1.800 ngày làm việc tại Microsoft đã dạy chàng trai 5 bài học vô giá để xây dựng một sự nghiệp thành công: Số 2 và 3, sếp hay nhân viên đều nên ghi nhớ!
Sau 5 năm làm việc với hàng trăm lần thử nghiệm và mắc sai lầm, Scott Shapiro, một nhân viên cũ của Microsoft, đã đúc rút được 5 bài học hàng đầu và quan trọng nhất để ai cũng có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp của mình.
- 05-09-2018Vẽ một cuộc sống "ảo" hoàn hảo trên facebook: Học tiếng Anh chăm chỉ, tập thể dục đều đặn, nỗ lực không ngừng nghỉ - Đó là hành động tàn nhẫn nhất với chính mình
- 05-09-20187 điều tuyệt vời ở người Nhật Bản mà ai nghe cũng cảm thấy thán phục, học hỏi ngay từ hôm nay để có cuộc sống hạnh phúc
- 30-08-2018Bài học về sự kiên trì mà bất kỳ ai cũng phải ghi nhớ trong đời: Cách nhanh nhất để vượt qua tảng đá là đi xuyên qua nó!
Mùa hè năm 2013, sau khi tốt nghiệp Đại học Michigan, tôi chuyển đến Seattle (Mỹ) và làm việc cho Microsoft như một thành viên của nhóm marketing. Trong sự nghiệp của mình, tôi đã thực hiện nhiều dự án thú vị cùng những người thật tuyệt vời. Tôi thấy tự hào về tất cả, bao gồm việc khởi chạy tính năng Resume Assistant được vận hành bởi LinkedIn, Learning Tools về khả năng truy cập và tái thiết kế OneNote.
Dù không còn làm việc tại Microsoft nhưng sau 5 năm, làm qua 3 công việc dưới trướng 4 người quản lý, tham gia 15 hội nghị ở sáu quốc gia, chào đón một vị CEO mới cùng hàng tá email, cuộc họp và các cuộc đối thoại với khách hàng, đây là 5 bài học quý giá, quan trọng nhất mà tôi đúc rút được cho bản thân mình.
1. Bạn chịu trách nhiệm về sự nghiệp của mình
Hãy bắt đầu với một sự thật hiển nhiên nhưng quan trọng: Ngoài bản thân bạn thì chẳng có ai quan tâm tới sự nghiệp của bạn cả. Có nhiều người có thể giúp bạn nhưng chính bạn phải nhập cuộc và đặt mình vào công việc để tìm ra mong muốn đầu tiên của bạn là gì.
Xác định những mục tiêu của bạn: Bạn phải biết được bản thân muốn đạt được điều gì và muốn học những kỹ năng nào.
Chia sẻ những điều bạn quan tâm: Hãy "bắt tay" với quản lý của bạn để tìm các dự án kéo dài và xây dựng các kỹ năng đó thông qua công việc khi có thể.
Đặt ra những kỳ vọng rõ ràng: Bạn cần xác lập với quản lý của bạn về các yếu tố giúp nhân viên thành công và cách thức để thăng tiến. Việc này cũng giống như khi bạn đi học, sẽ thật khó để bạn có thể đạt được điểm A+ mà không biết cách đánh giá, chấm điểm của giáo sư.
Mọi người thường nghĩ rằng họ đang đi đúng hướng để được thăng tiến hay được thưởng dựa trên sự đánh giá của chính họ, nhưng thực ra quan điểm của nhà quản lý mới là vấn đề quyết định.
Biến công việc thành của riêng bạn: Hầu hết các công việc lúc đầu không phải là công việc mơ ước của bạn. Tuy nhiên, theo CEO của Microsoft, Satya Nadella, "Việc tìm ra một vài sự liên kết giữa cái mà bạn đam mê với nền tảng mà công ty cung cấp" sẽ là giải pháp cho vấn đề này. Hãy tìm ra điểm chung và phấn đấu hướng tới nó. Đối với tôi, đó là công nghệ có thể truy cập, và đây là lý do khiến tôi tập trung phát triển Learning Tools cho OneNote.
2. Luôn có nhiều hơn một cách để bạn hoàn thành tốt công việc của mình
Mỗi công việc đều có một tổ hợp các trách nhiệm và kỳ vọng cốt lõi riêng, nhưng cách bạn tiếp cận những điều này có thể khác so với mọi người khi nắm giữ chức vụ và vị trí tương tự. Tuy vậy, tất cả chúng ta vẫn có thể làm tốt công việc của mình.
Phát huy thế mạnh của bạn: Xác định rõ ràng những việc bạn có thể làm tốt. Sau đó hãy tìm hiểu xem nhóm hay công ty của bạn đang cần gì và tập trung vào các điểm chung. Ví dụ, là một nhà tiếp thị sản phẩm, tôi thích hiểu rõ hơn các chi tiết kỹ thuật về cách sản phẩm hoạt động, trong khi những người khác lại tập trung vào các chiến dịch quảng cáo lớn. Tuy nhiên, cách tiếp cận nào rồi cũng sẽ dẫn tới thành công.
Chia sẻ các ý tưởng của bạn: Mọi người khi bắt đầu sự nghiệp của mình thường tự hỏi: "Khi nào tôi có thể trình bày ý tưởng của mình?" Kỳ thực, sẽ chẳng có ai nói cho bạn biết cả, thay vào đó, chính bạn phải tự tạo ra cơ hội để đưa ra các ý tưởng dù lớn hay nhỏ của mình để giúp công ty và khách hàng.
Bên cạnh đó, đừng quên trình bày thêm những thông tin hỗ trợ, củng cố cho quan điểm của bạn vì nó cho thấy bạn đã suy nghĩ kỹ càng về ý tưởng đó. Người quản lý đầu tiên của tôi từng nói với tôi rằng bạn không được trả lương để ngồi trả lời email, mà được trả tiền để suy nghĩ, và điều này đã tiếp thêm sức mạnh để tôi lên tiếng.
Biết những đánh giá của người khác về bản thân: Hãy lắng nghe xem mọi người tại nơi làm việc nói gì về bạn để ý thức được về nơi bạn đang làm việc, lĩnh vực bạn muốn làm và những điều mà mọi người coi trọng ở bạn. Nhận thức là thực tế nên hãy yêu cầu vài đồng nghiệp mô tả về bạn bằng 3 từ, lắng nghe những gì họ nói và tìm ra sự đồng nhất.
Ví dụ, mọi người đánh giá cao sự sẵn sàng của tôi vì việc không chấp nhận hiện trạng và điều này giúp tôi loại bỏ được các yếu tố cản trở, những "hạt sạn" khi xem xét những cách tiếp cận vấn đề mới.
Mọi người làm việc theo cách khác nhau: Nếu bạn và quản lý cảm thấy những thói quen làm việc của bạn ổn thì đừng so sánh bản thân với người khác. Làm việc nhiều giờ hơn không đồng nghĩa với việc đạt năng suất cao hơn. Trong một thời gian dài, tôi đã phân vân liệu tôi có đang làm sai hay không khi dành tối chủ nhật để xem "Last Week Tonight with John Oliver" thay vì chuẩn bị cho tuần làm việc mới nhưng thực sự đó mới là điều có hiệu quả với tôi.
3. Sẵn sàng yêu cầu sự giúp đỡ
Bạn biết và nhớ nhiều bao nhiêu thì bạn càng làm tốt công việc bấy nhiêu là một suy nghĩ sai lầm phổ biến hiện nay. Khi bạn làm việc ở các cấp cao hơn và phải xử lý những việc phức tạp hơn, bạn sẽ cần tới sự thúc đẩy và giúp đỡ của đồng nghiệp để tạo nên thành quả.
Xác định những điều bạn cần phải biết: Hãy tìm ra những yếu tố quan trọng nhất để bạn đạt được thành công ở vị trí bạn đang đảm nhận và các cơ sở thực tế bạn cần để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Hãy tập trung tìm hiểu về công ty, khách hàng và cốt lõi sản phẩm của bạn mỗi ngày nhưng phải cảm nhận được tầm nhìn 30.000 foot thích hợp hơn so với tầm nhìn 3 inch.
Tận dụng chuyên môn của đồng nghiệp: Mỗi thành viên trong một nhóm sẽ đảm nhiệm một vị trí, công việc chính riêng. Bạn cần phải có khả năng mô tả công việc của từng người, đặc biệt là trong những công ty lớn, nhưng bạn không cần phải nhớ tất cả những điều đó. Việc hỏi ý kiến đồng để giải quyết những câu hỏi hóc búa là điều bình thường và đó là một phần của sự cộng tác.
Đặt các câu hỏi để xác định sự ưu tiên: Nếu bạn không chắc chắn về cách thực hiện một dự án hay công việc nào đó thì hãy hỏi người khác một vài câu hỏi cơ bản. Tùy vào cách họ trả lời, bạn sẽ biết được hai điều: thông tin chính bạn cần để bắt đầu và ý thức về sự cấp thiết. Khi bốn người trong nhóm của tôi chuyển sang vị trí mới cùng một lúc thì một ngày vẫn có 24 giờ và điều này giúp tôi tiếp tục làm tốt công việc của mình.
Thảo luận về công việc của bạn: Xem xét các dự án của bạn ở những giai đoạn quan trọng với các bên liên quan và đồng sự để nhận được sự phản hồi và đánh giá. Nhờ đó, bạn sẽ cải thiện được các ý tưởng của bản thân.
4. Xác định vấn đề, đưa ra giải pháp
Nếu gặp phải hay nhận thấy vấn đề thì đừng chỉ đưa ra và biến nó thành vấn đề của người khác. Madeline Albright đã nói: "Bạn biết câu nói "Thấy gì nói nấy", và tôi bổ sung thêm là hãy làm điều gì đó". Đây chính xác là thái độ mà chúng ta cần có tại nơi làm việc, tìm ra vấn đề hoặc cơ hội và làm điều gì đó về nó.
Thiết lập bối cảnh và kỳ vọng: Hãy tóm gọn tình hình với quản lý và đưa ra những mong muốn của bạn. Bạn có cần sự trợ giúp lúc này không, dự đoán trước các yêu cầu trong tương lai hay bạn có đang gửi email dưới dạng FYI? Bạn nên trình bày rõ ràng để quản lý có thể đặt sự ưu tiên cho việc đó. Cách này đã hơn một lần giúp tôi có được sự chấp thuận và bảo đảm từ quản lý trong khi tôi giúp "gỡ rối" sự việc.
Đưa ra giải pháp: Hãy đưa ra một quan điểm rõ ràng cùng các sự lựa chọn về bước đi tiếp theo để giải quyết vấn đề chứ đừng chỉ đơn thuần "vứt" thêm một vấn đề cho quản lý của bạn.
Đừng khiến quản lý của bạn bất ngờ: Bạn có thể thấy sợ hãi khi phải nói với quản lý về vấn đề mà bạn gặp nhưng trì hoãn cũng không phải là cách giải quyết. Tùy thuộc vào mức độ cấp thiết và hoàn cảnh, bạn nên thực hiện từng bước để tự giải quyết vấn đề đó. Tuy nhiên, bạn càng trì hoãn bao nhiêu, việc mà quản lý có thể thực hiện để giúp bạn giải quyết vấn đề hoặc giảm thiểu thiệt hại càng ít bấy nhiêu.
5. Tận dụng những cơ hội đặc biệt và độc nhất của công ty bạn
Đừng để các dự án hay công việc hàng ngày của bạn cuốn bạn đi. Hãy dành sự ưu tiên cho những phúc lợi thêm vào của công ty, dù đó là các diễn giả họ mời tới, chương trình giáo dục họ đưa ra hay các dự án toàn cầu.
Dành ra thời gian: Nếu có việc gì đó đang xảy ra trong trường học, bạn hoàn toàn có thể ưu tiên việc đó nếu vẫn hoàn thành tốt công việc của mình. Hãy trao đổi với người đứng đầu và quản lý của bạn để giúp mọi người thấy thoải mái và thuận tiện hơn.
Xây dựng điều đó trong kế hoạch của bạn: Một nhà quản lý tốt sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu nghề nghiệp của mình. Sau khi thống nhất được về những việc bạn muốn làm, hãy dựa vào công ty để thực hiện các việc đó, như tham gia các lớp học trực tuyến hay tình nguyện phát biểu trước mọi người. Đó là cách giúp tôi có thể chia sẻ trên toàn thế giới về các trải nghiệm quốc tế và đưa thêm một vài kỳ nghỉ thú vị vào lịch làm việc của mình.
Sử dụng mạng lưới quan hệ của bạn: Hãy xin phép để theo dõi những người bạn muốn học hỏi nếu họ sở hữu một kỹ năng cụ thể mà bạn đang rèn luyện hoặc làm việc trong lĩnh vực bạn cảm thấy tò mò, hứng thú.
Nếu bạn xác định rõ ràng về điều bạn đang hy vọng, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi cảm nhận được mọi người sẵn sàng làm việc với bạn như thế nào. Thêm vào đó, theo hiệu ứng Ben Franklin - một hiện tượng tâm lý, mọi người có xu hướng muốn làm nhiều điều hơn cho bạn khi họ đã hoàn thành một việc nào đó.
Business Insider