị ứng Natasha (Anh), nhận định hãng hàng không SunExpress cần xem xét lại chính sách của mình. Ông khẳng định: "Dị ứng thực phẩm là một loại bệnh chứ không phải là lựa chọn lối sống. Trải nghiệm của gia đình này trên máy bay gây sốc và không thể chấp nhận được. Thật không may, đây không phải là trường hợp hiếm hoi".

Trên thực tế, không chỉ SunExpress mà nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới như United Airlines hay Lufthansa cũng từng vấp phải những chỉ trích tương tự vì từ chối hỗ trợ hành khách dị ứng. Tháng 8 năm ngoái, một hành khách của hãng United Airlines thậm chí đã phải bỏ ra 185 USD để mua hết số đậu phộng trên chuyến bay nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân.

Theo BI

Thiên Di

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên