4 người trong gia đình nhập viện sau khi ăn canh cua: Chuyên gia chỉ ra 3 điều 'tai hại'
4 thành viên trong cùng một gia đình sau khi ăn canh cua đã phải nhập viện cấp cứu.
- 10-06-2023Lưu ý quan trọng khi ăn canh cua cà muối trong ngày hè
- 11-10-2022Tiệm bánh canh cua Cà Mau bán 1.000 bát mỗi ngày, có bát lên đến 300.000 đồng
- 21-08-2022Hàng bánh canh cua từng gây "bão" một thời với mức giá cao ngất ngưởng 300.000 đồng/tô bây giờ ra sao?
Cua có nhiều dưỡng chất
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin về việc một gia đình 4 người, đang sinh sống tại Hà Nội, đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn bữa cơm có món canh cua. Trước khi nhập viện, gia đình có đặt cỗ ngoài về ăn, trong đó có món canh cua. Trong bữa cơm người bố 39 tuổi chỉ ăn nguyên canh cua đã phải nhập viện đầu tiên, 3 người còn lại ăn nhiều món khác nhau (gồm canh cua) cũng nhập viện sau đó.
Sau khi nhập viện cấp cứu, cả gia đình được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Các bác sĩ chẩn đoán cả 4 người đều bị ngộ độc thực phẩm. Sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện, 4 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, canh cua là một món ăn được yêu thích trong những ngày hè nắng nóng. Trong canh cua có chứa nhiều chất dinh dưỡng, nếu không chế biến đúng, bảo quản không tốt rất dễ bị nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc cấp tính.
Phân tích giá trị dinh dưỡng của cua đồng có thấy đây là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Trong 100g thịt cua đồng có protein (12,3g); lipid (3,3g); glucid (2g); canxi (120mg); sắt (1,4mg); phosphor (171mg), kẽm.
Ngộ độc canh cua xảy ra khi nào?
Theo PGS Lâm, khi cua đồng nấu kết hợp với các loại rau mồng tơi, rau đay, mướp… còn bổ sung thêm các vitamin - khoáng chất, chất xơ hoà tan rất tốt cho cơ thể. Với trường hợp ăn canh cua gây ra ngộ độc, vị chuyên gia dinh dưỡng cho rằng do rất nhiều nguyên nhân.
Trường hợp thứ nhất là do nguyên liệu đầu vào không được tươi ngon. Rất có thể là cua đã chết. Khi cua chết sẽ tiết ra nhiều chất histidine khiến người ăn dễ bị ngộ độc, đau bụng, nôn mửa. Trường hợp chua chết càng lâu thì lượng histidine càng nhiều, nguy cơ ngộ độc sẽ cao hơn.
Trường hợp thứ hai, nguy cơ ngộ độc có thể đến từ việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví như canh cua đã nấu chín nhưng sau đó dùng thìa dính thịt cua sống để múc canh khiến cho thực phẩm sống lẫn với thực phẩm đã chín gây ra ngộ độc.
Trường hợp thứ ba, canh cua đã được nấu chín nhưng để lâu không bảo quản tốt khiến cho canh bị nhiễm vi khuẩn dẫn tới ôi thiu. Lưu ý không để canh cua qua đêm hay nấu đi nấu lại nhiều lần. Do cua chứa nhiều đạm và các vitamin, canh thừa từ bữa trước, kể cả đã được bảo quản trong tủ lạnh, cũng dễ bị vi khuẩn xâm nhập, thậm chí nấu lại vẫn có thể gây ngộ độc.
Ngoài ra, cua sống tại những vùng nước ôi nhiễm thì ăn cũng có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ.
PGS Lâm khuyến cáo thêm, cua có chứa rất nhiều ký sinh trùng (sán lá phổi) vì vậy tuyệt đối không ăn cua sống hoặc chưa nấu, nướng chín kỹ. Khi ăn canh cua có mùi lạ nên đổ bỏ để tránh gây ngộ độc.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho hay để an toàn khi ăn canh cua nên mua cua sống về chế biến. Không nên mua cua đã xay sẵn vì có thể sẽ bị lẫn cua chết. Thậm chí một số người vì lợi nhuận có thể trộn thêm phụ phẩm không đảm bảo vào món canh cua.
Các chuyên gia cũng lưu ý thêm, canh cua nhiều chất dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng có thể ăn được cua. Lưu ý người bị dị ứng với cua thì không nên ăn canh cua. Người dị ứng cua sau khi ăn sẽ có các biểu hiện như: Ngứa, nổi mề đay, tiêu chảy, thậm chí khó thở, co thắt phế quản, nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Đông y, cua có tính hàn nên ăn vào dễ bị rối loạn tiêu hóa. Người bị tiêu chảy tuyệt đối không ăn cua đồng. Cua đồng có tính lạnh vì có thể khiến người đang bị bệnh, bị tiêu chảy càng bị nặng thêm.
Phụ nữ Việt Nam