MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1 tạng nắm giữ sinh mệnh cơ thể nhưng lại bị "bỏ bê", ít được thải độc và quy tắc 3 nên - 1 không cần nhớ

09-11-2023 - 06:00 AM | Sống

1 tạng nắm giữ sinh mệnh cơ thể nhưng lại bị "bỏ bê", ít được thải độc và quy tắc 3 nên - 1 không cần nhớ

Đa phần mọi người thường quan tâm tới thải độc dạ dày, gan nhưng lại ít người chú trọng việc thải độc cho phổi - một tạng cực kỳ quan trọng, nắm giữ sinh mệnh của con người.

Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) làm sạch phổi giúp cơ thể thoát khỏi các độc tố có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác. Phổi sẽ hoạt động tốt nhất khi chúng khỏe mạnh và được giải độc định kỳ.

Trong y học cổ truyền tạng phế (phổi) có hai chức năng: Phế giữ chức năng hô hấp và phế chủ chân khí của cơ thể. Trong Thiên kinh mạch của Đông y có đề cập: "Các kinh mạch đều thu về phế". Chúng ta có thể không ăn vài tuần, không uống nước một vài ngày, nhưng lại không thể ngừng hít thở. Do đó, việc giữ cho phổi khỏe mạnh là điều vô cùng quan trọng.

Chuyên gia khuyến khích mọi người nên thực hiện 1 không - 3 nên để giúp 'thải độc' cho phổi và giữ cho phổi luôn khỏe mạnh.

Nên uống đủ nước

Bác sĩ Vũ cho rằng, nước có vài trò rất quan trọng việc duy trì chức năng của phổi. Do vậy, cần phải bổ sung đủ nước để phổi hoạt động hiệu quả. Tuỳ theo tuổi tác, giới tính, bệnh lý, tần suất vận động mà mỗi người lại có lượng nước cần uống khác nhau. Để thải độc cho phổi, mọi người cần thường xuyên uống nước, ít nhất 8-10 ly/ngày.

Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi

Chế độ ăn chứa nhiều rau xanh và hoa quả tươi rất tốt cho phổi và có thể giúp thải độc tố. Đặc biệt là các loại rau lá xanh đậm hoặc rau củ quả có màu sắc sặc sỡ chứa vitamin A, C, E và selen có thể giúp tăng khả năng chống oxy hóa cho phổi.

1 tạng nắm giữ sinh mệnh cơ thể nhưng lại bị "bỏ bê", ít được thải độc và quy tắc 3 nên - 1 không cần nhớ - Ảnh 1.

Nước nho tốt cho phổi (ảnh minh hoạ)

Theo bác sĩ Vũ, mọi người cũng có thể dùng quả hồ trăn, lá chuối vì có thể giúp thúc đẩy chức năng phổi khỏe mạnh. Quả hồ trăn có chứa gamma-tocopherol, một dạng của vitamin E được cho là có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi. Lá chuối có thể giúp giải quyết các vấn đề có liên quan đến tắc nghẽn đường hô hấp.

Nên tập thở để tăng dung tích phổi

Bác sĩ Vũ cho biết, tập thở là cách đơn giản để tăng cường chức năng và thải độc cho phổi. Việc hít thở sâu cũng giúp cung cấp oxy cho cơ thể.

Bài tập phổi được bác sĩ Vũ gợi ý thực hiện như sau:

Thở 4 thì có kê mông giơ chân

- Tư thế: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông, cao khoảng 5-8cm, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực; nhắm mắt, chú ý vào việc tập thở.

- Thì 1: Hít vào tối đa, ngực nở bụng phình và căng (3-6 nhịp đếm); (Hít ngực bụng nở).

- Thì 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách cố gắng hít thêm, lồng ngực vẫn giữ nguyên ở tình trạng nở tối đa, bụng vẫn phình căng cứng, đồng thời giơ 1 chân giao động qua lại 4 (hoặc 6) cái, rồi hạ chân. (3-6 nhịp đếm); (Giữ hơi hít thêm).

- Thì 3: Thở ra thoải mái tự nhiên, để lồng ngực và bụng tự nhiên hạ xuống (3-6 nhịp đếm).

- Thì 4: Thư giãn chân tay mềm giãn. (3-6 nhịp đếm); Sau đó, chuẩn bị trở lại thì 1, hít vào.

Mỗi lần tập 10 lần hít thở. Một ngày tập 1-2 lần.

Lưu ý: Để tập 4 thì bằng nhau, mọi người có thể nhẩm công thức thực hành 4 nhịp.

Ngoài ra, mọi người cũng có thể tập các bài tập yoga, khí công để thải độc cho phổi.

Không hút thuốc, tránh xa khói thuốc

Khói thuốc lá là tác nhân tàn phá phổi khủng khiếp nhất. Hút thuốc có hại và gây tắc nghẽn trong phổi thậm chí là ung thư phổi.

Muốn có lá phổi khoẻ mạnh bác sĩ Vũ khuyên mọi người nên tránh xa khói thuốc lá.

Cuối cùng, theo các chuyên gia, để có một lá phổi khoẻ môi trường sống cũng rất quan trọng. Nếu như mọi người sống trong môi trường ô nhiễm sẽ có thể làm suy giảm chức năng phổi, khiến cơ thể dễ mắc bệnh. Do vậy, mọi người cần giữ cho nhà hoặc nơi ở thoáng khí liên tục.

Theo Ngọc Minh

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên