MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

30 năm đổi mới, “Việt Nam vẫn sợ cạnh tranh”

Sau 30 năm đổi mới ở Việt Nam tư duy “sợ” cạnh tranh vẫn tồn tại, ngay trong quản lý nhà nước...

TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ
109 bài viết

Nhận xét này được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu tại hội thảo xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh được CIEM tổ chức sáng 15/4.

Ở các nền kinh tế khác khi ban hành chính sách bao giờ họ cũng đặt ra câu hỏi là chính sách đó có hạn chế cạnh tranh không, còn ở Việt Nam chưa bao giờ đặt câu hỏi đó. Tư duy là nhà nước kiểm soát và sở hữu nên xây dựng chính sách là để quản lý, ông Cung so sánh.

“Cho đến giờ này tôi cũng chưa thấy sự thay đổi nào về mặt tư duy để cải thiện chất lượng chính sách một cách thực chất ở Việt Nam”, Viện trưởng CIEM bình luận.

Ông Cung nhấn mạnh, để chuyển đổi nền kinh tế lên một cấp của nền kinh tế thị trường thì phải có chính sách cạnh tranh toàn diện. Và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và công bằng thì cần có thể chế tốt.

Theo ông Cung, giai đoạn 2011 - 2015, cải cách thể chế đã đạt được bước đầu, tích cực, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém.

Thể chế còn nhiều vướng mắc, còn rất nhiều hạn chế yếu kém, so với yêu cầu thì còn xa, còn khoảng cách rất lớn giữa mong muốn và thực tế, ông Cung bình luận.

Những yếu kém được Viện trưởng CIEM đề cập như, kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu, chất lượng chưa được cải thiện. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, chưa tạo được đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội….

Trong số các nguyên nhân chủ quan dẫn đến những yếu kém nói trên có nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ, còn khác nhau. Nhất là về vai trò của Nhà nước, của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, quản lý giá cả, phân bổ nguồn lực…

Nguyên nhân thứ hai là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Bàn luận về nguyên nhân thứ nhất, ông Cung nói, đây là lần đầu tiên báo cáo chính thức thừa nhận còn có ý kiến khác nhau về định nghĩa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vì thế giới khoa học, chyên gia có cơ hội bàn luận làm cho rõ hơn, tìm kiếm giải pháp hợp lý hơn, ông Cung nói.

Nhấn mạnh cạnh tranh là câu chuyện rất lớn của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu thực tế, trong TPP thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam là thấp nhất, cả về năng lực thể chế hay năng lực của doanh nghiệp.

25 năm tham gia ASEAN Việt Nam vẫn ở vị trí thứ 7, kể cả các nước ở thứ hạng thấp hơn như Lào, Campuchia, Myanma có mặt nào đó đều hơn Việt Nam, họ đang vượt lên để chuyển đổi về thể chế, nên thách thức của Việt Nam là rất lớn, bà Chi Lan.

Theo bà Lan, ở Việt Nam lâu nay ưu tiên số 1 là doanh nghệp nhà nước và hai là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn doanh nghiệp tư nhân trong nước thì bị hai lực lượng kia chèn ép.

Việt Nam còn có bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp thân hữu và không thân hữu, đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa không có quan hệ thân hữu thì không thể có sự bình đẳng trong cạnh tranh, bà Lan nhìn nhận.

Bất bình đẳng hiện nay là hệ quả của thể chế, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung chốt lại.

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

Trở lên trên