3 nước bắt tay Pháp lập liên minh đưa quân tới Ukraine: Nga xé lằn ranh đỏ, cảnh cáo "quyết định tự sát"
Pháp đang xây dựng một liên minh gồm các quốc gia sẵn sàng điều quân đội tới Ukraine sau tuyên bố ủng hộ Kiev "không giới hạn".
- 09-03-2024Pháp chế tạo thiết bị quân sự tại Ukraine
- 09-03-2024Ba Lan không loại trừ khả năng phương Tây điều quân tới Ukraine
- 09-03-2024Hệ thống phòng thủ yếu kém đến bất ngờ của Ukraine giúp Nga tiến bước
- 09-03-2024Báu vật 1,42 triệu tuổi từ loài người khác lộ diện ở Ukraine
- 08-03-2024Tổng thống Biden tuyên bố "không bỏ rơi Ukraine", gửi thông điệp trực tiếp tới ông Putin
Pháp lập liên minh các nước có khả năng đưa quân tới Ukraine
Tờ Politico (Mỹ) và tờ Baltic News Service (chi nhánh Lithuania) đưa tin, Pháp đang xây dựng một liên minh gồm các quốc gia sẵn sàng điều quân đội tới Ukraine.
Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné trong ngày 8/3 đã có mặt tại Lithuania, nơi ông gặp gỡ những người đồng cấp đến từ 3 nước Baltic và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba để củng cố ý tưởng rằng: Quân đội nước ngoài có thể hỗ trợ Ukraine.
Tại cuộc họp do Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis chủ trì, ông Séjourné nói: "Không đến lượt Nga chỉ cho chúng ta biết chúng ta nên giúp đỡ Ukraine như thế nào trong thời gian tới. Nga không có quyền chỉ đạo cách chúng ta hành động hoặc đặt ra các lằn ranh đỏ. Chúng ta tự mình quyết định điều đó".
Theo Ngoại trưởng Pháp, quân đội các nước châu Âu có thể hỗ trợ Ukraine rà phá bom mìn. Trong cuộc họp, ông Séjourné liên tục đề cập đến khả năng này và nhấn mạnh rằng, "điều đó đồng nghĩa với việc đưa một số lượng quân tới, nhưng không phải để chiến đấu".
Theo Politico, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo nghiêm trọng, khiến việc ngăn chặn các đợt tấn công dữ dội của Nga trở nên khó khăn hơn.
"Ukraine không đề nghị chúng ta gửi quân tới, mà đang đề nghị gửi đạn dược", ông Séjourné nói, "tuy nhiên, chúng ta sẽ không loại trừ bất cứ khả năng nào trong những tháng tới".
Phản hồi lại đề nghị của ông Séjourné, các Bộ trưởng vùng Baltic đã ca ngợi Pháp "có tầm nhìn".
Ngoại trưởng Lithuania Landsbergis nhắc lại lời ông Séjourné: "Chúng ta phải vạch ra lằn ranh đỏ cho Nga, chứ không phải cho chính chúng ta. Không thể loại trừ bất cứ hình thức hỗ trợ nào cho Ukraine. Chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ Ukraine ở bất cứ nơi nào cần thiết nhất".
Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna thì nói rằng "Chúng ta đích thực cần một cách tiếp cận khác, một sáng kiến khác để tiến về phía trước" trong vấn đề hỗ trợ Ukraine.
"Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và chúng ta phải thực hiện các quyết định đã được đưa ra" - Ông Tsahkna nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Latvia Krišjanis Karinis bày tỏ ý kiến rằng, Ukraine hiện cần những thứ thiết thực, như vũ khí, đạn dược và huấn luyện cho binh sĩ.
"Điều quan trọng là chúng ta phải truyền tải được cảm giác cấp bách mà chúng ta cảm thấy ở Đông Âu đến phần còn lại của châu Âu" - Ông Karinis nói.
Trước đó, theo tờ Le Monde, trong ngày 7/3, Tổng thống Pháp Macron đã gặp lãnh đạo các đảng phái ở nước này để thảo luận về tình hình Ukraine. Tại cuộc gặp, ông Macron khẳng định rằng "không có giới hạn nào" đối với sự hỗ trợ của Pháp dành cho Ukraine.
"Quan điểm của Pháp đã thay đổi: Không có lằn ranh đỏ hay giới hạn nào cả", Le Monde dẫn lời một quan chức tham gia cuộc họp cho biết.
Ông Macon vào tháng trước đã đề cập tới khả năng đưa quân đội phương Tây tới Ukraine, tuy nhiên ngay sau đó, hầu hết các nước châu Âu như Đức, Czech, Ba Lan... đều lần lượt ra tuyên bố rằng họ không có kế hoạch như vậy.
Chỉ riêng 3 nước Baltic (gồm Estonia, Lithuania và Latvia) - những quốc gia đang lo ngại trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga sau thành công ở Ukraine - tỏ ra cởi mở hơn với ý tưởng này.
Các quan chức Lithuania thời điểm đó cho biết họ cũng đang xem xét khả năng đưa binh sĩ tới Ukraine để hỗ trợ Kiev huấn luyện lực lượng.
Ba Lan sau đó cũng thay đổi quan điểm. Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski trong ngày 8/3 tuyên bố: "Sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine không phải là điều không thể tưởng tượng được".
Ông Sikorski đồng thời đánh giá cao sáng kiến của Tổng thống Macron, bởi "chính [Tổng thống Nga Vladimir] Putin mới đang sợ hãi, chứ không phải chúng tôi sợ Putin".
Hiện chưa rõ Warsaw có sẵn sàng gia nhập liên minh với Pháp nếu được đề nghị hay không.
Nga cảnh báo Pháp về "quyết định tự sát"
Phản ứng trước thông tin Pháp lập liên minh các nước có khả năng đưa quân tới Ukraine, ông Leonid Slutsky - người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế cảnh báo Paris "đang đùa với lửa".
Theo ông Slutsky, Tổng thống Pháp đã không từ bỏ ý tưởng "đối đầu trực tiếp giữa quân đội NATO-Nga", bất chấp lập trường của đa số các thủ đô châu Âu.
"Việc có tạo ra được một liên minh quân sự 'sẵn sàng cho mọi tình huống' chống Nga hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Tuy nhiên, rõ ràng Paris đang cố gắng đảm nhận vai trò là người sáng lập một cấu trúc mới mạnh mẽ hơn bên trong NATO.
Đây là hành động rất mạo hiểm, và nguy cơ tổn thất đầu tiên có thể sẽ là của những phía chống đối Nga. Dẫu sao, không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào, đúng không, ông Macron?" - Hãng thông tấn TASS ngày 10/3 trích dẫn quan điểm của ông Slutsky.
Ông Slutsky đồng thời gọi ý tưởng thành lập liên minh đưa quân tới Ukraine là "quyết định tự sát" và cho rằng nó chỉ có thể nhận được sự ủng hộ từ phía các nước Baltic - những phía "không muốn mất vị thế dẫn đầu trong cuộc đua bài Nga".
Trong khi đó, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Yury Hempel, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại và quan hệ giữa các sắc tộc thuộc chính quyền bán đảo Crimea, gọi liên minh mới gồm Pháp và các nước sẵn sàng điều quân đến Ukraine là "hành động xâm lược".
"Sáng kiến của Pháp là hành động gây hấn và bản thân Tổng thống Macron đang mắc sai lầm rất nghiêm trọng, điều này có thể khiến sự nghiệp chính trị của ông ta sụp đổ" - ông Hempel nói.
Ông Hempel đồng thời kêu gọi các chính trị gia ở châu Âu giữ vững lý trí và không bị lôi kéo vào những hành động "khiêu khích" của Paris.
Trước đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Nga không còn "lằn ranh đỏ" nào với Pháp sau khi ông Macron tuyên bố ủng hộ Kiev "không giới hạn".
"Ông Macron nói 'không còn lằn ranh đỏ hay giới hạn nào' trong việc ủng hộ Ukraine. Điều đó đồng nghĩa Nga không còn lằn ranh đỏ nào nữa với Pháp" - Ông Medvedev tuyên bố qua mạng xã hội X, đồng thời viết thêm cụm từ "In hostem omina licita".
Cụm từ này dường như muốn đề cập thuật ngữ "in hostem omnia licita" (binh bất yếm trá) theo tiếng Latin, ám chỉ Nga sẽ không loại trừ bất cứ hành động nào với Pháp trong trường hợp xung đột xảy ra giữa hai nước.
Đời sống Pháp luật