MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yếu tố quan trọng nào giúp xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam?

Yếu tố quan trọng nào giúp xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam?

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của thị trường trong thời gian tới.

Một mục tiêu lớn được đặt ra cho thị trường chứng khoán Việt Nam là hướng đến nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi trước năm 2025 theo tiêu chuẩn của FTSE và MSCI, là 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm thị trường vốn có uy tín nhất với nhà đầu tư quốc tế.

Còn nhiều tiêu chí mà thị trường Việt Nam phải tiếp tục phấn đấu đạt được, để đáp ứng yêu cầu nâng hạng, trong đó có việc tăng cường bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Theo đó, những động thái thanh lọc sai phạm trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây của cơ quan chức năng, được nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao và có thể tăng thêm điểm cộng trong các kỳ rà soát tới đây của các tổ chức xếp hạng thị trường quốc tế.

Cuối năm ngoái, Công ty chứng khoán VnDiret nhận định, nếu Việt Nam hoàn thành sớm hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong năm nay, thì có thể được tổ chức xếp hạng thị trường MSCI đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2023.

Sau đó, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá thị trường thường niên của MSCI vào tháng 5/2024.

Còn với kỳ đánh giá tháng 5/2022, ông Phạm Lưu Hưng, chuyên gia Kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán SSI nhận định, động thái thanh lọc thị trường gần đây cũng có thể tính là một điểm cộng đáng chú ý.

“Thời gian qua chúng ta làm hàng loạt thanh lọc thị trường kỳ vọng chuyện này làm quá trình nâng hạng dễ hơn, rất hy vọng, cũng đang mong trong bản đánh giá MSCI đợt tới họ ghi vài ý tích cực liên quan đến Việt Nam đã làm được, đã ở mức tốt lên cũng là điểm tốt” - ông Hưng cho biết.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của thị trường trong thời gian tới. Cộng đồng nhà đầu tư đang kỳ vọng những thay đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, việc tăng cường công khai, minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư, cũng là đề nghị đã được nhắc đến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – VBF, một cơ chế đối thoại thường niên giữa Chính phủ với đại diện cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Tại kỳ họp VBF 2021 hồi đầu năm nay, ông Dominic Scriven, Trưởng Nhóm Công tác thị trường vốn của VBF nhìn nhận: “Nhận thức niềm tin và bảo vệ nhà đầu tư. Sự phát triển của thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư, điều này chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường, áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam hiện có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân, chiếm 93% giao dịch”.

Qua động thái thanh lọc thị trường vừa qua, cơ quan quản lý Nhà nước khẳng định, đây là nỗ lực và quyết tâm rất lớn từ Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng nhằm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán nước ta. Đây chỉ là các sự vụ đơn lẻ, chỉ có tác động tới tâm lý của thị trường trong ngắn hạn. Và dù khó tránh khỏi việc thị trường có giảm điểm trong ngắn hạn, nhưng việc “loại bỏ những hạt sạn” sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.

Bởi mục tiêu của cơ quan quản lý là xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán an toàn, minh bạch và bền vững, nên thanh lọc thị trường sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư chân chính, tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán trong việc thu hút thêm các dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, góp phần hỗ trợ quá trình nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu vấn đề: "Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các cơ quan như Vụ Tài chính ngân hàng, Cục Kế toán kiểm toán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đảm bảo vừa ủng hộ vừa giám sát kiểm tra, tránh vấn đề thao túng thị trường chứng khoán. Những hành vi thao túng phải được xử phạt một cách nghiêm minh, nhưng những doanh nghiệp thực hiện tốt quy định thì phải được ủng hộ hết mức, để thị trường chứng khoán phát triển bền vững".

Tại Hội nghị về thị trường vốn mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ: Chính phủ đặt ra quyết tâm cao thực hiện giải pháp lành mạnh hóa thị trường vốn, ai vi phạm phải bị xử lý, nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế, điều quan trọng nhất là bảo vệ các nhà đầu tư chân chính chiếm đại đa số trên thị trường; khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt là liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, nhà đầu tư, tăng cường các giải pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin, đặc biệt là xử lý nghiêm tình trạng thao túng, làm giá, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Như vậy, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững và được nhà đầu tư quốc tế ghi nhận bằng việc nâng hạng thị trường trong thời gian sớm nhất - đây là mục tiêu của thị trường chứng khoán nước ta. Trong tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; đồng thời là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả của nhà đầu tư.

Theo đánh giá chung, nếu được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội chuyển mình trong việc nâng cao sức cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư quốc tế. Bởi hiện nay, Việt Nam vẫn đang nằm trong khu vực thị trường cận biên, trong khi các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đã thuộc nhóm các thị trường mới nổi nhiều năm nay.

Tính tới tháng 9 năm ngoái, thị trường chứng khoán Việt Nam cùng với Iceland, Mông Cổ và Nga đang nằm trong Danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE. Cụ thể: Thị trường chứng khoán Iceland được cân nhắc từ thị trường nhỏ, không xếp hạng, lên thị trường Cận biên. Việt Nam đang được cân nhắc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường Mới nổi thứ cấp. Mông Cổ và Nga được xem xét nâng từ thị trường Mới nổi thứ cấp lên Mới nổi tiên tiến.

Trong Báo cáo triển vọng thị trường 2022, Công ty chứng khoán VnDirect đã đưa ra kịch bản lạc quan rằng FTSE có thể thông báo đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào nhóm thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá thị trường hàng năm vào tháng 9 năm nay. Còn với kịch bản cơ sở, thị trường chứng khoán của Việt Nam có thể sẽ được thông báo để đưa vào chỉ số thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá thị trường hàng năm vào tháng 9 năm nay.

Theo Trung Hiếu

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên