MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Youtuber, Tiktoker livetream kiếm tiền phản cảm sẽ bị xử phạt thế nào?

20-09-2023 - 13:45 PM | Kinh tế số

Hành vi livestream có chứa các nội dung thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Những năm gần đây, mạng xã hội Facebook, Youtube… phát triển một cách nhanh chóng, đặc biệt là sự xuất hiện và phát triển rộng rãi của nền tảng Tiktok. Việc các mạng xã hội này phát triển ngoài những mặt tích cực còn kéo theo nhiều hệ luỵ tiêu cực, đặc biệt là việc nhiều người đã lợi dụng các nền tảng này để kiếm tiền một cách phản cảm.

Một trong những hành vi nhức nhối là tình trạng livetream (phát trực tiếp) hoặc quay lại các video, hình ảnh trong những sự kiện nhạy cảm, riêng tư của bản thân, gia đình người khác như trong đám tang hoặc trong vụ tai nạn, …

Youtuber, Tiktoker livetream kiếm tiền phản cảm sẽ bị xử phạt thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều người bức xúc với đội quân TikToker, YouTuber chen vào livestream tận nơi làm lễ hạ táng nghệ sĩ Vũ Linh hồi tháng 3/2023 nhằm câu view, kiếm tiền. Ảnh: T.T.D

Mặc dù pháp luật không cấm việc cá nhân livetream nhưng việc lựa chọn livetream trong các sự việc nêu trên hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người livetream. Phần lớn hành vi livetream trong đám tang hoặc trong các vụ tai nạn… là những hành vi vi phạm nguyên tắc đạo đức, tạo nên những hình ảnh xấu xí, độc hại cho mạng xã hội.

Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Gia (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), những hành động này chủ yếu để thu hút sự hiếu kỳ, tò mò của một bộ phận công chúng mạng nhằm quảng bá bản thân, kiếm tiền bất chấp những nguyên tắc đạo đức cộng đồng.

Việc livetream gây ảnh hưởng đến đời sống riêng tư, đời sống cá nhân của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội. Cụ thể:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;”

Theo quy định này, việc xử phạt vi phạm hành chính còn tương đối hạn chế, chỉ được đặt ra với các hành vi livestream phản cảm nếu các nội dung thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.

Ngoài ra, nếu hành vi livestream có chứa các nội dung thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Hiện tại, không thể phủ nhận Youtuber và Tiktoker đang trở thành công việc thịnh hành tại Việt Nam bởi thu nhập "khủng" và bất cứ ai cũng có thể sáng tạo nội dung để đưa lên mạng xã hội nhằm kiếm tiền. Tuy nhiên, mạng xã hội là con dao hai lưỡi, vì vậy mọi người cần có bản lĩnh kiểm soát những điều mình đang làm để không làm xấu đi không gian mạng. Đồng thời, để trả lại môi trường trong sạch cho người dùng mạng xã hội, pháp luật cần có những chế tài răn đe mạnh hơn nữa đối với các Youtuber, Tiktoker khi livestream các nội dung phản cảm.

Theo Vững Nguyễn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên