MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 phát ngôn đáng chú ý của Thủ tướng tại hội nghị Tương lai châu Á

"Chúng ta vẫn thường nghe về "Giấc mơ Mỹ" hay “Giấc mộng Trung Hoa”, nhưng dường như trên phương diện truyền thông, các giấc mơ Miến Điện, giấc mơ Lào, Campuchia hay giấc mơ Việt Nam… còn ít được biết đến", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ trong bài phát biểu tại hội nghị Tương lai châu Á.

Với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á”, Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 đã chính thức khai mạc sáng 5/6 tại Tokyo, Nhật Bản.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng đã nhắc lại lịch sử ngoại thương Việt Nam. Từ khoảng thế kỷ 16, thương cảng Hội An (Quảng Nam, Việt Nam) đã dần hình thành một trong những nơi buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền ở châu Á. Khi đó, người Nhật Bản là những nhà kinh doanh quốc tế thuộc thế hệ đầu tiên đã có những đóng góp quan trọng, đưa Hội An tham gia vào hệ thống thương mại xuyên biên giới, trở thành nơi mà cho đến hôm nay vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích của một mô hình cảng thị hội nhập quốc tế ở vào buổi sơ khai của nền thương mại toàn cầu.

Trước đó, nhà kinh tế học người Anh, Adam Smith đã phát hiện ra chìa khóa cho sự thịnh vượng của một quốc gia đó là "tự do tự nhiên", được hiểu là tự do sản xuất và trao đổi hàng hóa theo nhu cầu tự nhiên, mở cửa thị trường trong nước cũng như quốc tế để cạnh tranh theo nguyên tắc tự do, công bằng. Qua đó, Thủ tướng cho rằng, thực tế lịch sử cho thấy, dù chúng ta ủng hộ hay không ủng hộ toàn cầu hóa thì đó vẫn là xu thế tất yếu.

Trong nhiều thế kỷ qua, những hành trình ngược xuôi, những câu chuyện huyền thoại trên con đường tơ lụa lịch sử đã giúp chúng ta hiểu một điều quan trọng: Toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người.

Trên thế giới, châu Á là châu lục lớn nhất về diện tích và dân số. đa dạng về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc với bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Vì vậy, Thủ tướng cho rằng châu Á đang là động lực tăng trưởng chủ chốt trong quá trình toàn cầu hóa.

Thực tế, nhiều nước châu Á đã vươn lên và có sự phát riển thần kỳ. Singapore đã phát triển và có nền kinh tế mở, năng động bậc nhất thế giới. Hàn Quốc với "kỳ tích sông Hàn” của châu Á dã trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, một thành viên quan trọng của OECD. Một điển hình khác là Trung Quốc, nước này có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với nhiều thập niên tăng trưởng ngoạn mục, đưa hàng trăm triệu người thoát nghèo. Từ những ví dụ trên, Thủ tướng cho rằng "Sự vươn lên của châu Á là sự vươn lên của tập hợp các quốc gia luôn hướng tới hội nhập quốc tế sâu sắc và mạnh mẽ".

Theo Thủ tướng, điều kiện để các quốc gia đều có thể vươn lên là các bên phải tôn trọng các nguyên tắc chung được quốc tế thừa nhận. Nguyên tắc đó là tự do, bình đẳng, không có sự phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, màu da, sắc tộc hay giới tính. Tất cả cùng hợp tác, đóng góp vì hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia, mọi người dân châu Á.

Những "Giấc mơ Mỹ" hay “Giấc mộng Trung Hoa” chỉ mới là vấn đề riêng lẻ. Thủ tướng cho biết, trên phương diện truyền thông, các giấc mơ Miến Điện, giấc mơ Lào, Campuchia hay giấc mơ Việt Nam cũng cần được nhắc đến ở châu Á.

Bởi lẽ, châu Á là cộng đồng gồm nhiều nước và giấc mơ của mọi quốc gia, của nước lớn cũng như nước nhỏ, nước phát triển cũng như chưa phát triển cần phải được lắng nghe. "Châu Á phải là một nơi mà ở đó chúng ta sẽ được lắng nghe về giấc mơ của mọi quốc gia, của nước lớn cũng như nước nhỏ, nước phát triển cũng như chưa phát triển" - Thủ tướng nói.

Khép lại bài phát biểu, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Nhật Bản. Trong quá khứ, Nhật Bản đã làm nên kỳ tích. Và ngày nay, sự phát triển châu Á và mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng cần có vai trò rất lớn của nước Nhật.

Đối với Thủ tướng, Nhật Bản không chỉ là nhà đầu tư hàng đầu khu vực với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, có vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực, mà nước Nhật còn là tấm gương về văn hóa kỷ luật, kiên nhẫn và đức hy sinh.

Minh chứng cho điều này là tinh thần đoàn kết, kỷ luật, bình tĩnh của nước Nhật trong thảm họa kép năm 2011. Dù trong hoàn cảnh éo le, người dân Nhật Bản vẫn trật tự xếp hàng. Cậu bé 9 tuổi nhường phần đồ ăn của mình cho những người khác, hay những người cứu hộ không quản ngại nguy hiểm, bền bỉ tìm kiếm các nạn nhân sau thảm họa… là những chi tiết được Thủ tướng nêu lại.

Về quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng tái khẳng định lại nhiều thành quả về kinh tế, chính trị, giáo dục,... trong hơn 40 năm. Qua đó, Thủ tướng chia sẻ rằng: “Tầm nhìn sẽ quyết định phương thức chúng ta tư duy, cách thức chúng ta hành động tại thời điểm hiện tại. Tôi mong rằng mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi người dân châu Á hãy cùng chung tay hành động vì một châu Á hòa bình và thịnh vượng”.

Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2, là đối tác lớn thứ 3 về du lịch và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Hai nước xây dựng mối quan hệ ổn định, tin cậy thông qua các cuộc đối thoại, các cuộc tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao giữa hai nước. Nhật Bản và Việt Nam đã ký 9 thỏa thuận hợp tác giữa các trường đại học và Chương trình chiến lược hợp tác về giáo dục. Đặc biệt, Trường Đại học Việt Nhật đang dần trở thành biểu tượng cho sự hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Vương Diệu Quân - 7pm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên