30% người lao động Vietnam Airlines vẫn phải dừng việc dài hạn
Dù thị trường hàng không nội địa phục hồi mạnh, nhưng vẫn còn tới 30% người lao động (NLĐ) của Vietnam Airlines (VNA) vẫn phải tạm dừng hợp đồng dài hạn, số đi làm phải chấp nhận thu nhập giảm 40% so với khi chưa dịch bệnh.
Sáng 28/6, VNA đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Thông tin công bố tại đại hội cho thấy, dù còn nhiều khó khăn hậu dịch COVID-19, đặc biệt với hoạt động bay quốc tế, nhưng thị trường hàng không nội địa phục hồi mạnh vượt cả cao điểm năm 2019, đã giúp hãng hàng không này cải thiện tình hình tài chính, thu nhập của NLĐ.
Chủ tịch HĐQT VNA Đặng Ngọc Hoà cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19, trong 2 năm qua, việc làm và thu nhập của NLĐ trong toàn tổng công ty chịu ảnh hưởng lớn. Dù năm 2020, hãng được thí điểm cơ chế tiền lương theo năng suất, nhưng ảnh hưởng dịch, nên thực tế thu nhập bình quân của NLĐ chỉ bằng 49% của năm 2019. Năm 2021, nếu vẫn theo cách xác định của năm trước đó, thu nhập bình quân NLĐ của VNA chỉ bằng 25% so với năm 2019. Ông Hòa dự tính, với tình hình phục hồi tốt của năm 2022, thu nhập bình quân NLĐ của hãng sẽ đạt bằng 60% của năm 2019.
“Hiện tổng công ty có khoảng 30% lực lượng lao động đang tạm dừng hợp đồng nghỉ dài hạn không lương. Tổng công ty cũng tập trung chi trả thu nhập theo khả năng, đóng góp của NLĐ, giảm lương cố định, tăng lương hiệu quả”, ông Hòa nói.
Với lương của phi công, chủ tịch VNA cho hay, đang đề xuất các cấp thẩm quyền cho tách riêng lương của phi công, lực lượng lao động có tay nghề cao để có thể tăng lương cho phi công, giảm tác động tới quỹ lương chung. Ông Hòa dự báo, phải tới cuối năm 2024 thị trường hàng không mới phục hồi như giai đoạn chưa xảy ra dịch COVID-19, khi đó thu nhập người lao động cũng phục hồi.
Dự kiến năm nay thu nhập của người lao động VNA bằng 60% năm 2019.
Tới hết năm 2021, VNA có tổng số hơn 18.900 NLĐ, trong đó có hơn 5.600 người thuộc biên chế công ty mẹ, còn lại thuộc các công ty con, công ty liên kết.
Năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh, VNA được Ủy ban quản lý vốn chấp thuận cho áp dụng quỹ lương bằng 44% của lương thực hiện năm 2019. Cụ thể, lương bình quân NLĐ là 23,3 triệu đồng/tháng (bằng 57% của năm 2019). Trong đó, lương của chủ tịch HĐQT là 55 triệu đồng/tháng, thành viên HĐQT và trưởng ban kiểm soát nhận 47,1 triệu đồng/tháng, lương kiểm soát viên 39,3 triệu đồng/tháng (bằng 37% lương năm liền trước).
Tổng giám đốc bằng 4 lần lương bình quân người lao động, tức 93,2 triệu đồng/tháng.
Năm 2021, theo báo cáo của VNA, tổng lương và thù lao của chủ tịch HĐQT là 993 triệu đồng; một số thành viên còn lại của HĐQT, trưởng Ban kiểm soát thu nhập 790 triệu đồng.
Cùng năm, Tổng giám đốc VNA nhận thu nhập 987 triệu đồng, hai phó tổng giám đốc nhận 796 triệu đồng, một người nhận 535 triệu đồng. Kế toán trưởng nhận tổng thu nhập 794 triệu đồng.
Về kinh doanh, Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án tổng doanh thu năm 2022 khoảng 45.000 tỷ đồng, lỗ trước thuế của công ty mẹ khoảng 9.300 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của VNA giảm 30% so với năm trước đó (chỉ đạt hơn 29.700 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực chính hơn 27.900 tỷ đồng, bằng gần 69% so với năm liền trước. Tuy nhiên, nhờ khoản lãi 117 tỷ đồng từ thoái vốn tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6, Campuchia), bù đắp một phần chi phí, nên lỗ hợp nhất trước thuế hơn 12.900 tỷ đồng.
Thời điểm cuối năm 2021, nợ của VNA trên 52.767 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước đó, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 61%. Các khoản mục tăng chủ yếu do tăng các khoản phải trả nhà cung cấp quá hạn và các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Nợ quá hạn của VNA là hơn 15.700 tỷ đồng.
Tiền phong