MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

14/44 Bộ, cơ quan Trung ương không cung cấp bất kỳ thông tin nào về ngân sách

14/44 Bộ, cơ quan Trung ương không cung cấp bất kỳ thông tin nào về ngân sách

Mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương năm 2021 dù có sự cải thiện so với những năm trước, nhưng vẫn ở mức thấp đáng quan ngại, chỉ tăng 9,26 điểm so với khảo sát năm 2020.

Khảo sát Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) được thực hiện định kỳ từ năm 2018 là khảo sát độc lập đầu tiên tại Việt Nam đánh giá mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương. Đây là công cụ giúp các Bộ, cơ quan Trung ương có thể tham chiếu và đo mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN) và mức độ thực thi Luật NSNN năm 2015.

Kết quả MOBI 2021 được Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) công bố ngày 18/10 cho thấy, mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương dù có sự cải thiện so với những năm trước, nhưng vẫn ở mức thấp đáng quan ngại. Điểm số trung bình MOBI 2021 chỉ đạt 30,9/100 điểm, tăng 9,26 điểm so với MOBI 2020.

Đặc biệt trong năm 2021, các Bộ, cơ quan Trung ương công khai chưa đầy đủ các tài liệu ngân sách theo quy định. Có 30 cơ quan, tổ chức trên tổng số 44 cơ quan trong kỳ khảo sát MOBI 2021 công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách, tăng 3 đơn vị so với kỳ khảo sát 2020. Đáng chú ý, tại thời điểm 31/3/2022, có 14/44 Bộ, cơ quan Trung ương (tương đương với 31,8%) không công khai bất cứ tài liệu ngân sách nào trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

14/44 Bộ, cơ quan Trung ương không cung cấp bất kỳ thông tin nào về ngân sách - Ảnh 1.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, Chuyên gia tài chính công, Đại diện nhóm nghiên cứu MOBI.


PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, Chuyên gia tài chính công, Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trong kỳ đánh giá năm 2021, MOBI tiếp tục khảo sát mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện và tính liên tục của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các đơn vị theo Luật NSNN 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

“Chỉ số công khai ngân sách nhìn chung có sự cải thiện nhẹ nhưng không đáng kể, các Bộ, cơ quan Trung ương chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định. Trong số 23 đơn vị có công bố tài liệu về Dự toán ngân sách năm 2022, chỉ có 7/23 đơn vị công bố đúng thời hạn. Đối với tài liệu về Quyết toán ngân sách năm 2020, có 12/20 đơn vị có công khai thông tin công bố đúng thời hạn theo quy định, ông Cường cho biết. Không có đơn vị nào công khai đúng hạn báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cả năm 2021”, ông Cường cho hay.

Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương năm 2021 cũng đánh giá về tính thuận tiện, tuy nhiên chỉ có 33/44 đơn vị có điểm về tính thuận tiện (tương đương với 75%), tăng 1 đơn vị so với khảo sát MOBI 2020. Định dạng của các tài liệu ngân sách được công khai trên cổng thông tin điện tử/trang thông tin điện tử của đơn vị chủ yếu dưới dạng PDF hoặc scan ảnh, do vậy còn hạn chế cho người dân đọc và sử dụng thông tin ngân sách từ các định dạng tài liệu này.

Nhận xét về MOBI 2021, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Đại diện nhóm Nghiên cứu cho rằng, việc sau gần 1 thập niên thực hiện Luật Ngân sách mới, các Bộ, cơ quan Trung ương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai ngân sách theo tinh thần của Luật NSNN 2015 và hướng dẫn của các Thông tư 61/2017 và 90/2018 của Bộ Tài chính, nên đây có thể coi là một thực tế đáng lo ngại trong quản trị nhà nước.

“Kết quả MOBI 2021 đã chỉ ra, vào thời điểm khảo sát gần nhất (31/3/2022), có tới 14/44 cơ quan trung ương không công khai bất cứ một tài liệu nào theo quy định của pháp luật. Với các đơn vị có công khai nhưng đại đa số mức độ còn sơ sài và không đầy đủ. Mức điểm trung bình của MOBI 2021 chỉ đạt 30,9 tiếp tục gây thất vọng. Nếu so sánh với việc công khai ngân sách của các địa phương thì các cơ quan Trung ương đã đi sau rất nhiều…”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành nêu rõ.

Từ kết quả khảo sát MOBI 2021, đại diện nhóm nghiên cứu và nhiều chuyên gia đưa ra các nhóm khuyến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ và cơ quan Trung ương, đặc biệt là Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước, nhằm thúc đẩy các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện công khai ngân sách theo quy định của pháp luật và ban hành chế tài xử lý các đơn vị không thực hiện công khai NSNN. Trong đó, Chính phủ cần áp dụng biện pháp đánh giá tình hình thi hành pháp luật về công khai ngân sách và báo cáo với Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Quang Thương, đại diện Tổ chức điều phối Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) cho rằng, điểm trung bình của MOBI 2021 là 30.9/100 điểm, trong khi điểm trung bình của chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2021 là 69.53/100 điểm. Điều này cho thấy các Bộ, cơ quan Trung ương chưa cải thiện mức đô công khai ngân sách, chưa thực hiện đúng các quy định về công khai ngân sách như các tỉnh, thành phố. “Quốc hội, Chính phủ cần phải thúc đẩy các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện đúng quy định công khai ngân sách như nội dung khuyến nghị của báo cáo MOBI 2021”, ông Thương đề xuất./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên