MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

30 năm có đủ để Việt Nam lọt top 20 nền kinh tế lớn trên thế giới?

30 năm có đủ để Việt Nam lọt top 20 nền kinh tế lớn trên thế giới?

Business Times (Singapore) từng nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu con hổ châu Á mới. Cùng với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng cho rằng trong tương lai, Việt Nam có cơ hội trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới và thứ 10 châu Á.

Theo Business Times (Singapore), Việt Nam có thể trở thành con hổ mới của châu Á với những lý do sau: Thứ nhất là sự bùng nổ của tầng lớp giàu có. Thứ hai là môi trường kích lệ khởi nghiệp. Thứ ba là sự bùng nổ của năng lượng tái tạo. Thứ tư là sự dồi dào của lực lượng lao động. Thứ năm là sự phát triển của thị trường bất động sản. Thứ sáu là nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn.

Cụ thể, tầng lớp giàu có của Việt Nam đang ngày càng tăng mạnh mẽ. Tại Việt Nam, khách sạn dát vàng, những căn hộ sang trọng hay những chiếc xe thể thao hào nhoáng đều thể hiện sự gia tăng của giới siêu giàu đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam ngày càng phát triển. Việt Nam được biết đến là trung tâm gia công phần mềm của Đông Nam Á. Với lao động trình độ cao và nhân công thấp hơn các nước trong khu vực, Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn để các công ty công nghệ sử dụng làm nền tảng cho sự phát triển.

Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo được quan tâm đặc biệt tại Việt Nam. Việt Nam hiện là quốc gia có công suất điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, với 16,6 gigawatt vào năm 2020. Chính phủ hiện đang thực hiện nhiều chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo này.

Hiện nay, thị trường bất động sản tại Việt Nam đang khá phát triển. Việt Nam đang thu hút nguồn vốn từ các công ty bất động sản ở Singapore, bao gồm CapitaLand, Keppel và Mapletree Logistics Trust. Trên thực tế, ngành bất động sản nói chung và phân khúc căn hộ cao cấp tại Việt Nam nói riêng đã trở nên phổ biến.

Cho đến nay, Việt Nam rất tích cực trong việc phát triển cơ sở hạ tầng lớn. Ngành xây dựng của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2022 khi một số dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn được thực hiện.

Việt Nam đã thực hiện sửa đổi luật xây dựng và luật đầu tư để giúp thu hút dòng vốn đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này. Đặc biệt, các công ty ở các khu vực khác của Đông Nam Á hiện đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Do đó, Business Times (Singapore) từng nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu con hổ châu Á mới.

Việt Nam là nước có nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, cũng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu và môi trường đầu tư thuận lợi. Cụ thể, theo WB, tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện chiếm 13% dân số cả nước và được dự đoán sẽ tăng lên 26% vào năm 2026. Việt Nam đang nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu trong khu vực, bao gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines về sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Cùng với đó, tại Hội nghị "Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA" năm 2020, Chủ tịch của Eurocham từng nhận định, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước.

Nhờ vậy, Việt Nam đã và đang trở thành một thị trường hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Với chi phí kinh doanh thấp, sở hữu một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu phát triển và môi trường thuận lợi đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn FDI.

Chính vì vậy, Eurocham nhận định, trong vài thập kỷ tới, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm ước tính là 5% đến năm 2050.

Hơn nữa, nhu cầu trong nước tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và xuất khẩu mạnh nhờ vào dòng vốn FDI. Theo Eurocham, tất cả những yếu tố đó sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn có quy mô đứng thứ 20 trên thế giới và thứ 10 châu Á vào năm 2050. 

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh. Hiện nay, Việt Nam hiện đứng thứ 70/190 quốc gia trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng Mức độ Dễ dàng Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới 2020. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 5 tuy nhiên khoảng cách còn khá xa so với Thái Lan, Malaysia.

Mục tiêu trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á cũng là một trong những trọng tâm được Chính phủ quan tâm.

Chính phủ xác định một trong những đòn bẩy giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quan trọng này chính là: Phát triển năng lượng xanh và phát triển bền vững; cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải cách quản trị rủi ro, đặc biệt trong tín dụng, thương mại và đầu tư.

https://cafef.vn/30-nam-co-du-de-viet-nam-lot-top-20-nen-kinh-te-lon-tren-the-gioi-20220527103044258.chn

Minh Tiến

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên