5 năm cắt giảm 12.000 dự án đầu tư công
Năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xác định, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Để tập trung đầu tư các “quả đấm thép” cho đột phá hạ tầng, giai đoạn 2016-2020, 12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương đã bị cắt giảm.
- 07-01-2024TPHCM chi tiêu hết gần 44.000 tỷ đồng vốn đầu tư công
- 04-01-2024Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt gần 73,5% kế hoạch
- 03-01-2024Gắn kết quả giải ngân vốn đầu tư công với trách nhiệm lãnh đạo
Sáng 11/1, tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC Hòa Lạc), Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính .
Định hướng nhiệm vụ năm 2024. Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, rất nhiều nhiệm vụ khó , nặng nề và quan trọng đang chờ đợi toàn ngành. Càng trong khó khăn, càng cần hơn nữa sự tham mưu trí tuệ, đột phá trong phấn đấu thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hội nghị ngày hôm nay, Bộ KH&ĐT sẽ ban hành chỉ thị triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ.
Bộ KH&ĐT đặt mục tiêu tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công , phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026-2030 gắn với các nghị quyết của Bộ Chính trị, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và địa phương.
Bộ trưởng KH&ĐT chỉ rõ, năm 2024, đầu tư tư nhân dự báo tiếp tục khó khăn, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng, hỗ trợ phát triển nhiều ngành, lĩnh vực. Bộ đã nỗ lực khắc phục bằng được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… cho đột phá hạ tầng của đất nước và các địa phương.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 đã cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương. Số dự án giảm xuống dưới 5.000.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2026-2030 cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5.000 km đường cao tốc; hạ tầng đường sắt (đặc biệt là triển khai dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam), hệ thống cảng biển, các tuyến kết nối để hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ KH&ĐT cũng đặt mục tiêu hoàn thành và trình phê duyệt 5 quy hoạch vùng còn lại trong quý I năm 2024.
Với khu vực doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT sẽ nắm bắt phản ánh để từ đó tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài.
Cũng trong năm 2024, Bộ KH&ĐT định hướng tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư. Mục tiêu tận dụng xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Cùng với đó, Bộ KH&ĐT sẽ phát huy vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, và cả trung tâm ở các vùng, địa phương, góp phần thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước; xác định và tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, có thể tận dụng, đi tắt đón đầu cùng xu thế phát triển của thế giới; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nước.
Ngành KH&ĐT cũng đặt mục tiêu hoàn thiện đề án đào tạo nhân lực cho ngành chíp, bán dẫn để sẵn sàng, chuẩn bị đón nhận những cơ hội, dự án phát triển ngành bán dẫn… Mục tiêu chiến lược là xanh hóa nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Tiền phong