5 bí quyết của ông bố Việt giúp 2 con đỗ Thạc sĩ Harvard: Không biến trẻ thành "gà công nghiệp", trước 18 tuổi nhất định phải làm điều này
Chú Lê Quang Đông luôn rất tự hào khi kể về 2 người con đã đỗ vào chương trình Thạc sĩ của Đại học Harvard.
- 28-11-2023Vi Thần - "Thiên tài toán học khiến Harvard khao khát" gây bất ngờ vì cuộc sống quá đạm bạc: Tuổi 32 không nhà, không xe, mức lương làng nhàng
- 21-11-2023Loại gia vị mạnh mẽ được bác sĩ Harvard hết lời khen: Người Việt đã tận dụng từ rất lâu
- 19-11-20231 loại rau bán đầy chợ Việt được ĐH Y Harvard xem là ‘siêu thực phẩm’, hạ đường huyết cực tốt
Đại học Harvard được coi là “thánh địa” của hàng triệu học sinh, sinh viên mỗi năm bởi chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới.
Đỗ Harvard đã khó, thế nhưng việc luôn giữ được thành tích tốt, trở thành một trong các sinh viên nổi trội tại ngôi trường danh giá này hẳn nhiên cũng không dễ dàng. Và đằng sau những câu chuyện thi đỗ Harvard gây xôn xao mạng xã hội là những phương pháp giáo dục đúng đắn ngay từ nhỏ của các bậc cha mẹ thông thái.
Câu chuyện học tập của cặp anh em Lê Quang Nhật (SN 1995) – Lê Ngọc Nam Phương (SN 2003) nhất định sẽ truyền cảm hứng cho nhiều gia đình. Cả hai cùng sở hữu thành tích xuất sắc, đặc biệt đều đỗ vào chương trình bậc Thạc sĩ của đại học Harvard.
Cụ thể, anh trai Lê Quang Nhật tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ ngành Tài chính ở Harvard với tấm bằng xuất sắc (3.8/4.0). Anh chàng cũng từng là đại diện trường Harvard tiếp đón Tổng thống Ecuador và Tổng thống Panama, Chủ tịch hội Du học sinh Việt Nam tại trường ĐH thành phố Seattle…
Trong khi đó, em gái Nam Phương cũng không kém cạnh khi chỉ mất 1,5 năm hoàn thành chương trình cử nhân ở Mỹ. Sau đó, cô đỗ chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế - Tài chính ở Harvard khi mới 19 tuổi.
Đứng đằng sau thành công của 2 anh em, không thể thiếu được sự giúp đỡ và định hướng từ các bậc phụ huynh. Cả hai sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là người Việt Nam, giàu truyền thống học tập.
Bố là chú Lê Quang Đông (SN 1965) từng là bác sĩ tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM và nay là cố vấn tại Bệnh viện Hạnh phúc (Bình Dương). Thời đi học, chú Đông từng được tuyển thẳng vào ĐH Sư phạm TP.HCM, song chú đã từ chối để đi theo truyền thống ngành Y của gia đình.
Trong khi đó, mẹ của Quang Nhật – Nam Phương cũng từng làm trong ngành Y, sau đó chuyển qua kinh doanh và hiện đang giữ chức Giám đốc.
Chia sẻ về phương pháp dạy con thành tài, chú Đông tâm sự mỗi gia đình và mỗi đứa trẻ lại có câu chuyện khác nhau. Song, chú Đông luôn cố gắng giáo dục nhiều kiến thức và kỹ năng cho Quang Nhật – Nam Phương với mục tiêu “không để con bị choáng ngợp trong xã hội”.
Dưới đây là một số bài học kinh nghiệm dạy con của vợ chồng chú Lê Quang Đông:
1. Không yêu cầu con đứng đầu lớp
Ngay từ nhỏ, việc học của 2 anh em Quang Nhật – Nam Phương đã được gia đình rất quan tâm. Trước khi vào năm học mới, chú Đông thường mua sách giáo khoa, sách tham khảo, sách hướng dẫn… để các con tranh thủ đọc thêm trong mùa hè.
Tuy nhiên, chú Đông khẳng định: “Dù thời phổ thông, chú luôn đứng đầu lớp nhưng khi dạy các con, chú không yêu cầu con phải là số 1 trong lớp. Các bạn cần tự có ý thức học hành ".
Gia đình chú Đông đặt ra nguyên tắc thương con nhiều, nhưng nhất định không ép buộc mà sẽ bên cạnh hỗ trợ việc học của 2 con.
2. Không biến trẻ thành “gà công nghiệp”
Trái với suy nghĩ của nhiều người về những du học sinh đạt thành tích cao, Quang Nhật và Nam Phương không hề “mọt sách” mà sở hữu list hoạt động ngoại khóa ấn tượng. Cả hai đều có đam mê và sở thích riêng. Như Quang Nhật thường du lịch hay chơi cờ để xả stress; còn Nam Phương lại yêu thích chơi đàn, tập thể dục… ngoài giờ học.
Đó đều nhờ vào sự định hướng của gia đình khi chú Đông quan niệm: Không muốn biến con thành "gà công nghiệp" – chỉ học chứ không biết làm gì hết.
Chú Đông nhớ lại: “Hồi nhỏ, chú định hướng các bạn ấy theo đuổi thế mạnh ngoại khoá, từ đó có thể vượt trội hơn các bạn cùng lớp hay chí ít để con tự tin hơn. Như Nhật thích chơi cờ tướng nên chú thường bay ra Hà Nội cùng con để thi đấu trong các giải trẻ toàn quốc. Còn với Nam Phương thì từ lúc 5 tuổi đã cho đi học múa”.
Thời gian rảnh, chú Đông thường chở các con đi khắp nơi để leo núi, vui chơi… sau những giờ học căng thẳng. Bên cạnh đó, gia đình thường khuyến khích 2 anh em tham gia các hoạt động tập thể như làm cán bộ lớp, từ thiện để cả hai biết được thêm về cuộc sống xung quanh, có ý thức hơn về xã hội.
“ Chú muốn các con năng động và hoà nhập để sau này không bị choáng ngợp khi ra ngoài xã hội ”, người cha nhấn mạnh.
3. Cho con đi du học trước 18 tuổi
Trong suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, chú Đông luôn nhấn mạnh rèn luyện tính tự lập cho con .“ Quan điểm của chú là ‘đẩy ra có kiểm soát’. Trẻ càng tự lập sớm thì càng dễ tiếp cận cuộc sống hơn. Nếu trẻ nhỏ quá thì ba mẹ cần hỗ trợ ”, chú Đông nói.
Cũng vì mong con được tự lập sớm, cả hai anh em Quang Nhật - Nam Phương đều được cha mẹ cho lên đường du học Mỹ trước năm 18 tuổi. Cuộc sống du học nơi đất khách thường rất cô đơn và gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với những bạn trẻ rời xa vòng tay gia đình khi chưa đủ tuổi trưởng thành. Song chú Đông quan niệm, “người nào rời gia đình trước 18 tuổi đều sẽ khai phá được bản thân”.
Được biết, chú Đông đã định hướng cho các con du học ngay từ cấp 2. Người cha cũng đặt mục tiêu 2 anh em phải lấy được bằng lái xe của nước Mỹ vào năm 18 tuổi.
Bên cạnh đó, chú yêu cầu ngoại trừ năm nhất bắt buộc ở trong ký túc xá (theo yêu cầu của trường), ở những năm tiếp theo, con phải thuê nhà bên ngoài để trải nghiệm cuộc sống.
Để chuẩn bị cho việc đưa con đi du học sớm, chú Đông cũng tính hết các phương án và cố gắng để hai anh em không bị choáng ngợp với cuộc sống nơi đất khách quê người. Điển hình như trước khi Quang Nhật du học Mỹ, chú đã đưa con đi du lịch một số quốc gia, sang cả Mỹ để con không bỡ ngỡ thì mới tiến hành nộp hồ sơ vào các trường.
Đến khi con nhập học trong môi trường dày thành tích học thuật như ĐH Harvard, các bạn sinh viên cũng không tránh khỏi những áp lực thường trực.
Con gái Nam Phương từng chia sẻ về trải nghiệm học tại Harvard: “Mình nhớ nhất những ngày ôn thi ở Harvard. Khi ấy, mình vừa đi làm về là lao vào học ngay. Dù rất mệt nhưng vì tương lai, mọi người đều cố gắng, mình không thể đứng lại được. Nhiều khi mình phải thức đến sáng để ôn bài kĩ rồi mới đi ngủ. Mình cũng áp lực lắm, nhiều khi phải nói chuyện với ba mẹ và anh trai để đỡ căng thẳng rồi mới tiếp tục học được”.
Biết được nỗi niềm của con, chú Đông thường xuyên liên lạc động viên hai anh em. Chú chia sẻ: “Người cha khuyến khích mặt định hướng, còn mẹ động viên những cái chi tiết hơn. Chú thường tâm sự với con rằng đã đi du học rồi thì không nên lấn cấn những chuyện sinh hoạt lặt vặt”.
4. Không bao giờ phạt con
Nhiều gia đình thường đặt ra các quy tắc phạt để răn đe trẻ tự giác trong học tập và cũng nghe lời cha mẹ hơn. Tuy nhiên với gia đình Quang Nhật – Nam Phương, người cha quan niệm không bao giờ phạt, chỉ dừng ở nhắc nhở.
Chú Đông đánh giá cao giáo dục con về ý thức thay vì hình thức. Bên cạnh đó, chú thường động viên và khuyến khích mỗi khi con có thành tích tốt. Chú kể lại có lần Nam Phương được giới thiệu một cuốn sách quốc tế khá khó tìm kiếm, nhưng để động viên con gái, chú đã cố gắng đi khắp nơi để dành tặng món quà.
5. Cho con tự do chọn ngành
Gia đình chú Đông có truyền thống về ngành Y khi cả bố và mẹ đều từng theo đuổi công việc này. Bên cạnh đó, gia đình cũng có truyền thống học thuật khi có nhiều người thân giữ chức Phó giáo sư, Tiến sĩ.
Tuy nhiên, chú Đông quan niệm không ép con đi theo truyền thống của gia đình. “Tuỳ vào cách nhìn nhận mà con sẽ tự tìm hiểu có muốn theo học ngành Y hay không. Chú quan điểm mỗi người lại có duyên nghề nghiệp riêng. Thế hệ trước và sau may mắn lắm mới làm chung công việc, cùng ngành nghề với nhau. Nên cha mẹ không thể ép buộc con đi theo định hướng của mình ” , người cha tâm sự.
Với định hướng giáo dục tốt của gia đình, nên cả anh em Quang Nhật - Nam Phương đều thành tài. Bên cạnh việc nhập học chương trình Thạc sĩ của ĐH Harvard, họ đều đạt được nhiều thành tích đáng nể trên cả con đường học tập và sự nghiệp tại Mỹ.
Với cương vị là một người cha, chú Đông luôn tỏ ra rất tự hào khi nhắc về con: “Cha mẹ nào cũng muốn con mình thành đạt nhưng chú không đặt một mức cụ thể, hay gò bó khuôn phép các con. Chưa biết sau này các bạn ấy gặp thuận lợi hay khó khăn thế nào, chú chỉ mong các con hạnh phúc và sẽ tiếp tục hỗ trợ 2 anh em trong tương lai".
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phụ nữ mới