20 ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay từ ngày 01/4, là những ngân hàng nào?
Trong 2 ngày nay, hàng loạt ngân hàng đã công bố chính thức về các gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay, có ngân hàng giảm tới 4,5%/năm, cũng có ngân hàng giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu.
- 02-04-2020Chống dịch COVID-19: Ngân hàng giảm lãi suất 'sâu' nhất kể từ năm 2009
- 02-04-2020Thủ tướng đánh giá thế nào về nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dich Covid-19 gây ra?
Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong ngày 31/3, NHNN đã họp với 20 TCTD (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) thì tất cả TCTD đều đồng thuận rất cao là giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch.
Cũng trong 2 ngày nay, hàng loạt ngân hàng đã công bố chính thức về các gói tín dụng và giảm lãi suất cho vay, có ngân hàng giảm tới 4,5%/năm, cũng có ngân hàng giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu.
VIB là ngân hàng tiên phong công bố hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay hiện hữu, bắt đầu từ 1/4/2020. Cụ thể, VIB tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2,0% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực.
Gói hỗ trợ áp dụng cho tất cả các khoản vay trung dài hạn bằng tiền VNĐ (trừ trái phiếu) có lãi suất hiện hữu từ 9,5%. Theo ước tính ban đầu, sẽ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ ngay lập tức được hưởng hỗ trợ này trong nỗ lực của VIB nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
HDBank giảm mạnh lãi suất cho vay với mọi khách hàng, không yêu cầu chứng minh khó khăn do dịch Covid-19 kể từ ngày 31/3. Gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2-4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước.
Ngân hàng cũng thiết kế nhiều gói tín dụng cho nhiều đối tượng khách hàng trong mùa dịch Covid 19 như 10.000 tỷ đồng cho hỗ trợ bình ổn giá hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, lãi suất linh hoạt chỉ từ 6,5%/năm dành cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho cho các chuỗi siêu thị cho người dân; dành 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi cho các khách hàng SMEs; dành 3.000 tỷ đồng tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị-vật tư y tế nhằm đáp ứng nhu cầu đối phó dịch bệnh; gói 1.000 tỷ đồng cho chuỗi nông nghiệp nông thôn đảm bảo sản xuất cung ứng lúa gạo cho cả nước đồng thời tiếp sức cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang có khó khăn vì xâm hạn mặn ở ĐBSCL…
Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm
Tại cuộc họp hôm 31/3, lãnh đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cho biết ngân hàng đã có chính sách giảm lãi suất VND đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng bởi dịch. Tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 112.700 tỷ đồng. Thời gian tới, ngân hàng này sẽ có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5-5% một năm.
Bên cạnh đó, ngân hàng này sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9). Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm 300 tỷ đồng vì chính sách này.
Tại Agribank, ngân hàng dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 01/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.
Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.
Trước đó, ông Phạm Hoàng Đức - Chủ tịch Agribank cam kết sẽ cùng với các ngân hàng thương mại triển khai các cơ chế, chính sách trong đó hỗ trợ giảm lãi suất thêm 2%/năm đối với các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 như hiện nay.
VietinBank thông báo tiếp tục giảm 2% lãi suất cho vay, đưa ra chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, từ 01/4/2020 VietinBank tiếp tục triển khai chương trình tín dụng lãi suất thấp có quy mô 60 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước đây (trước thời điểm có dịch). VietinBank đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, VietinBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn quy mô như: Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, Ưu đãi lãi suất cho vay cố định, Vay ưu đãi lãi tri ân dành cho khách hàng bán lẻ,...với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,2%-3%/năm so với thông thường.
Tại BIDV, ngân hàng đã chính thức công bố giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay áp dụng cho cả vay thế chấp lẫn tín chấp. Cụ thể, đối với dư nợ hiện hữu, ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của doanh nghiệp.
Ngân hàng cũng giảm đến 1%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập. Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.
Đối với nhu cầu vay mới: BIDV có các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019.
Kienlongbank quyết định giảm 3%/năm lãi suất cho vay trong hạn so với mức lãi suất đang áp dụng theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã ký kết đối với cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Thời gian áp dụng giảm lãi vay từ ngày 01/4 đến hết ngày 30/6/2020, đối với những khách hàng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ưu tiên 5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp là Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang và Long An), để hỗ trợ kịp thời và cấp bách đến những khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Ngân hàng cho biết đây là chương trình nhằm bổ sung vốn sản xuất nông nghiệp (nuôi, trồng, chăm sóc) cây lúa, cây ăn trái, rau củ quả, thủy sản đối với 5 tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Trong thời gian này, Kienlongbank còn hỗ trợ khách hàng miễn phạt tiền lãi nợ quá hạn và tiền lãi chậm trả lãi. Thời gian được miễn/giảm lãi suất tối đa 3 tháng và không vượt quá ngày 30/06/2020.
VPBank tung gói hỗ trợ đặc biệt thứ 2, giảm lãi suất đến 2% cho doanh nghiệp gặp khó khăn mùa dịch. Cụ thể, đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm đối với khoản vay VND, 1%/năm đối với khoản vay USD. Đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất tối đa 2%/năm đối với khoản vay VND và 1%/năm đối với các khoản vay USD.
Những doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi này cần đáp ứng một số yêu cầu như: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận tải; có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu chiếm tối thiểu 50% doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2019; có nguồn nguyên liệu chiếm tối thiểu 50% từ thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu; cũng như gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo đánh giá của đơn vị kinh doanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải đáp ứng thêm một số điều kiện khác của VPBank như có xếp hạng tín dụng tốt qua nhiều kỳ liên tiếp; tình hình tài chính ổn định, minh bạch trước dịch được thể hiện qua các báo cáo kiểm toán.
TPBank ban hành thêm các chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng giải ngân mới với tổng dư nợ lên tới 12.000 tỷ đồng. Theo đó, TPBank có các gói 5.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, gói 4.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn, và 3.000 tỷ dành cho khách hàng cá nhân, với mức lãi suất ưu đãi giảm 1,5-2,5% so với mức lãi suất hiện hành.
Bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ gốc và lãi cho khách hàng theo quy định thì TPBank còn thực hiện giảm lãi suất từ 0,5% - 1% với các khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, với tổng số dư nợ có thể được xem xét lên tới 30.000 tỷ đồng.
ACB vừa triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng để đẩy mạnh hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Đây là giai đoạn hai của gói vay ưu đãi 35.000 tỷ mà ngân hàng đang thực hiện từ đầu tháng 2 đến nay nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trước đó trong tháng 2, ACB triển khai giai đoạn 1 với chương trình vay 25.000 tỷ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân có khó khăn trong hoạt động kinh doanh do tác động dịch Covid-19 với lãi suất ưu đãi giảm 0,5%-1,5% so với lãi suất thương mại của năm 2019.
Từ 31/03/2020, giai đoạn 2 của gói vay được tiếp tục triển khai thêm với 10.000 tỷ dành cho các khách hàng đặc biệt khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh do dịch Covid-19 cùng các ưu đãi: thời gian cho vay từ 36-48 tháng, vốn gốc được ân hạn đến 12 tháng và trả dần cho đến khi hết hạn khoản vay. Lãi suất vay thấp hơn đến 2% so với mặt bằng lãi suất vay của 2019.
SHB tung gói tín dụng 25.000 tỷ đồng, lãi suất giảm ít nhất 2%/năm cho cả khoản vay cũ lẫn mới. Đầu tiên là gói tín dụng quy mô 25.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường. SHB tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch.
Tiếp theo là miễn hoặc giảm lãi suất, phí cho các khoản vay cũ, lãi suất ưu đãi tối thiểu 2% cho các khách hàng hiện hữu của SHB gặp khó khăn bởi dịch.
(tiếp tục cập nhật)
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19